Tình trạng quá tải sẽ không còn khi đề án 1816 thực hiện có hiệu quả.
Ảnh: Dương

Tình trạng quá tải sẽ không còn khi đề án 1816 thực hiện có hiệu quả. Ảnh: Dương

Tại hội nghị trực tuyến chỉ đạo tuyến chuyên ngành ngoại khoa, tổng kết dự án bệnh viện (BV) vệ tinh và giới thiệu những thành tựu, tiến bộ y học của BV Việt - Đức diễn ra ngày 15-7 vừa qua, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV khẳng định, nếu không có các "bài thuốc điều trị" như dự án BV vệ tinh, Đề án 1816, thì "bệnh" quá tải còn nặng và sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nhân tuyến dưới lên tuyến trên phải xếp hàng, thậm chí 10 năm mới đến lượt được điều trị.

 

Kỹ thuật cao đã xuống được cơ sở

Đi đôi với hoạt động nâng cấp hạ tầng cơ sở, đầu tư trang thiết bị, việc nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại khoa ngay tại cơ sở, rút ngắn khoảng cách chất lượng dịch vụ y tế giữa trung ương với địa phương và góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên luôn là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế nói chung, BV Việt - Đức nói riêng. Với bề dày truyền thống hơn 100 năm và là cái nôi của ngành ngoại khoa Việt Nam, trung tâm phẫu thuật lớn nhất cả nước, từ cuối năm 2004, BV đã được Bộ Y tế quyết định chọn để triển khai thí điểm đầu tiên mô hình "BV vệ tinh" với mục đích tăng cường năng lực ở hai lĩnh vực chính: phẫu thuật sọ não và phẫu thuật chấn thương. 6 BV được lựa chọn để xây dựng "vệ tinh" cho BV Việt - Đức gồm các BV: Sơn Tây, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Việt - Tiệp, Nam Định và Phú Thọ để xử trí các trường hợp chấn thương ngoại khoa ngay tại địa phương.

Phó Giám đốc BV Việt - Đức, Trần Bình Giang cho biết, sau gần 7 năm triển khai, đến nay, mỗi BV vệ tinh đã có đội ngũ 56 cán bộ y tế được đào tạo cơ bản; được trang bị 3 phòng mổ đủ khả năng phục vụ các cuộc mổ lớn, cứu sống tính mạng bệnh nhân. Nhiều kỹ thuật mổ phức tạp trước đây chưa được triển khai nay đã được thực hiện tốt tại các BV vệ tinh như: phẫu thuật cấp cứu thần kinh, cấp cứu bụng, chấn thương, phẫu thuật mạch máu… Đặc biệt, với sự tư vấn về chuyên môn của các giáo sư, bác sỹ đầu ngành thông qua hệ thống chẩn đoán bệnh trực tuyến đã kịp thời hỗ trợ tuyến dưới trong các lĩnh vực gây mê, hồi sức và phẫu thuật cấp cứu để giảm các nguy cơ tai biến trong quá trình chuyển tuyến điều trị. Theo đó, số bệnh nhân được điều trị ngoại khoa tại các BV vệ tinh đã tăng nhanh sau khi triển khai dự án. Điển hình như BV Thanh Hóa, năm 2004 chỉ có 8.124 bệnh nhân phẫu thuật tại BV, đến năm 2010 tăng lên 19.819 bệnh nhân; hai con số tương ứng tại BV Phú Thọ là 3.224 và 8.029; tại BV Việt - Tiệp là 11.407 và 15.543… Những con số trên đồng nghĩa với việc lượng bệnh nhân tuyến dưới cần phải chuyển lên tuyến trên cũng giảm hẳn, giảm nhiều nhất là ở Bắc Ninh (năm 2004 có 264 ca phải chuyển lên BV Việt - Đức, năm 2010 chỉ có 114 ca).

Hiệu quả từ 1816

Song hành với dự án "BV vệ tinh", Đề án 1816 - cử cán bộ y tế tuyến trên luân phiên về hỗ trợ tuyến dưới do Bộ Y tế triển khai trên cả nước cũng được BV Việt - Đức thực hiện hiệu quả. Hơn hai năm qua, BV đã cử 168 cán bộ luân phiên (CBLP), trong đó 31 cán bộ chi viện cho Trung tâm Tim mạch (BV E), 137 CBLP hỗ trợ 26 bệnh viện tỉnh. Nơi tiếp nhận CBLP của BV Việt - Đức đến hỗ trợ đều là BV đa khoa các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc như Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên… Bằng hình thức cầm tay chỉ việc, CBLP đã chuyển giao cho cán bộ y tế tuyến cơ sở hàng trăm kỹ thuật thuộc 7 lĩnh vực chuyên khoa ngoại (phẫu thuật thần kinh sọ não, phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, phẫu thuật nhi, phẫu thuật tiêu hóa, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật tiết niệu), chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức… Cụ thể, năm 2008, CBLP đã chuyển giao được 98 kỹ thuật, năm 2009 là 134 và năm 2010 là 116. Nhờ có CBLP hỗ trợ, đến nay, BV Đa khoa tỉnh Hà Giang đã chuẩn hóa các quy trình kỹ thuật ngoại khoa và thực hiện thành công phẫu thuật chấn thương cột sống, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, phẫu thuật nội soi tiết niệu; BV Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao như cắt dạ dày nội soi, cắt đại trực tràng nội soi, tán sỏi laze, phẫu thuật lấy sỏi niệu quản qua nội soi, cắt nội soi u xơ tiền liệt tuyến… Ngoài ra, CBLP còn mở 137 lớp tập huấn chuyên môn tại 26 đơn vị với hàng nghìn học viên tham gia. CBLP cũng trực tiếp khám, điều trị cho gần 20.000 lượt bệnh nhân; phẫu thuật gần 4.600 ca bệnh ngay tại cơ sở.

Với mô hình chuyển giao kỹ thuật theo hình thức ký kết hợp đồng ba bên gồm đại diện BV tuyến trên, BV tuyến dưới và CBLP tạo sự liên kết trách nhiệm chặt chẽ, BV Việt - Đức đã được Bộ Y tế đánh giá là một trong những đơn vị có mô hình hay, điển hình xuất sắc trong hai năm triển khai Đề án 1816. Tự hào về những thành công này, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt - Đức khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án 1816, dự án "BV vệ tinh" nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại khoa ngay tại tuyến y tế cơ sở để góp phần mạnh mẽ vào việc giảm tải cho BV Việt - Đức nói riêng, các BV tuyến trên nói chung.

Hiện nay, BV Việt - Đức có gần 1.000 giường bệnh, hơn 30 phòng mổ và 2.000 cán bộ y tế. Mỗi năm, BV khám và điều trị cho trên 200.000 bệnh nhân, phẫu thuật gần 40.000 trường hợp phức tạp. BV là nơi đầu tiên và duy nhất ở nước ta đã thực hiện thành công ghép nhiều cơ quan nội tạng cho nhiều bệnh nhân trong cùng một lúc (ghép tim, ghép gan, ghép thận cho 2 người trong một ngày); cũng là nơi duy nhất thực hiện hầu hết các phẫu thuật nội soi như nội soi ổ bụng, lồng ngực, tim mạch, tiết niệu, khớp...; thực hiện thành công các loại phẫu thuật thần kinh khó như vi phẫu thuật u não, dị dạng mạch não, nội soi u mềm sọ não…

                                                            Theo HaNoiMoi

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục