Cán bộ Trung tâm YTDP tỉnh bàn giao thuốc vitamin B Complex, vitamin 3B, canxi cho cán bộ y tế huyện Lạc Sơn.
(HBĐT) - Theo khảo sát của Trung tâm YTDP tỉnh, trước năm 2000, hội chứng viêm nhiều dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1 (địa phương gọi là bệnh tê tê say say) ghi nhận chủ yếu tại huyện Kim Bôi với số ca mắc cao. Tổng số khoảng 500 trường hợp, 66 người tử vong (xã Sào Báy 6 người, Long Sơn 58 người, Hợp Châu 2 người). Bệnh xảy ra ở tất cả các lứa tuổi nhưng bệnh nặng và tử vong chủ yếu ở lứa tuổi nhỏ. Ngoài ra, Trung tâm còn ghi nhận các ca mắc tản phát tại huyện Yên Thủy. Từ năm 2000 đến hết tháng 6/2012 đã ghi nhận bệnh tại các huyện: Kim Bôi, Lạc Sơn, Lương Sơn. Trong đó, riêng huyện Lạc Sơn ghi nhận 584 ca, 6 ca tử vong; huyện Kim Bôi ghi nhận 600 ca. Gần đây nhất, vào tháng 6/2012, tại xóm Đổn, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) cũng đã ghi nhận 14 ca bệnh có triệu chứng giống bệnh tê tê say say.
Người mắc bệnh có thể gặp các dấu hiệu sau: rối loạn cảm giác (tê bì kiến bò; nóng ran hoặc rát bỏng ngoài da; giảm toàn bộ mọi cảm giác; hai chân như đi bít tất, nặng có thể rối loạn cảm giác toàn cơ thể), rối loạn vận động (cảm giác yếu mỏi, nặng nề, đi đứng loạng choạng; nặng thì bại vận động hoặc liệt vận động 2 chân), rối loạn dinh dưỡng (teo các cơ cẳng chân, da khô hoặc phù nề, móng chân dễ gãy, đau các khớp, có khi loét gan bàn chân), rối loạn thần kinh thực vật (nhịp tim nhanh, khó thở, rối loạn tiêu hóa), đối với trẻ còn bú (thiếu máu, suy dinh dưỡng, phù; giảm hoặc yếu, liệt vận động; kém nhanh nhẹn; khóc khàn hoặc mất tiếng; lác mắt hoặc sụp mi; có thể khó thở, co giật hoặc động kinh)…
Ông Vũ Quốc Hải, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh (Trung tâm YTDP tỉnh) cho biết: Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân của bệnh. Cách phòng bệnh tốt nhất là ăn uống đảm bảo đầy đủ chất, đặc biệt là vitamin B1 (kết quả xét nghiệm xác định thiếu hụt vitamin nhóm B và canxi trong máu bệnh nhân). Vì vậy, bệnh nhân và người dân trong vùng cần ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm, đủ các chất dinh dưỡng (theo tháp dinh dưỡng cân đối). Lựa chọn các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin B1 sẵn có như: đậu, đỗ, vừng, lạc, thịt lợn, thịt bò, trứng, các phủ tạng động vật, nấm, rau xanh. Không nên ăn gạo quá trắng, bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc, hạn chế ăn các sản phẩm chế biến từ gạo như bún, bánh đa. Đảm bảo quy trình chế biến kỹ thuật: Không vo gạo kỹ, cho gạo vào nồi khi nước sôi, khi nấu sôi không gạn bỏ nước, đậy vung kín trong quá trình nấu. Không nên uống rượu, ăn quá nhiều đồ ngọt như đường, bánh, kẹo, mứt… Đối với người đã từng bị bệnh, người có nguy cơ cao (phụ nữ có thai, đang cho con bú…) hoặc đang sống trong vùng có nhiều người mắc bệnh hàng ngày nên uống vitamin B1 dự phòng từ 10 – 30 mg. Nếu phát hiện các dấu hiệu như đã miêu tả ở trên, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám toàn diện xác định và điều trị bệnh kịp thời.
Nhằm hỗ trợ dự phòng bệnh tê tê say say, Dự án hỗ trợ phát triển hệ thống YTDP trung ương đã hỗ trợ thực hiện tại 4 xã của huyện Lạc Sơn, gồm: Bình Chân, Bình Cảng, Bình Hẻm, Yên Nghiệp. Dự án đã tổ chức tập huấn cho 120 y tế thôn bản của các xã kiến thức về bệnh tê tê say say; cách phòng, chống, điều trị bệnh và phân biệt với một số bệnh khác như bại liệt, hội chứng Guillan-Barre, tự kỷ ám thị. Các cán bộ y tế cơ sở cũng đã được tập huấn cách tuyên truyền cho người bệnh và cộng đồng bằng phương pháp trực tiếp, phát tờ rơi; dẫn dắt để người được truyền thông có thể hiểu được logic tại sao dinh dưỡng cân đối là biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống bệnh, tại sao phải hạn chế một số thực phẩm, rượu, bia… Dự án cũng đã thực hiện điều tra, đánh giá thông tin cơ bản về bệnh; cung cấp 55.000 tờ rơi, 235 đĩa VCD; hỗ trợ kinh phí cho hoạt động truyền thông và cung cấp hỗ trợ thuốc điều trị. Trong tháng 9/2012, Trung tâm YTDP tỉnh đã thực hiện giám sát, cấp miễn phí 4.000 ống vitamin B Complex, 40.000 viên vitamin 3B, 20.000 viên canxi, tổng trị giá 26 triệu đồng cho người dân 4 xã.
“Trong khi chưa xác định được căn nguyên gây bệnh thì đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng hợp lý và phát hiện sớm để điều trị là hai vấn đề quan trọng nhất trong phòng, chống bệnh tê tê say say.” – Ông Vũ Quốc Hải khuyến cáo. Tuy nhiên, trước diễn biến của bệnh, người dân cũng như ngành Y tế tỉnh mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các chuyên gia để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Theo báo cáo của Trung tâm YTDP tỉnh, tính đến ngày 12/11, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.775 ca bệnh tay-chân-miệng tại 169 xã, phường, thị trấn thuộc tất cả 11/11 huyện, thành phố. Trong đó, huyện Lương Sơn ghi nhận 78 ca; Kim Bôi 158 ca; Lạc Thủy 71 ca; Tân Lạc 131 ca; Lạc Sơn 81 ca; Yên Thủy 123 ca; Kỳ Sơn 183 ca; Cao Phong 170 ca; Mai Châu 238 ca; Đà Bắc 245 ca; TPHB 188 ca. Riêng trong ngày 12/11 phát hiện thêm 2 trường hợp mắc mới tại huyện Lương Sơn và Kim Bôi. Huyện Kỳ Sơn, Cao phong, TPHB có số ca mắc tại 100% xã, phường, thị trấn.
(HBĐT) - Sau khi Báo Hòa Bình đăng tải bài viết “sẽ thanh tra trường hợp bệnh viên Đa khoa huyện Đà Bắc thu tiền phẫu thuật mắt miễn phí của bệnh nhân nghèo” ra ngày 22/10/2012.
(HBĐT) - Y tế là ngành có số CB, NV đông (gần 2.000 CB, NV tại 49 đơn vị trực thuộc), trực tiếp chăm lo sức khỏe, tính mạng của người dân nên việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được lãnh đạo ngành chỉ đạo sát sao. Đặc biệt là gắn với thực hiện NQ T.Ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
(HBĐT) - Ngày 9 - 11/11, Hội CTĐ tỉnh phối hợp với Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội, Bệnh Viện Đa khoa huyện Lạc Sơn, Hội CTĐ huyện Lạc Sơn và Hội Thiện nguyện Việt kiều Mỹ (HOPE TODAY) tổ chức chương trình khám, tư vấn, phẫu thuật thay thủy tinh thể mắt nhân đạo cho người nghèo, diện chính sách, NCT trên địa bàn huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
(HBĐT) - Theo số liệu điều tra năm 2011, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ dưới 5 tuổi của phường Hữu Nghị (TPHB) ở mức khá cao, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi 13,7% và trẻ SDD thể nhẹ cân 12,3%. Trước thực trạng đó, năm 2012, ngành y tế thành phố và trạm y tế (TYT) phường Hữu Nghị đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tỷ lệ trẻ em SDD.
(HBĐT) - Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm tự nguyện (BHTN).