Một  bệnh nhân bị dị ứng sau khi sử dụng thực phẩm chức năng đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Một bệnh nhân bị dị ứng sau khi sử dụng thực phẩm chức năng đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Tại các cơ sở y tế, số bệnh nhân dị ứng với thực phẩm chức năng ngày càng nhiều, có những trường hợp nhiễm độc gan và dị ứng trên da

 
Vốn bị bệnh lupus ban đỏ từ nhiều năm nay, chạy chữa không khỏi nên chị T.H.H (44 tuổi, ngụ quận Phương Mai - Hà Nội) như bắt được vàng khi nghe người quen giới thiệu về một loại thực phẩm chức năng (TPCN) chữa khỏi căn bệnh này. Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày sử dụng, chị bắt đầu có cảm giác nôn nao, khó chịu và đau bụng.
 
Một tuần sau, toàn thân chị H. bắt đầu nổi mẩn đỏ, phát ban ngứa ngáy, nhiều vùng da mặt xuất hiện những bọng nước. Gia đình đưa chị H. tới bệnh viện. Tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, chị H. được chẩn đoán nhiễm độc gan, thận và dị ứng trên da do sử dụng TPCN. 
 
Bỏ cả đơn thuốc bác sĩ kê
 
PGS-TS-BS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong năm 2010, bệnh viện này đã phải điều trị cho hàng chục bệnh nhân bị dị ứng sau khi dùng các loại TPCN, đó là chưa kể những trường hợp nhẹ sau khi khám đã được kê đơn thuốc, cho về.
 
Có nhiều loại TPCN được người bệnh kể tên và đem đến bệnh viện, trong đó có rong biển, tảo biển, trà giảm béo... Biểu hiện thường gặp nhất là bệnh nhân bị mày đay, nổi ban đỏ, ngứa da, ngứa mắt và xuất hiện bọng nước trên da.
 
“Điều đặc biệt là phần lớn người sử dụng TPCN và bị dị ứng đều có tiền sử mắc bệnh mãn tính, có rối loạn một số chức năng trong cơ thể, bị lupus ban đỏ, viêm da dị ứng, hen phế quản... Những sản phẩm này được bệnh nhân cho biết là sử dụng do nghe người khác quảng cáo, truyền miệng. Thậm chí có trường hợp còn bỏ cả đơn thuốc bác sĩ kê để chuyển sang dùng TPCN”- PGS-TS-BS Nguyễn Văn Đoàn nói thêm.
 
Không chỉ người lớn bị dị ứng với những sản phẩm này mà ngay cả trẻ nhỏ cũng bị phản ứng khi được bố mẹ “tẩm bổ” với hộp nước hoa quả chứa vitamin tổng hợp được xách tay từ nước ngoài về.
 
BS Nguyễn Tuấn Anh, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, kể cách đây không lâu có một cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội được gia đình đưa đến khám trong tình trạng mẩn ngứa, phát ban trên da.
 

Không quá tin vào quảng cáo

PGS-TS-BS Nguyễn Văn Đoàn khuyến cáo: “Việc dùng các TPCN không thể thay thế một chế độ ăn lành mạnh hoặc sử dụng các thực phẩm giàu chất xơ và vitamin. Vì thế, khi dùng TPCN nào đó để hỗ trợ điều trị, người bệnh cần cân nhắc lựa chọn sản phẩm, không nên quá tin tưởng vào những lời quảng cáo về hiệu quả chữa bệnh do các nhà kinh doanh đưa ra”.

Do cháu nhỏ chưa ý thức được nên khi da mẩn đỏ và ngứa, cháu đã gãi đến bật máu. Mẹ cháu bé kể lại, trước đó cháu được cho một loại hộp TPCN chứa vitamin tổng hợp gồm những viên rất giống viên kẹo để... chống lười ăn. Chỉ sử dụng được 2 ngày thì bé phát ban.
 
Không phải ai cũng dùng được
 
PGS-TS-BS Nguyễn Văn Đoàn cho rằng về mặt lý thuyết, TPCN rất tốt bởi nó không chỉ cung cấp dinh dưỡng cơ bản mà còn có chức năng phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe nhờ các chất chống ôxy, chất xơ và một số thành phần khác. Tuy nhiên, không phải tốt là an toàn tuyệt đối với tất cả mọi người.
 
“Vì đây là sản phẩm nằm giữa ranh giới thực phẩm và thuốc nên những ai dị ứng với thành phần nào đó của thuốc hay thực phẩm nên cẩn trọng khi sử dụng. Chẳng hạn người có tiền căn dị ứng với một loại vitamin, nguyên tố vi lượng hay hải sản, đồ tanh nào đó mà trong loại TPCN này lại chứa một trong những thành phần đó thì khả năng dị ứng sau sử dụng là rất cao” – PGS-TS-BS Nguyễn Văn Đoàn giải thích.
 
Theo các bác sĩ điều trị tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều bệnh nhân nhập viện điều trị dị ứng vì TPCN đã phải nằm viện 2 - 3 tuần. Với những bệnh nhân bị tổn thương đến gan, thận kể cả khi được điều trị khỏi vẫn có những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe sau này.
 
Thực tế đã có không ít trường hợp sử dụng TPCN chứa vitamin tổng hợp để mắt sáng, đẹp da nhưng hậu quả thì mắt sưng húp, da sần sùi, ban đỏ vì dị ứng. 
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng các sản phẩm TPCN xuất hiện ngày càng nhiều, nguồn nguyên liệu đa dạng nên việc sử dụng cũng cần thận trọng, nhất là với những cơ địa mẫn cảm.
 
Do vậy, những người hay bị dị ứng nên tìm hiểu kỹ hơn khi sử dụng TPCN, nhất là hiện nay nhiều người vẫn còn nhầm tưởng TPCN là “thần dược” do bị một số nhà kinh doanh thổi phồng công dụng sản phẩm.
 
 
                                                                       Theo NguoiLaoDong
 
 

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục