Buồng máu-thận-nội tiết, khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa tỉnh) chật kín bệnh nhi mắc bệnh thalassemia chờ được truyền máu.

Buồng máu-thận-nội tiết, khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa tỉnh) chật kín bệnh nhi mắc bệnh thalassemia chờ được truyền máu.

(HBĐT) - Những ngày cận Tết, buồng máu-thận-nội tiết thuộc khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa tỉnh) chật kín bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia). Hàng chục bệnh nhi với khuôn mặt tái xanh, nhợt nhạt, mệt mỏi chờ được truyền máu. Tuy nhiên, theo bác sĩ trưởng khoa Đinh Thị Diệu, thời điểm này Bệnh viện đang thiếu máu trầm trọng. Do đó, nhiều cháu chỉ được truyền máu cầm chừng.

 

Cháu Hà Đức Duy ở xóm Mè, xã Tu Lý (Đà Bắc) phát hiện bị bệnh thalassemia từ lúc 5 tuổi. Năm nay, cháu học lớp 4, cứ đều đặn khoảng 3 tháng một lần cháu lại phải đến bệnh viện để truyền máu. Bố cháu Duy cho biết đã không ít lần đến bệnh viện rồi không có máu lại phải quay về, đợi sang tuần sau. Sáng ngày 21/1 cháu vào viện, đến buổi chiều được truyền máu nhưng lượng truyền ít hơn. Sau 3 giờ truyền máu nhóm A, khuôn mặt cháu vẫn xanh. Còn cháu Bùi Ngọc Thuỷ, 4 tuổi ở xã Hợp Đồng (Kim Bôi) mắc bệnh thalassemia ở thể nặng phải truyền máu 1 lần/tháng. Có đợt cháu đến Bệnh viện đa khoa tỉnh, xuống tận Viện nhi T.Ư cũng không có máu để truyền. Hiện nay, cháu cũng đang trong tình trạng mệt mỏi, môi nhợt nhạt, đêm 3 – 4 lần thức giấc, quấy khóc. Cháu đã truyền máu cách thời điểm hiện tại 40 ngày, bây giờ đang ngóng đợi đến lượt được truyền. Cháu Bùi Thị Nguyên ở  xã Đú Sáng (Kim Bôi) thì đã được 18 tháng mà chỉ nặng chưa đầy 7 kg. Cháu Dương Yến Quỳnh ở xã Trường Sơn (Lương Sơn), 4 tuổi, mang đặc điểm đặc trưng của người mắc bệnh thalassemia (bụng to, mũi tẹt, da xanh tái). Cháu Quách Thị Thảo ở xóm Sống Trên, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) cũng đang phải nằm dựa vào lòng mẹ chờ được truyền máu… Còn nhiều hoàn cảnh đáng thương khác đang phải vật vã với sự mệt mỏi vì thiếu máu.

 

Bác sĩ Đinh Thị Diệu cho biết: Năm 2012, khoa có 146 bệnh nhi thalassemia định kỳ thường xuyên phải đến truyền máu. Trung bình 1 bệnh nhi phải truyền 2 – 3 đơn vị máu/lần, 4 – 5 lần/năm, bệnh nặng phải truyền 1 lần/tháng. Mỗi ngày khoa cần khoảng 30 đơn vị máu. Ước tính lượng máu cần truyền riêng cho các bệnh nhi thalassemia chiếm khoảng 50% tổng lượng máu truyền. Nhu cầu truyền máu cao trong khi đó “kho máu” của bệnh viện đang cạn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các bậc phụ huynh đều đưa con đến truyền máu trước Tết để có sức khoẻ trong dịp Tết. Nhưng thời điểm ngày 22/1, kho máu của bệnh viện đã hết  nhóm máu B, các nhóm máu còn lại cũng không nhiều. Vì vậy, các cháu mắc bệnh thalassemia thời điểm hiện tại chỉ được truyền máu cầm chừng hoặc phải xuống Viện nhi T.Ư mới mong có cơ hội được truyền.

 

Bác sĩ Lê Thị Hương, Trưởng khoa Huyết học và truyền máu cho biết: Thường vào dịp hè và Tết là thời điểm xảy ra thiếu máu trầm trọng. Nguyên nhân là do lực lượng hiến máu giảm trong khi đó nhu cầu lại tăng, chưa kể Tết cũng là thời điểm hay xảy ra TNGT, cần nhiều máu để cấp cứu. Tại thời điểm ngày 23/1, kho máu của bệnh viện chỉ còn 14 đơn vị máu nhóm AB, 50 đơn vị máu nhóm A, 40 đơn vị máu nhóm O và 8 đơn vị máu nhóm B. Đối với nhóm máu B, bình thường phải dự trù khoảng 30 đơn vị máu, ít nhất thì cũng phải 10 đơn vị đề phòng các trường hợp cấp cứu, song hiện tại cũng chỉ còn 8 đơn vị. Vì vậy, các bệnh nhân mãn tính phải truyền máu thường xuyên sẽ không có máu để truyền, dành ưu tiên cho những ca cấp cứu. Một cái khó nữa là máu toàn phần chỉ bảo quản được 30 – 35 ngày, máu đã chiết tách bảo quản được 42 – 45 ngày, quá số ngày đó phải xuất huỷ. Trong khi đó, có một số thời điểm phát động hiến máu rầm rộ nên lượng máu khá dồi dào; còn thời điểm hè, Tết thì lại thiếu trầm trọng, gây ra sự mất cân đối. Kho máu của bệnh viện hiện được lấy từ 3 nguồn: Hiến máu nhân đạo, mua Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, mua của những người hiến máu chuyên nghiệp. Năm 2012, Bệnh viện nhận được 3.000 đơn vị máu nhưng lại truyền hết 5.000 đơn vị. Giải pháp tình thế là phải huy động người nhà bệnh nhân hiến máu. Các khoa phải nhận máu để truyền nhiều là: nhi, hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu, gây mê, sản. Trong đó, riêng Khoa nhi chiếm khoảng 30% tổng lượng máu truyền.

 

Nói rồi chị Hương dẫn chúng tôi đi xem những ngăn tủ ướp lạnh máu đã trống trơn hoặc còn lại ít ỏi. “Rất mong những người khoẻ mạnh hãy chia sẻ những giọt máu để cứu sống những người bệnh đang khắc khoải mong chờ tại bệnh viện. Một giọt máu đào có ý nghĩa biết bao, nó đem lại sự sống cho người khác. Hãy thu xếp thời gian để hiến máu và vận động người khác cùng hiến máu, nhất là vào những dịp đặc biệt như nghỉ hè, Tết. Máu có nhiều thành phần, mỗi thành phần chỉ có đời sống nhất định và luôn được đổi mới hàng ngày. Lượng máu trong cơ thể mỗi con người khoảng 70ml/kg cân nặng. Qua nghiên cứu và thực tế đã chứng minh, nếu hiến dưới 1/10 máu trong cơ thể theo đúng hướng dẫn thì hoàn toàn không có hại cho sức khỏe. Lượng máu hiến mất đi được phục hồi nhanh sau 3 – 5 ngày. Máu được tái tạo lại là máu mới do cơ thể sinh ra, các thành phần trong máu được trẻ hóa, có sức đề kháng chống bệnh tật.” – bác sĩ Hương chia sẻ.

                                                                               

 

                                                                    Cẩm Lệ

 

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục