Giá thuốc liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân
1. Dự thảo tăng viện phí khiến dư luận phản đối
Vào tháng 7-2010, Bộ Y tế đề xuất tăng viện phí sau 15 năm chưa được điều chỉnh. Theo dự thảo, mức thanh toán khám bệnh tăng lên 30.000 đồng/lần khám (cho BV hạng cao nhất) và từ 10.000 - 20.000 đồng/lần khám cho các BV tuyến dưới; tiền giường điều trị sẽ tăng lên 50.000 - 100.000 đồng/ngày, tùy theo tuyến điều trị.
Trong khi theo khung giá cũ, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 3.000 đồng/lần khám chữa bệnh; 10.000 đồng/giường bệnh/ngày điều trị nội trú. Bộ Y tế cho rằng việc điều chỉnh giá viện phí lần này là để phù hợp với sự biến đổi của mặt bằng giá chung trong 15 năm qua… Tuy nhiên, đề xuất tăng viện phí của Bộ Y tế đã bị dư luận phản đối và đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
2. Lần đầu tiên ghép van tim và tim từ người chết não
Tháng 5-2010, hai van tim của một ca tử vong do chết não đã được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức Hà Nội sử dụng để ghép và cứu sống cho hai bệnh nhân mắc bệnh tim. Do kỹ thuật ghép van tim khá phức tạp, số van đồng loại có được để thực hiện phẫu thuật (từ nguồn hiến tạng) không nhiều nên thế giới cũng mới thực hiện được một số ít các ca mổ này.
Còn tại Việt Nam, Bệnh viện Việt Đức là đơn vị đầu tiên thực hiện phẫu thuật này. Tháng 6-2010, các bác sĩ Bệnh viện 103, Học viện Quân y cũng thực hiện thành công một ca ghép tim cho bệnh nhân nam bị suy tim, từ một người chết não. Đây cũng là ca ghép tim đầu tiên tại Việt Nam.
3. Tiêm chủng mở rộng vaccine “5 trong 1” miễn phí
Từ 1-6-2010, Bộ Y tế triển khai tiêm chủng mở rộng miễn phí “vaccine 5 trong 1” cho trẻ. Đây là loại vaccine tổng hợp đầu tiên được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nhằm giảm bớt mũi tiêm, an toàn và tiện lợi.
Loại vaccine này có tên gọi DPT-VGB-Hib phòng bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Haemophilus influenza tuýp B (Hib).
4. Lùm xùm sản xuất thuốc Tamiflu
Thanh tra Chính phủ kết luận, 4 công ty dược phẩm trong nước đã làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng của nhà nước khi mua nguyên liệu sản xuất thuốc Tamiflu điều trị cúm A/H1N1 với giá cao.
Kết luận thanh tra cho thấy, Chính phủ đã chi hơn 562 tỷ đồng để 4 công ty sản xuất gần 20 triệu viên thuốc, thế nhưng gần một nửa số thuốc này đã bị bỏ lãng phí.
5. Cứu sống trẻ sơ sinh nhẹ cân nhất
Một cháu bé gái lọt lòng mẹ chỉ cân nặng chưa tới 700 gram đã được các bác sĩ BV Bạch Mai cứu sống một cách ngoạn mục.
Bé H.T.H.Thương được chuyển từ BV Đa khoa Nghệ An lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cấp cứu vào tháng 9-2010 trong tình trạng bị viêm phổi, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, ít cơ hội được cứu sống. Sau đó, bé được chuyển sang BV Bạch Mai.
Cháu được sinh ra khi thai kỳ chưa tới 28 tuần và là ca sơ sinh nhẹ cân nhất từ trước đến nay mà y học Việt Nam cứu sống được.
6. Từ 1-1-2010, tăng mức đóng bảo hiểm y tế
Từ ngày 1-1-2010, mức đóng góp hàng tháng đối với đối tượng tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương tối thiểu.
Khi tham gia bảo hiểm y tế có sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; Mẹ Việt Nam anh hùng, sĩ quan, hạ sĩ quan đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân và người có công với cách mạng.
Với các đối tượng còn lại, nếu khám chữa bệnh có dùng đến dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, chi phí cho một lần sử dụng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu.
Sau 5 năm luôn bị bội chi, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo, dự kiến năm 2010 tình trạng mất cân đối thu chi bảo hiểm y tế cơ bản được khắc phục, quỹ bảo hiểm y tế có kết dư khoảng 3.500 tỷ đồng.
7. Ngân hàng mắt đầu tiên tại Việt Nam
Đây là ngân hàng mô đầu tiên chính thức thành lập sau khi Luật Hiến ghép mô tạng có hiệu lực năm 2007. Ngân hàng này thuộc BV Mắt Trung ương sẽ là nơi lưu trữ, bảo quản giác mạc. Ngân hàng có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản và phân phối giác mạc và các mô của mắt đến các cơ sở cấy ghép trên toàn quốc. Mọi hoạt động mua - bán đều bị cấm nên ngân hàng sẽ không trả tiền cho người hiến và gia đình.
Đến nay, BV Mắt Trung ương đã ghép 136 giác mạc từ 69 người hiến và hơn 10.000 người đã đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.
8. Giá thuốc liên tục tăng cao
Giá thuốc Việt Nam cao từ 5 - 40 lần so với thế giới. Đó là khảo sát trong năm 2010 của Tổ chức Y tế thế giới với 7 nhóm thuốc thông dụng, trong đó có kháng sinh. Giá thuốc liên tục tăng cao trong nhiều năm qua và năm 2010 được xem là năm biến động của thị trường dược phẩm.
Kết quả thanh tra của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, không ít nhà thuốc tư nhân, thậm chí nhà thuốc bệnh viện mua 1 bán gấp 5 - 10 lần.
Giá thuốc liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ảnh: MAI HẢI |
9. 20 năm phòng chống HIV/AIDS
Ngày 1-12-2010, Việt Nam kỷ niệm 20 năm phòng chống HIV/AIDS kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào năm 1990. Sau 20 năm, tính đến ngày 30-9-2010, cả nước đã có 228.680 người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện, trong đó 48.368 người đã chết và 180.312 người còn sống. Trong số người nhiễm còn sống có 42.339 người đã chuyển qua giai đoạn AIDS.
Mặc dù đã đạt được thành công rất lớn trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS, tuy nhiên trước mắt vẫn còn nhiều thách thức và nguy cơ bùng nổ dịch, nhất là nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS qua đường quan hệ tình dục không an toàn, tập trung và gia tăng ở những nhóm ít nguy cơ như phụ nữ và trẻ em.
Mỗi năm, Việt Nam có tới 15.000 người nhiễm mới và con số này có nguy cơ gia tăng.
10. Hoang mang bọ xít hút máu người
Các nhà khoa học ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật liên tiếp phát hiện các ổ bọ xít hút máu số lượng lớn trú ở các khu dân cư. Thủ đô Hà Nội là nơi phát hiện nhiều ổ bọ xít nhất với số lượng lớn nhất, có ổ lên đến trên 1.000 con. Đối tượng hút máu của bọ xít là người và chúng có thể truyền các ký sinh trùng gây bệnh.
Tại TPHCM, cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều ổ bọ xít hút máu người. Tuy nhiên, đến nay kết luận cuối cùng về loại bọ xít hút máu có bùng phát và đe dọa sinh mạng cộng đồng hay không vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo SGGP
(HBĐT) - Bằng những hành động cụ thể như Đảng uỷ – HĐND ra nghị quyết về chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở, quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ, công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại xã vùng sâu Hưng Thi (Lạc Thuỷ) đã được nâng cao. Tháng 9/2010, xã được UBND tỉnh công nhận chuẩn quốc gia về y tế xã (giai đoạn 2001 – 2010).
(HBĐT) - Kết thúc chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn, toàn huyện Yên Thuỷ mới thực hiện được 70% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân của thực tế này là những khó khăn chủ quan cũng như một số vấn đề phát sinh trong triển khai chiến dịch cần xem xét để rút kinh nghiệm cho những năm sau.
Chất giữ ẩm da thu hút mạnh người tiêu dùng trong tiết trời khô lạnh. Tuy nhiên trước khi sử dụng, cần phải biết rõ thành phần, cơ chế tác dụng của sản phẩm. Không phải sản phẩm nào cũng vô hại và không phải ai cũng có thể xài.
Từ trước tới nay, có nhiều bà mẹ quan niệm rằng, mùa nóng, trẻ thường ra mồ hôi nhiều nên mới cần bổ sung nhiều nước, nước chỉ giúp cân bằng việc điều hòa thân nhiệt cho trẻ vào mùa nóng – giảm sự nóng bức trong người cho trẻ, tức là giúp tạo mồ hôi, thải nhiệt và làm mát da khi trời nóng. Vì vậy khi vào mùa đông, trời rét, nhiều bà mẹ đã áp dụng biện pháp hạn chế cho con uống nước vì sợ con sẽ bị lạnh. Thậm chí có rất nhiều bà mẹ cho rằng không cần cho trẻ uống nước vào mùa đông vì trẻ không đổ mồ hôi.
Trong cuộc sống hiện đại, hệ tiêu hóa của con người rất dễ bị quá tải do chế độ sinh hoạt hàng ngày, lúc thì quá no, lúc lại quá đói. Thêm vào đó, các loại thực phẩm, đồ ăn, nước uống còn ẩn chứa nhiều hiểm nguy như: thuốc trừ sâu, lạm dụng hóa chất bảo quản, chất tạo màu, mùi và vị. Ngoài ra việc sử dụng thuốc kháng sinh chữa bệnh dài ngày sẽ dẫn tới mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Tất cả các nguyên nhân trên khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn. Ngoài việc dùng thuốc, chúng tôi xin giới thiệu những món ăn bổ dưỡng giúp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh để bạn đọc tham khảo và áp dụng.
Liên tiếp trong những số báo 203, 204 báo Sức khỏe & Đời sống đã chuyển tải tới bạn đọc những thông tin liên quan đến loại gia vị thực phẩm - sa tế Tứ Xuyên có chất gây ung thư (báo chí Trung Quốc đăng tải). Với trách nhiệm xã hội cao, ngay lập tức ngành y tế đã vào cuộc, tiến hành thanh kiểm tra, lấu mẫu và xét nghiệm các chỉ tiêu chất lượng của các loại gia vị lẩu. Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe cộng đồng, Cục ATVSTP khuyến cáo: người tiêu dùng tuyệt đối không được sử dụng các loại phụ gia thực phẩm, đặc biệt là các loại gia vị lẩu không rõ nguồn gốc, không có nhãn phụ tiếng Việt.