(HBĐT) - Dù đã được y sỹ Bùi Thị Hoài, cán bộ chuyên trách Chương trình sức khoẻ tâm thần cộng đồng - Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) huyện Lạc Sơn nói trước, nhưng chúng tôi vẫn lầm tưởng chiếc cũi nuôi nhốt bệnh nhân tâm thần (BNTT) Bùi Văn Khoan bị khuất lấp dưới những tán cây ăn quả ở giữa vườn nhà ông Bùi Văn Hoan ở xóm Lục, xã Yên Nghiệp là ... chuồng nuôi gia súc.

 

Chỉ đến khi tấm bạt nilon nhàu nát, cũ kỹ che nắng mưa tạm bợ quanh cái chuồng gỗ được vén sang một bên, chúng tôi mới dám tin đó là một cái cũi nuôi nhốt... người. ông Bùi Văn Hoan, anh ruột Bùi Văn Khoan chao chát: Cho đến giờ chúng tôi cũng chẳng biết nguyên nhân tại sao chú ấy lại bị mắc bệnh tâm thần (BTT). Chúng tôi chỉ biết là năm 1985 trong thời gian chú ấy đi bộ đội, thấy có biểu hiện của BTT thì người ta trả về địa phương. Về nhà chú ấy càng phát bệnh nặng hơn. Lúc lên cơn, chạy khắp xóm, gặp ai cũng đánh, thậm chí còn đốt cả nhà người ta nữa. Sợ đi ra ngoài gây hại nên gia đình đã đóng cái cũi để nhốt chú ấy vào không cho đi đâu nữa. Từ đó đến nay cũng chưa một lần được thả ra. Tính đến nay chú ấy sống trong cũi đã 30 năm.

 

Ở xóm Lục, Bùi Văn Khoan không phải là BNTT duy nhất bị nuôi nhốt trong cũi. Cùng y sỹ Bùi Thị Sơm, cán bộ trạm y tế xã Yên Nghiệp chúng tôi đến nhà bà Bùi Thị é trong nắng chiều hanh hao. Quanh nếp nhà sàn cũ vắng người có vài ba chiếc chuồng gỗ được bưng bít cẩn thận. Thật khó có thể phân biệt được đâu là cũi nuôi nhốt... người nếu bà Bùi Thị é không xuất hiện bất chợt sau lưng với ánh nhìn dò xét, nghi ngại. Chỉ khi thấy y sỹ Bùi Thị Sơm thì sự nghi ngại của bà mới dần tan biến và dẫn chúng tôi về phía cuối vườn - nơi có chiếc cũi nuôi nhốt đứa con trai bị BTT. Khác với cái nhìn dửng dưng, hoang dại của Bùi Văn Khoan, trong cũi là một nụ cười hiền, quần áo chỉnh tề, sạch sẽ. Không nói thì chẳng ai nghĩ đây là một BNTT. Theo lời kể của bà Bùi Thị é, nguyên nhân để gia đình nhốt Bùi Văn Dồi vào cũi là bởi cách đây hơn chục năm bỗng dưng Dồi phát BTT. Khi lên cơn thường xuyên đập phá đồ đạc, đánh người. Đỉnh điểm là trong một lần lên cơn, Bùi Văn Dồi đã bế đứa con chỉ mới vài tháng tuổi... ném thẳng qua cửa voóng. Quá sợ hãi với BTT ngày càng nặng của Dồi, gia đình đã đóng cũi nhốt vào. Kể từ đó, đến nay Bùi Văn Dồi cũng đã ngồi cũi cả chục năm mà chưa một lần được ra ngoài.

 

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng trong số những BNTT bị xích, nhốt ở Yên Nghiệp không ai khổ như gia đình chị Bùi Thị Kim ở xóm Riềng. Sinh được 4 đứa con thì 2 đứa bị BTT. Trong đó, đứa lớn là Bùi Văn Bình (20 tuổi) bị nặng nhất, mỗi khi lên cơn là đập phá đồ đạc, tự xé quần áo, bỏ nhà đi lang thang, ra đường gặp ai cũng đánh. Lo sợ con mình gây nguy hiểm cho người khác gia đình đã xích Bình ở nhà từ nhiều năm nay. Đứa em gái của Bình là Bùi Thị ánh dù bệnh không nặng như anh nhưng suốt ngày lang thang ngoài đường một cách vô định. Chưa dừng lại ở đó, cách đây 3 năm, không chịu được áp lực về cuộc sống nghèo khó với những đứa con mắc BTT, anh Bùi Văn Lung - chồng chị Kim cũng phát BTT, suốt ngày bỏ nhà đi lang thang, có khi cũng chẳng biết đâu mà tìm. Đôi vai gầy của người vợ, người mẹ cứ thế nặng trĩu những lo toan. Đã lâu rồi, chẳng ai thấy trên môi người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ, góc cạnh ấy nở một nụ cười... Trao đổi với chúng tôi, y sỹ Bùi Văn Chiên, Trạm trưởng trạm y tế xã Yên Nghiệp cho biết: Hiện nay xã Yên Nghiệp có 23 người bị mắc BTT phân liệt, 8 người bị động kinh. So với các nơi khác trong huyện thì số người mắc BTT ở Yên Nghiệp không phải nhiều nhất nhưng ở đây lại có những trường hợp đặc biệt nhất. Trong số 23 người mắc bệnh có 4 BNTT bị xích và nhốt trong cũi.

 

Theo thống kê của TTYTDP huyện Lạc Sơn, tính đến ngày 7/10/2015, toàn huyện có 363 BNTT, gồm 234 BNTT phân liệt, 126 bệnh nhân động kinh, 3 bệnh nhân trầm cảm. Trong đó có 12 BNTT phân liệt không ổn định. Chủ yếu là do các bệnh nhân mới dùng thuốc, uống thuốc không đều và một số bệnh nhân tự ý bỏ uống thuốc. Ngoài 4 BNTT hiện đang bị xích, nhốt trong cũi ở xã Yên Nghiệp, theo y sỹ Bùi Thị Hoài, cán bộ chuyên trách Chương trình sức khoẻ tâm thần cộng đồng - TTYTDP huyện Lạc Sơn thì trên địa bàn huyện còn có 4 BNTT phải xích ở nhà. Trong đó, bệnh nhân Bùi Văn Mạnh, SN 1982 trú tại xóm Tưa, xã ân Nghĩa bị tái phát cơn nặng, kích động tinh thần, đập phá, đánh cả người thân trong gia đình. Dù đã được gia đình đưa đi khám ở Bệnh viện tâm thần Ninh Bình và mua thuốc về điều trị nhưng bệnh nhân không uống, vứt hết thuốc. Trước tình trạng đó, Bùi Văn Mạnh đã bị gia đình xích, nhốt lại.

 

Tương tự như Bùi Văn Mạnh, các bệnh nhân Nguyễn Duy Mậu, SN 1959, xóm Tân Thành, xã Nhân Nghĩa; Bùi Văn Mạnh, SN 1987, xóm Chiềng, xã Liên Vũ; Bùi Văn Tài, SN 1981, xóm Bợ, xã Yên Phú mỗi khi lên cơn đều có hành vi đập phá, gây nguy hiểm cho người khác nên gia đình các BNTT đều phải xích, nhốt lại để quản lý. Có một điểm chung giữa các BNTT là hầu hết đều ở những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, sự quan tâm chăm lo đến người tâm thần cũng chỉ ở mức độ nhất định. Bên cạnh đó, theo bác sỹ Bùi Văn Hồng, Phó Giám đốc TTYTDP huyện Lạc Sơn, do trình độ nhận thức còn hạn chế nên một bộ phận người dân vẫn cho rằng việc xích, nhốt người tâm thần lại thì có thể giải quyết được vấn đề. Nên dù được tuyên truyền, vận động nhiều về việc đưa người bệnh đi khám và điều trị tại các Bệnh viện tâm thần nhưng người ta không nghe. Vì thế mới có những trường hợp người tâm thần bị nuôi nhốt trong cũi hàng chục năm trời mà không có sự quan tâm, chăm sóc từ chính những người thân trong gia đình.

 

“Xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn nên người tâm thần ở Lạc Sơn cũng rất cần sự sẻ chia, cảm thông, giúp đỡ từ cộng đồng. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi sự cảm thông, sẻ chia từ cộng đồng, trước hết chính những người thân trong gia đình phải có trách nhiệm với người tâm thần để họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhất là đối với các trường hợp bị xích, nhốt” - bác sỹ Bùi Văn Hồng nhấn mạnh.

        

 

                                                                 Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục