Sống giữa thời bình nhưng thương binh Trần Văn Tiệm chưa được hưởng một giây phút yên lòng vì nỗi đau da cam đang trút lên cả 3 thế hệ trong gia đình ông.

Sống giữa thời bình nhưng thương binh Trần Văn Tiệm chưa được hưởng một giây phút yên lòng vì nỗi đau da cam đang trút lên cả 3 thế hệ trong gia đình ông.

(HBĐT) - Ngôi nhà đó nằm bình yên giữa một khoảng sân rộng, khu vườn lúc nào cũng xào xạc tiếng lá reo. Nhưng trái ngược với sự yên bình của cảnh vật, sống trong ngôi nhà đó bao năm nay, trái tim người thương binh già luôn nặng trĩu bởi nỗi đau bất tận mang tên chất độc da cam/điôxin. Nỗi đau đã xuyên qua ba thế hệ gia đình ông, từ đời ông sang đời các con và đến cả thằng cháu trai mới hai tuổi cũng trở thành nạn nhân của nó!

 

Ông Trần Văn Tiệm là thành viên chi hội CCB thôn Đồng Thắng, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy). Là thương binh hạng 4 lại bị nhiễm chất độc da cam/điôxin trên 81%, sức khỏe của ông giờ đây giống như một thân cây đã mục. Gần 65 tuổi nhưng càng nhìn kỹ thấy ông già hơn tuổi - già hơn nhiều đến mức khiến người ta nhói lòng. Trông bề ngoài đã thấy ông khổ. Nhưng phải tiếp chuyện lâu mới thực sự thấy ông đang đau đến từng tế bào máu khi nhắc đến đứa con, đứa cháu tội nghiệp của mình. Đứa con gái áp út bị thiểu năng tuần hoàn não… Thằng em đầu óc bình thường hơn con chị nhưng chân bị teo, phải đi thậm thọt vạt tép… Đau đớn và hoang mang nhất là đứa cháu đích tôn vừa mới lên hai tuổi đã trở thành nạn nhân của thứ chất độc quái ác này…

           

Ông Tiệm đau đớn kể: Thằng cháu tôi nay đã ba tuổi rưỡi. Hồi lên hai, nó bắt đầu bị dị dạng phần ngực. Xương ngực thằng bé nhô cao 3 – 4 phân, rộng gần bằng vốc bàn tay của người lớn. Đi khám Bệnh viện 103, bác sỹ chỉ định phẫu thuật chỉnh hình nhưng phải đợi theo dõi thêm vài năm nữa…

           

Đôi mắt mờ đục của ông Tiệm cố chôn xuống tận đáy giọt mặn đắng chất chứa nỗi hoang mang tột cùng: “Nhìn nó mà tim tôi đau lắm… Không biết cơ thể thằng bé sẽ chịu ảnh hưởng đến mức độ nào. Sao lại có thứ chất độc oái oăm đến thế… Nó hành hạ ba thế hệ gia đình tôi…”

 

Nghĩ về người con gái thứ tư bị lây nhiễm chất độc da cam từ bố, ông càng không có nổi một giây phút yên lòng. Chị Uyên, con gái ông nay đã bước qua tuổi 30 nhưng trí tuệ thì không hơn của một em bé lớp 1. Cũng có một tuổi thơ êm đềm trong bàn tay chăm sóc, nâng niu của bố mẹ. Cũng học mẫu giáo như các bạn đồng lứa. Cũng cắp sách tới trường khi lên 6 tuổi. Nhưng đến năm thứ hai, Uyên phải dừng lại. Một phần vì nhận thức của Uyên không theo kịp được các bạn. Phần quan trọng hơn là điều kiện sức khỏe. Uyên bị thiểu năng tuần hoàn não. Trí tuệ của em không phát triển bình thường. Hơn nữa, cơ thể em còn thường xuyên chịu sự hành hạ của những cơn động kinh, co giật. Chúng đến bất thình lình, lúc em vui chơi, làm việc nhà, lúc em ăn cơm, xem vô tuyến hoặc thậm chí ngay cả lúc vừa ngủ dậy! Bệnh tật cứ bám chặt lấy em từ lúc cái tuổi chỉ cần đếm trên mấy đầu ngón tay đến lúc giơ cả hai bàn tay lên đếm đốt ngón tay mà vẫn chưa hết. Xót xa thay, ngay cả tuổi của mình Uyên cũng không đếm được! Người con gái ấy cứ sống hồn nhiên như cây cỏ, bước qua tuổi dậy thì, cơ thể lớn dần lên theo năm tháng nhưng vẫn không bước qua khỏi vòng tay bao bọc của bố mẹ. Hơn 30 tuổi, một ngày của Uyên chỉ quanh quẩn trong sân, vườn, xa nhất là vài lần đi cùng người thân ra thị trấn Chi Nê cách đó khoảng 2 km. Niềm an ủi duy nhất với bố mẹ Uyên là em còn tự chủ được sinh hoạt cá nhân và có thể nói chuyện, giao tiếp một cách đơn giản. Nhưng đằng đẵng bao nhiêu năm tháng đã qua và dằng dặc bao nhiêu tháng ngày trước mắt, nỗi đau màu da cam luôn đè nặng tâm can người làm cha, làm mẹ. Họ đau đáu một điều: Sau này họ không còn trên cõi đời này nữa, con gái họ sẽ sống ra sao khi đầu óc của nó mãi chỉ ngây ngô như một đứa bé lớp 1…

 

Ông Trần Văn Tiệm, sinh năm 1947, nhập ngũ tháng 7/1967, thuộc Sư đoàn 304. Trong thời gian từ 1969 - 1972, ông chiến đấu tại các chiến trường Thừa Thiên Huế, Khe Sanh (Quảng Trị), Đường 9 – Nam Lào… Năm 1973, bị thương nặng do mảnh pháo găm vào đầu, ông Tiệm phải ra Bắc điều trị, sau đó, vì điều kiện sức khỏe, ông phục viên về định cư tại thôn Đồng Thắng, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy).

 

Nhớ lại những năm tháng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, những CCB như ông Tiệm luôn cảm thấy tự hào và hạnh phúc. Hồi đó, chân rớm máu vẫn băng rừng, người sống chung với vắt… Dù gian khó nhưng chưa bao giờ ông thấy yếu lòng. Tưởng rằng tinh thần người lính trong ông đã được hun đúc đủ mạnh để giúp ông đối diện vững vàng với mọi nỗi đau đớn trong cuộc đời. Ấy vậy mà nay, nó không thể vực ông dậy mỗi khi nghĩ về con cháu…  

 

                                                                                      Thu Trang

 

 

Các tin khác


Ngăn chặn dịch sởi lây lan vì đã có 42 ca mắc và nghi mắc

Cả nước đã ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố.

Triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm 

Sáng 18/3, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) năm 2024. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành; lãnh đạo UBND, cán bộ phụ trách công tác y tế các huyện, thành phố.

Ra quân vận động người dân tham gia bảo hiển xã hội, bảo hiểm y tế

Ngày 16/3, hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2024, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ phát động ra quân chương trình "Tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế” (BHXH, BHYT). Chương trình được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tất cả các bưu điện tỉnh, thành phố, trung tâm toàn mạng lưới Bưu điện Việt Nam.

Huyện Tân Lạc quan tâm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em

Những năm qua, công tác tiêm chủng mở rộng ở huyện Tân Lạc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc triển khai và thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt; loại trừ được uốn ván sơ sinh; giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà; giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi; mở rộng diện bao phủ các vắc xin viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn ở địa phương.

Cách phân biệt trẻ ho gà với ho thông thường

Gần đây, tại Hà Nội xuất hiện nhiều trẻ bị ho gà, có trẻ mắc bệnh khi mới 5 tuần tuổi. Trẻ ho gà có biểu hiện như thế nào? Cách phát hiện sớm ho gà, phân biệt ho gà và ho thông thường ra sao?

Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục