Bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa khu vực Mai Châu đảm bảo chế độ trực 24/24 giờ để CSSK cho nhân dân trong dịp lễ, Tết.

Bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa khu vực Mai Châu đảm bảo chế độ trực 24/24 giờ để CSSK cho nhân dân trong dịp lễ, Tết.

(HBĐT) - Chiều tất niên, cả ca trực gọi nhau vào phòng khách của bệnh viện để gặp mặt. Bất ngờ, có tiếng xe máy vội vã phanh gấp ngay khu cấp cứu rồi những tiếng rên rỉ, khóc lóc... Một, hai rồi ba người bị TNGT vào cấp cứu. Cuộc phẫu thuật kéo dài qua đêm giao thừa năm nào còn khắc mãi trong trí nhớ của bác sĩ Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Mai Châu.

 

“Đó là chiều 30 Tết năm 2009, tôi cùng 8 bác sĩ, điều dưỡng nữa trực tại bệnh viện. Chưa kịp bóc bánh, kẹo ra để gặp mặt, ai nấy mỗi người một việc đều nhanh chóng lao vào cấp cứu bệnh nhân. Người cầm dao, người kéo, kim... Riêng từ buổi chiều đến buổi tối đó có đến 7 bệnh nhân bị TNGT do uống rượu say lại không đội mũ bảo hiểm nên tình trạng xấu, phải thở máy, cần phải mổ ngay. Vậy là hết ca này đến ca khác, bắt đầu mổ từ 20 giờ tối 30 Tết đến 3 giờ sáng ngày 1 mới hoàn thành. Không biết giao thừa đến và qua lúc nào nữa. Thế mới thấy, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm quan trọng và hiệu quả đến mức nào! Bởi những năm sau đó, quy định đội mũ bảo hiểm đi vào cuộc sống, bệnh nhân bị chấn thương sọ não do TNGT giảm hẳn. Tết vì vậy cũng yên bình và vui vẻ hơn đối với mỗi gia đình” - Bác sĩ Cường tâm sự.

 

Nhà cách Bệnh viện chỉ vài trăm mét nhưng 27 năm công tác, Tết năm nào bác sĩ Cường cũng có mặt ở Bệnh viện. Cùng với việc trực tiếp tham gia trực và phẫu thuật, bác sĩ còn chỉ đạo các khoa, phòng lập kế hoạch phân trực một cách cụ thể, sao cho 24/24h đều có bác sĩ, điều dưỡng sẵn sàng cứu chữa bệnh nhân. Mỗi ca trực có từ 8 - 12 người. Ngoài ra, Bệnh viện duy trì cán bộ trực ngoại viện gồm 6 người. Họ là những bác sĩ, điều dưỡng được ở nhà đón Tết nhưng không được đi xa khỏi thị trấn. Nếu huy động ít nhất 10 phút sau phải có mặt. Chẳng thế mà có người vừa cầm bát cơm lên chưa kịp ăn lại vội vã đến Bệnh viện để hỗ trợ đồng nghiệp hay chớp nhoáng đến chúc nhà anh em, bạn bè. Có năm, Bệnh viện có đến 50 bệnh nhân phải ở lại đón Tết. Những bệnh nhân nhẹ đã xin về nhà điều trị, ăn Tết cùng gia đình, còn lại là những bệnh nhân nặng. Bệnh nhân  họa hoằn trong đời mới phải đón Tết ở bệnh viện chứ bác sĩ, điều dưỡng đã là chuyện bình thường. Bác sĩ, điều dưỡng thiếu, bệnh nhân lại đông nên cán bộ ở Bệnh viện khu vực trực căng thẳng hơn ở cả các tuyến trên. Nhiều năm lãnh đạo huyện đến chúc các bác sĩ, điều dưỡng trực Tết nhưng không gặp được bởi họ đang dồn tâm sức cho những ca mổ khó hay đón những đứa trẻ chào đời... Những năm qua, Bệnh viện Đa khoa khu vực Mai Châu đã tạo được niềm tin với bệnh nhân và người nhà.

 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với tổ chức từ thiện Sa La tổ chức chương trình “Đem âm nhạc đến bệnh viện” và quyên góp ủng hộ những bệnh nhân nghèo phải điều trị tại Bệnh viện trong dịp Tết.

 

Những tấm lòng của người “chiến sĩ ” áo trắng được thể hiện bằng sự hết lòng vì người bệnh, cho dù họ là những đối tượng nghiện ma túy hay HIV. Bác sĩ Cường chia sẻ: Tết năm 2011, có bệnh nhân nhiễm HIV và có bệnh lý bội nhiễm vào viện điều trị. Bữa ăn Tết của họ chỉ là một gói mỳ tôm. Thấy vậy, cán bộ bệnh viện đã tặng cho họ bánh chưng, bánh kẹo để có được cái Tết như mọi người. Đồng thời, động viên họ tích cực phối hợp điều trị để cải thiện tình trạng sức khỏe và tiếp tục sống sao cho có ích. Bệnh viện duy trì thường xuyên Quỹ ủng hộ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn phải điều trị trong dịp Tết. Những cái bánh chưng, gói mứt, phong bao lì xì từ tay những bác sĩ, điều dưỡng chứa chan tình người. Phần nào để họ không còn cảm thấy bị tủi thân, bỏ rơi vào thời khắc thiêng liêng nhất trong cả năm. Những nụ cười dù gượng vì đau của bệnh nhân chính là động lực để tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện vượt lên những khó khăn do thiếu nhân lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong dịp Tết.

 

Đối với những cán bộ y tế cơ sở tại các trạm y tế, công việc ngày Tết cũng thật bận rộn. Nếu các đơn vị khác trực cũng chỉ là có mặt tại cơ quan nhưng những người mặc áo blu trắng thường bận rộn hơn bởi ngày Tết không ai muốn đến trạm y tế hay bệnh viện, song thời điểm này lại hay xảy ra tai nạn thương tích. Một trạm may lắm chỉ có 1 bác sĩ, còn lại là y sĩ, y tá nên việc trực Tết của bác sĩ khá căng thẳng. “Kinh khủng nhất là trực Tết vào những năm còn cho phép nổ pháo. Mỗi lần trực Tết là chứng kiến những ca vô cùng thương tâm do pháo rồi những trường hợp uống rượu xong gây sự đánh nhau, các ca TNGT do say rượu... Chúng tôi phải huy động cả những cán bộ không phải ca trực cùng đến hỗ trợ sơ cấp cứu rồi chuyển họ lên tuyến trên. Tôi cứ nhớ mãi một chuyện. Năm đó, đúng vào thời khắc giao thừa có 2 bệnh nhi bị bệnh tê tê say say. Đây là 2 ca bệnh quá nặng không thể qua khỏi. Câu chuyện đó khiến cả Tết năm ấy tôi không thể cảm thấy vui vẻ. Đúng là niềm vui, nỗi buồn trực Tết gắn liền với hoàn cảnh từng bệnh nhân. Rất may, việc đó chỉ xảy ra duy nhất đúng năm đó. Những năm sau, được sự quan tâm, hỗ trợ của các chương trình và truyền thông của cán bộ y tế, người dân trong xã đã biết cách tự sơ cứu căn bệnh này” -  Trưởng trạm y tế xã Long Sơn (Lương Sơn) Bùi Thị Quyên chia sẻ.

 

Xã Long Sơn có 4 thôn, nơi cách xa trạm y tế nhất cũng ngót 5 km đường núi. Trong những ngày Tết, khi có thông tin bệnh, cán bộ trạm sẵn sàng đến tận hộ để cấp cứu cho người dân. Mấy năm gần đây, căn bệnh này đã tạm ổn định. Đó cũng là niềm vui của cán bộ y tế cơ sở - cánh tay nối dài của ngành y tế. Cán bộ của trạm dịp Tết còn phải thực hiện nhiệm vụ giám sát các ca ngộ độc thực phẩm, tai nạn... Đồng thời cũng là những tuyên truyền viên tích cực trong việc truyền thông các biện pháp bảo vệ sức khỏe trong dịp Tết. Ví như, mọi người dân cần thực hiện đội mũ bảo hiểm đúng cách; không điều khiển phương tiện khi đã uống nhiều rượu, bia. Những người bị tai biến mạch máu não, huyết áp cao, tim mạch cần theo dõi, uống thuốc theo đúng chỉ dẫn, không nên vui Tết mà bỏ qua việc uống thuốc hay uống không đúng liều lượng.

 

Không chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa khu vực Mai Châu, Trạm y tế xã Long Sơn mà các đơn vị y tế trong toàn tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho trực Tết. Năm mới, ai cũng mong muốn, cầu chúc những niềm vui. Đối với những chiến sĩ mặc áo blu trắng, vui nhất là cứu chữa được những ca bệnh, đem lại sức khỏe cho người khác. Khi đó, niềm vui sẽ được nhân đôi. Với tâm lý sẵn sàng, tất cả vì sự hài lòng của người bệnh, Sở Y tế đã phát động phong trào xây dựng bệnh viện xuất sắc toàn diện; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chuẩn bị cho dịp Tết Quý Tỵ 2013, Sở đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc phân công lịch trực; chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, thuốc để cấp cứu người bệnh, ứng phó hiệu quả với các trường hợp khẩn cấp. Ngành chỉ đạo các đơn vị bảo đảm trực cấp cứu và khám, chữa bệnh cho người dân 24/24h. Lịch trực cấp cứu sẽ được bảo đảm 100%, luân phiên theo ca. Vì thế, trong những ngày Tết, người dân có nhu cầu khám - chữa bệnh hay có những dấu hiệu bất thường có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào trên địa bàn. Nơi đó luôn có các bác sĩ, điều dưỡng sẵn sàng khám, chữa bệnh, cấp cứu cho người dân.

 

                                                                           Cẩm Lệ

 

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục