Corticoid là một những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới trong nhiều năm qua. Hầu hết bộ phận trên cơ thể người đều có những bệnh lý cần được điều trị với nhóm thuốc này, có thể qua đường tiêm truyền, đường uống hoặc dùng tại chỗ (bôi, xịt, hít, tra mắt). Corticoid thường được coi là con dao hai lưỡi mà cả hai lưỡi đều hết sức sắc bén.

Ca bệnh điển hình

Trong thực tế, tình trạng lạm dụng corticoid vẫn đang diễn ra khá phổ biến và chưa được quản lý một cách chặt chẽ. Ðể tránh bị rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” do lạm dụng corticoid, mỗi người bệnh hãy là những “người bệnh thông thái”, hãy lựa chọn những cơ sở y tế có đủ độ tin cậy để gửi gắm tính mạng của mình, không nên dễ dàng nghe theo những lời mách bảo thiếu căn cứ.

Bị viêm khớp nhiều năm nay, bà H. nhà ở Gia Lâm, Hà Nội đã điều trị ở nhiều nơi nhưng bệnh chỉ đỡ được một thời gian trong lúc dùng thuốc, rồi lại tái phát nhanh trở lại khi hết thuốc. Nghe lời mách bảo của một số người, bà tìm đến phòng khám ở gần nhà. Tại đây, bà được điều trị bằng cách tiêm thuốc dexamethasone vào tĩnh mạch hằng ngày trong 5-7 ngày. Mỗi đợt tiêm như vậy bà đỡ đau được 1-2 tuần rồi lại đau trở lại và bà lại phải tiếp tục đi tiêm. Sau hơn nửa năm được tiêm như vậy, bà thấy mặt tròn ra do giữ nước, trên da xuất hiện nhiều đám bầm tím, đau dạ dày, ợ chua, trong xương đau nhức như “dòi bò”, cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, suy nhược, ngại vận động. Đi khám tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai bà được biết mình đã bị các tai biến do dùng quá liều thuốc dexamethasone. Bà H. cũng cho biết, có khá nhiều người sống trong khu vực gần nhà bà cũng đã đến khám tại phòng khám này với nhiều loại bệnh khác nhau và đều được điều trị bằng cách tiêm thuốc tương tự như với bà.

Nguyên nhân vì đâu?

Hiện nay, tình trạng lạm dụng các loại thuốc glucocorticoid (thường gọi tắt là corticoid) như triamcinolone (biệt dược K-cort, Kenacort…), dexamethasone, prednisolone, methylprednisolon (biệt dược solumedrol, medrol, medexa)… đang diễn ra khá phổ biến ở không ít các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, thuộc nhiều tỉnh thành trong cả nước. Rất nhiều người bệnh đang phải hàng ngày gánh chịu những hậu quả khôn lường do việc lạm dụng các thuốc này gây ra, trong đó có những biến chứng nặng có thể gây chết người hoặc tàn phế vĩnh viễn, trong khi căn bệnh chính thì vẫn ngày càng nặng lên. Phòng Khám tư vấn hen phế quản và các bệnh dị ứng- miễn dịch của Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên phải tiếp nhận những bệnh nhân đến khám với hàng loạt các biến chứng nguy hiểm do quá liều corticod như suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội, chậm phát triển thể chất ở trẻ em… Đáng nói là phần lớn những bệnh nhân này đều xuất hiện các biến chứng trên sau một thời gian dài được điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân, trong đó có cả cơ sở được cho là khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Nhiều trường hợp chỉ mắc các bệnh lí ngoài da thông thường, không nguy hiểm nhưng lại được điều trị với corticoid liều cao và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Thực tế hỏi bệnh và thăm khám những bệnh nhân này còn cho thấy, hầu hết những người bệnh được điều trị bằng cách tiêm các thuốc corticoid kéo dài đều không được kê đơn thuốc trước điều trị, không được cho biết tên thuốc và cũng không được giải thích về tác dụng chữa bệnh, các độc tính của thuốc và cách dự phòng. Chỉ đến khi xảy ra tai biến, một số người bệnh mới yêu cầu được biết loại thuốc corticoid mà mình đã sử dụng.

Tác dụng của corticoid

Nếu được dùng đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian, các thuốc corticoid có thể góp phần cứu sống người bệnh với rất nhiều loại bệnh lý nguy hiểm như cơn hen phế quản ác tính, sốc phản vệ, lupus ban đỏ hệ thống, thấp tim, suy tuyến thượng thận, xơ cứng rải rác… Tuy nhiên, nếu dùng liều cao, kéo dài, không có kế hoạch giảm liều thích hợp và không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra rất nhiều các tai biến nguy hiểm cho người bệnh như đã được đề cập ở phần trên. Ngoài ra, nếu corticoid được dùng liên tục quá 15 ngày và bị dừng đột ngột, có thể gây suy tuyến thượng thận cấp tính, một biến chứng hết sức nguy hiểm, với các biểu hiện như trụy tim mạch, rối loạn nước và điện giải… Không chỉ có nguy cơ gây ra các tai biến do độc tính của thuốc, việc lạm dụng corticoid không đúng chỉ định còn có thể khiến người bệnh bị lệ thuộc vào thuốc, bệnh thường bùng lên mạnh mẽ mỗi khi hết “hơi” thuốc.

Làm gì để tránh những tai biến do dùng corticoid?

Hiện nay, với sự tiến bộ mạnh mẽ của y học hiện đại, rất nhiều các bệnh mạn tính, nan y trước đây như hen phế quản, viêm đa khớp, vảy nến… đã có thể được điều trị và kiểm soát một cách hiệu quả và an toàn với nhiều loại thuốc mới ít độc tính. Việc sử dụng corticoid kéo dài hiện chỉ còn được giới hạn trong một số chỉ định. Để hạn chế nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm của việc điều trị này, cần có chế độ theo dõi điều trị chặt chẽ như định kỳ khám mắt, đo mật độ xương, đo nồng độ đường máu, canxi máu, nội soi dạ dày tá tràng… Ngoài ra, người bệnh cũng cần được giải thích trước về các tai biến có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc để có thể phát hiện sớm và có biện pháp ngăn ngừa các biến chứng nặng.

 

                                                                        Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Ngăn chặn dịch sởi lây lan vì đã có 42 ca mắc và nghi mắc

Cả nước đã ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố.

Triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm 

Sáng 18/3, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) năm 2024. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành; lãnh đạo UBND, cán bộ phụ trách công tác y tế các huyện, thành phố.

Ra quân vận động người dân tham gia bảo hiển xã hội, bảo hiểm y tế

Ngày 16/3, hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2024, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ phát động ra quân chương trình "Tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế” (BHXH, BHYT). Chương trình được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tất cả các bưu điện tỉnh, thành phố, trung tâm toàn mạng lưới Bưu điện Việt Nam.

Huyện Tân Lạc quan tâm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em

Những năm qua, công tác tiêm chủng mở rộng ở huyện Tân Lạc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc triển khai và thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt; loại trừ được uốn ván sơ sinh; giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà; giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi; mở rộng diện bao phủ các vắc xin viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn ở địa phương.

Cách phân biệt trẻ ho gà với ho thông thường

Gần đây, tại Hà Nội xuất hiện nhiều trẻ bị ho gà, có trẻ mắc bệnh khi mới 5 tuần tuổi. Trẻ ho gà có biểu hiện như thế nào? Cách phát hiện sớm ho gà, phân biệt ho gà và ho thông thường ra sao?

Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục