Cơ sở sản xuất giò, chả Tư Hậu, phường Phương Lâm (TPHB) tạo được uy tín với người tiêu dùng.
(HBĐT) - Giò, chả, đậu phụ là những thực phẩm truyền thống, quen thuộc, được người dân ưa dùng trong các bữa ăn. Loại thực phẩm này được bày bán nhiều tại các chợ, điểm bán hàng từ các xóm, xã đến TPHB. Tuy nhiên, thông tin về không ít cơ sở sản xuất giò, chả, đậu phụ trên địa bàn tỉnh sử dụng chất cấm, không đạt tiêu chuẩn được công bố gây lo lắng cho người tiêu dùng.
Thời gian qua, Chi cục Quản lý Nông - lâm sản và thủy sản (Sở NN& PTNT) đã phối hợp với các huyện, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá, phân loại điều kiện đảm bảo ATTP cho các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong 8 tháng năm nay, đoàn đã kiểm tra được 68 cơ sở. Trong đó có 45 cơ sở sản xuất giò, chả tại 11 huyện, thành phố, 5 cơ sở sản xuất đậu phụ tại 3 huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Đà Bắc. Kết quả về cơ sở sản xuất giò, chả có 11 cơ sở loại C, 34 cơ sở loại B, không có cơ sở đạt loại A. Về sản xuất đậu phụ, có 4/5 cơ sở loại C, 1 cơ sở loại B. Loại A là cơ sở xuất sắc đảm bảo các điều kiện ATTP; loại B là cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng phải khắc phục một số lỗi; loại C là cơ sở không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nếu không khắc phục lỗi sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận ATTP. Số lượng các cơ sở kiểm tra được so với thực tế còn ít nhưng đã cho thấy, hàng ngày, một lượng giò, chả, đậu phụ không đạt tiêu chuẩn vẫn tới tay người tiêu dùng và lên bàn ăn.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Nông - lâm sản và thủy sản cho biết: Nhiều cơ sở sản xuất giò, chả, đậu phụ trên địa bàn tỉnh đã quan tâm nâng cấp trang thiết bị máy móc, khu vực sản xuất, lựa chọn nguồn nguyên liệu, tạo được uy tín nhất định. Cơ sở cơ bản đáp ứng các điều kiện quy định. Song, bên cạnh đó, qua kiểm tra vẫn còn hiện tượng một số cơ sở sử dụng phụ gia, chất cấm để chế biến. Phổ biến nhất là cho hàn the vào giò, chả và sử dụng mì chính, đường không rõ nguồn guốc, xuất xứ. Những chất cấm, phụ gia này thường được các cơ sở giấu kín, chỉ khi đoàn kiểm tra thử test cho kết quả và yêu cầu xuất trình, lúc đó chủ cơ sở mới lộ ra. Đây là những lỗi vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cùng với đó là tình trạng nguyên liệu sản xuất giò, chả, đậu phụ không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, không có hợp đồng cung cấp sản phẩm. Nguồn nước, dụng cụ sản xuất, vệ sinh cơ sở không đảm bảo theo tiêu chuẩn. Chưa thực hiện theo nguyên tắc một chiều; người sản xuất chưa được tập huấn, khám sức khỏe theo quy định. Điều này thực sự đáng lo ngại cho công tác quản lý về ATTP.
Trên thực tế, khâu sản xuất đã vậy nhưng khâu bán hàng cũng không nhiều điểm bán đảm bảo an toàn. Tại các chợ, dễ dàng bắt gặp giò, chả được bày bán không tủ che đậy ngay sát đường. Người bán dùng tay trần bốc, thái và đồng thời cầm luôn tiền, móng tay để dài. Đậu phụ được ngâm trong các thùng sơn công nghiệp độc hại. Theo Chi cục trưởng Chi cục ATTP (Sở Y tế) Bùi Quang Huấn, nếu sử dụng thực phẩm không an toàn, nguy cơ bị tiêu chảy, ngộ độc chỉ là cấp tính, có thể thấy trước mắt. Điều nguy hiểm là những hóa chất cấm vào cơ thể lâu dần sẽ nguy cơ gây ra các bệnh nan y như ung thư và ảnh hưởng đến sự phát triển của não, nhất là trẻ em.
Thực phẩm không chỉ là nguồn cung cấp dinh dưỡng hàng ngày mà còn ảnh hưởng đến nòi giống. Vì vậy, trong thời gian tới, theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Nông - lâm sản và thủy sản Nguyễn Hữu Tài, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm. Tuyên truyền rộng rãi những cơ sở vi phạm, cơ sở đủ điều kiện trên hệ thống thông tin đại chúng và hệ thống loa ở các KDC để người dân biết. Vừa qua, Chi cục đã công bố công khai xếp loại A, B, C cho 68 cơ sở trên Báo Hòa Bình. Các cơ sở cũng đã cam kết treo biển xếp loại tại cơ sở mình. Vì vậy, mỗi người dân hãy tìm hiểu thông tin và là người tiêu dùng thông thái, không chọn mua những sản phẩm mất an toàn.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Theo thống kê của BHXH huyện Tân Lạc, 9 tháng qua, toàn huyện có 79.371 người tham gia BHXH, BHYT, trong đó tham gia BHXH bắt buộc là 3.015 người, BHXH tự nguyện 73 người, tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 2.154 người, BHYT là 76.283 người.
(HBĐT) - Theo Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Lương Sơn, 9 tháng qua, toàn huyện có 1.149 trẻ được sinh ra, trong đó có 640 bé trai và 509 bé gái, tỷ số giới tính khi sinh là 126 bé trai/100 bé gái.
(HBĐT) - 9 tháng qua, phòng LĐ -TB&XH huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với BHXH huyện cấp thẻ BHYT cho 776 người có công, đổi thẻ cho 19 người. Phòng đã hoàn thiện hồ sơ giải quyết chế độ cho 313 người, trong đó có 241 người thờ cúng liệt sỹ, 42 người nhiễm chất độc hóa học, 5 người bị tù đầy...
(HBĐT) - Ngày 7/10, Ban vận động “Ngày vì người nghèo tỉnh” đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức phát động Tháng cao điểm ủng hộ xây dựng quỹ “Vì người nghèo” năm 2014.
(HBĐT) - Xác định y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, những năm qua, huyện Lạc Thuỷ đã huy động nhiều nguồn lực xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đây cũng là điều kiện để đạt được tiêu chí y tế trong xây dựng NTM.
(HBĐT) - Ngày 6/10, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức quyên góp ủng hộ sách, vở, đồ dùng học sinh cho học sinh vùng khó khăn. Tại buổi lễ đã quyên góp được trên 5.300 tập vở học sinh (trong đó, học sinh là gần 4.000 tập, cán bộ giáo viên là 1.300 tập). Số vở thu được, nhà trường sẽ trao tặng cho trường tiểu học, THCS thuộc vùng cao, khó khăn của huyện Đà Bắc và Mai Châu.