Phải sử dụng máy trợ hô hấp đối với các ca mắc cúm (ảnh tại khoa nhi – Bệnh viện Đa khoa Đà Bắc).
(HBĐT) - Gần một tuần nay, đợt không khí lạnh đột ngột tràn về, nhiệt độ xuống thấp, nhiều người do lơ là trong phòng - chống hoặc sức đề kháng yếu đã không tránh khỏi mắc bệnh cúm mùa. Với mức độ dễ lây lan, các ca bệnh đang gia tăng mạnh ở các cơ quan, đơn vị, trường học và tại cộng đồng.
Chị Đới Minh Anh ở tổ 12, phường Tân Thịnh (thành phố Hòa Bình) cho biết: Ngày đầu, chỉ có mình chị bị cúm, xuất hiện một vài triệu chứng nhẹ như sụt sịt, khó thở. Đến hôm sau, không rõ nguyên nhân lây từ chị hay do thời tiết thay đổi mà bọn trẻ trong gia đình đều mắc cúm. Cúm mùa rất khó chịu, thường gây cảm giác mệt mỏi, dễ cáu giận. Người lớn đã vậy, với trẻ con lại càng khó chịu hơn, nhất là vào ban đêm, các bé hay quấy khóc, ngủ không ngon giấc vì ho, nghẹt mũi.
Trạm y tế các thị trấn, xã, phường, bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố đang trong đợt cao điểm thu dung số lượng bệnh nhân mắc các bệnh thường gặp vào mùa đông – xuân như viêm khớp, viêm phổi, viêm đường hô hấp, huyết áp thấp… Nhưng bệnh dễ gặp, dễ mắc và cũng khó kiểm soát, thống kê nhất vẫn là cúm mùa. Theo bà Bùi Thị Tứ, Trưởng trạm y tế xã Kim Truy (Kim Bôi): Mỗi ngày có hàng chục trường hợp ca bệnh đến trạm để được tư vấn và kê đơn thuốc và hướng dẫn điều trị. Hầu hết đều có các biểu hiện triệu chứng rõ rệt đã mắc cúm mùa: sốt nhẹ, đau đầu, sổ mũi, đau họng và ho, một vài trường hợp kèm theo triệu chứng rối loạn tiêu hóa (nôn, buồn nôn, tiêu chảy).
Có một thực tế là do tâm lý còn chủ quan, nhiều ca mắc cúm trong cộng đồng đã không kịp thời đến cơ sở y tế để khám, điều trị đúng bệnh, đủ liều. Phần nhiều trường hợp khi phát hiện triệu chứng đến nhà thuốc, hiệu thuốc tư nhân kể bệnh và mua thuốc về tự điều trị cho bản thân và con em. Hậu quả là điều trị không khỏi, không dứt điểm, thậm chí làm tăng nguy cơ biến chứng. Chỉ khi bệnh nặng mới đưa đến bệnh viện khiến việc điều trị thêm khó khăn. Số liệu từ hệ thống YTDP tỉnh từ đầu mùa đông – xuân đến nay, toàn tỉnh có gần 300 ca mắc cúm mùa. Tuy nhiên, con số này nhỏ hơn nhiều lần so với ca mắc tại cộng đồng chưa được cập nhật.
Theo cơ quan chuyên môn, bệnh cúm mùa là bệnh nhiễm vi rút cấp tính đường hô hấp. Thông thường bệnh có diễn biến nhẹ và hồi phục trong khoảng từ 2 – 7 ngày. Với khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, bệnh dễ lan rộng qua đường hô hấp, các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng qua hắt hơi, ho. Tỷ lệ lây lan nhanh chóng khi tiếp xúc với người mắc cúm tại những nơi tập trung đông người. Thời tiết lạnh giá và ẩm thấp càng làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.
Bác sĩ Mai Đức Sỡi – Phó Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh khuyến cáo: Bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, gây những cơn kịch phát của bệnh lý mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu nếu không điều trị kịp thời, đúng cách, nhất là với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, cúm có thể gây tai biến với thai nhi (thai lưu, dị tật về hô hấp, tim mạch…). Điều trị bệnh cúm mùa chủ yếu theo phương pháp điều trị triệu chứng kết hợp nâng cao thể trạng, sức đề kháng bằng tăng cường dinh dưỡng, dầu cá, vitamin C, B. Lưu ý bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc mà nên đi khám, đưa trẻ đến thăm khám cụ thể, dùng thuốc trị bệnh theo chỉ định của thầy thuốc. Hiện nay đã có vắc xin cúm hỗ trợ phòng bệnh chủ động. Người dân có thể đến trung tâm YTDP tỉnh, thành phố Hòa Bình và một số trung tâm YTDP các huyện để được tư vấn và tiêm thuốc phòng ngừa.
Bùi Minh
(HBĐT) - Thụ hưởng Chương trình Quốc gia khống chế bệnh LMLM dành cho địa phương vùng đệm, huyện Lạc Sơn vừa triển khai tiêm vắc xin LMLM cho đàn trâu, bò với tổng số 24.400 liều vắc xin.
(HBĐT) - Hưởng ứng đợt phát đợt thi đua đặc biệt với nội dung “Hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo năm 2012”, Hội LHPN huyện Cao Phong đã vận động cán bộ, hội viên quyên góp được 49 triệu đồng. Với nguồn quỹ này Hội phụ nữ huyện đã hỗ trợ xây dựng “ Mái ấm tình thương” cho 2 phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá 35 triệu đồng. Hỗ trợ 5 triệu đồng cho 5 học sinh nữ, nghèo, có thành tích cao trong học tập. 2 triệu đồng được dành hỗ trợ cho bé gái 13 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo. Đồng thời, hỗ trợ 1 đôi lợn giống trị giá 1 triệu đồng cho 1 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
(HBĐT) - Năm 2011, tỉnh ta có 7 ca sốt xuất huyết và từ tháng 8/2012 đến nay đã ghi nhận 4 ca bệnh tại xã Tân Vinh (Lương Sơn). Điều này đồng nghĩa với nguy cơ bùng phát dịch khi có mầm bệnh lớn. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động phòng - chống dịch bệnh sốt xuất huyết với mục tiêu: giảm tỷ lệ mắc bệnh, không để xảy ra trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, khống chế không để xảy ra dịch lớn, đặc biệt chú trọng xã hội hóa công tác phòng - chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Chị Quách Thị Xuân, Trạm trưởng trạm y tế (TYT) xã Trung Bì (Kim Bôi) cho biết: thời gian qua, TYT xã đã tăng cường tuyên truyền cho các bà mẹ có con nhỏ khi đến khám, chữa bệnh tại trạm. Đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt của nhân viên y tế thôn, bản trong truyền thông, tư vấn cho từng hộ dân về tầm quan trọng của việc tiêm chủng, nhất là chương trình tiêm chủng mở rộng. Để chuẩn bị cho tiêm chủng mở rộng (TCMR) định kỳ vào ngày mùng 4 hàng tháng và những lần tiêm bổ sung, 3 nhân viên y tế thôn, bản ở 3 xóm trong xã thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xã, các xóm để người dân được biết.
(HBĐT) - Ngày 26/12, Hội Bảo trợ NTT & TMC tỉnh đã phối hợp với phòng LĐ – TB & XH huyện Cao Phong tổ chức lễ trao xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn với sự chứng kiến của đại diện Trung ương Hội.
(HBĐT) - Vừa qua, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Kỳ Sơn phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức lấy máu xét nghiệm bệnh tan máu bẩm sinh(TMBS) tại trường THPT Kỳ Sơn. Kết quả, toàn trường đã lấy được 525 mẫu máu của học sinh và giáo viên trẻ chưa lập gia đình.