(HBĐT) - TP Hòa Bình đang tổ chức đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường bấy lâu nay bị lấn chiếm. Đợt ra quân lần này, ngoài lực lượng thanh tra đô thị có lãnh đạo chính quyền, công an các địa phương. Bước đầu đã có sự chuyển biến nhưng làm thế nào để không rơi vào tình trạng “đá ném ao bèo” như trước đây đang là “bài toán” đối với cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến xã, phường.

Một góc đường Cù Chính Lan, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) thông thoáng sau khi lực lượng chức năng đi làm nhiệm vụ.

 

Mỗi phường, xã có đội trật tự đô thị gồm 3 người, đội trật tự đô thị TP Hòa Bình có 10 người. Nhắc nhở, xử lý vi phạm các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để họp chợ, kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng… là việc thường ngày của lực lượng này. Song, các vi phạm vẫn phổ biến, tiếp diễn và nhiều năm nay rơi vào tình trạng “đá ném ao bèo”. Mỗi khi lực lượng chức năng xuất hiện, người dân lại toán loạn xếp ghế, cụp ô, xách bu gà… tạm lánh và khi vắng bóng lại quay ra. Nhiều cuộc cãi vã đã nổ ra giữa những người thực thi nhiệm vụ và người buôn bán, mua hàng. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến TTATGT, mà còn thể hiện nếp sống chưa văn minh.

 

Từ lâu, vỉa hè và một phần lòng đường Phùng Hưng thuộc phường Tân Hòa và Hữu Nghị đã biến thành chợ. Buổi sáng và các ngày thứ bảy, chủ nhật thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông. Gà, vịt, cá… được bán và mổ ngay trên vỉa hè, nước thải tràn ra lề đường bốc mùi. Trạm Y tế phường Tân Hòa nằm cạnh chợ cũng bị “bao vây” bởi hàng hóa và mùi. Hỏi chuyện một chị bán cá trên vỉa hè, phía sau còn chỗ nhưng vẫn cố kê đá đặt thêm chậu dưới lề đường được biết: “Nhoi ra khách mới đến mua, họ thích tiện, vả lại nộp phí chợ rồi. Một chị bán rau đứng trên lề đường chia sẻ: “Biết là vi phạm nhưng trong chợ không còn chỗ đứng, làm nông dân thu nhập trông vào gánh rau”. Theo quan sát của phóng viên, có những hộ kinh doanh hàng tạp hóa, đồ nhựa, đồ gỗ… bày hàng chiếm toàn bộ vỉa hè, thậm chí còn mắc võng ở mép ngoài để ngồi.

 

Năm 2017, TP Hòa Bình xác định là “Năm lập lại trật tự, kỷ cương và văn minh đô thị”. Việc làm này là cần thiết, được nhiều người ủng hộ và để hiện thực hóa chủ trương này, thành phố đã xây dựng kế hoạch tổ chức đợt ra quân. Đồng chí Phạm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: “Hiện nay, cùng với chợ cóc tự phát, thành phố đang tồn tại một số điểm “nóng” như: khu vực chợ Tân Thành, Thái Bình, Nghĩa Phương, Phương Lâm, Đồng Tiến… Các tuyến đường như An Dương Vương, Cù Chính Lan, Chi Lăng, Hoàng Văn Thụ, Trần Hưng Đạo và đường nhánh… vỉa hè cũng bị lấn chiếm. Giải quyết vấn đề này, không phải bây giờ thành phố mới tổ chức đợt ra quân nhưng rõ ràng là chưa có chuyển biến rõ nét. Do đó, thành phố đang tập trung vào những biện pháp mang tính bền vững. Nổi bật, thành phố đã trình UBND tỉnh cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố tại 21 tuyến đường để kinh doanh. Trong đó, nêu rõ chỉ những tuyến phố đặc thù (tuyến đi qua chợ) mới được phép và kèm theo các điều kiện như chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu 1,5 m... Trên cơ sở đó, phòng Tư pháp đã cụ thể hóa các quy định, in tờ rơi để phát và tuyên truyền cho nhân dân. Thời gian tới sẽ sơn kẻ vạch vỉa vè. Đồng thời, nghiên cứu bố trí nơi họp chợ hợp lý. Tổ chức đợt ra quân phối hợp các lực lượng công an, đô thị, chính quyền trước hết tập trung vào các tuyến đường chính. Xác định rõ trách nhiệm của các xã, phường, đặc biệt người đứng đầu nếu để tái diễn. Quan điểm không có trường hợp ngoại lệ trong xử lý vi phạm”.

 

Theo ghi nhận của phóng viên, thực hiện đợt ra quân từ ngày 10/3, một số tuyến đường như Cù Chính Lan, Chi Lăng, Trần Hưng Đạo, Thịnh Lang… đã có chuyển biến, vỉa hè thông thoáng hơn, nhất là khi lực lượng chức năng vừa làm nhiệm vụ. Những điểm vi phạm lâu năm, chiếm hết vỉa hè như cửa hàng bán xe đạp đối diện cổng chợ Phương Lâm trên đường Cù Chính Lan đã lùi hàng vào. Trước đây, ở khu vực này, người đi bộ không biết đặt chân vào đâu, chỉ còn cách đi xuống lòng đường. Tuy nhiên, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở hầu khắp các tuyến đường vẫn diễn ra, việc chấp hành chưa trở thành ý thức tự giác của đa số người dân. Việc để xe máy, xe đạp trên vỉa hè lộn xộn, mỗi nơi một kiểu dù đã có hướng dẫn.

 

Ông Trần Minh Hiệp, Đội Trật tự đô thị TP Hòa Bình cho rằng, lực lượng đô thị mỏng lại làm việc giờ hành chính, ý thức của cả người bán và người mua kém là nguyên nhân tiếp diễn vi phạm. Còn đồng chí Nguyễn Văn ất, Bí thư Đảng ủy phường Tân Hòa cho rằng: “Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các phường, xã trong thực hiện. Ngày 8/2/2017, Đảng ủy phường đã ban hành quyết định thành lập BCĐ thực hiện công tác quản lý đô thị gồm 12 đồng chí. Mỗi buổi sáng, phường có 4 cán bộ ra chợ nhắc nhở người dân họ lại tràn sang bên đường thuộc địa phận phường Hữu Nghị bán. Khi cán bộ về, nhiều người quay lại. Đặc biệt, theo tìm hiểu của phóng viên vẫn còn tình trạng làm lơ hoặc “nhẹ tay” trong xử lý đối với một số trường hợp hay việc chỉ tập trung thực hiện ở các tuyến đường chính, các đường nhánh vẫn vô tư vi phạm. Điều này gây cản trở cho việc lập lại trật tự vỉa hè, bởi tâm lý người này so bì người kia. 

 

Theo đồng chí Lê Ngọc Quản, Phó Giám đốc Sở GTVT, cần sự quyết liệt, đồng bộ, nhất quán trong tổ chức thực hiện. Tổ chức đợt ra quân rồi cần có lực lượng tại chỗ để duy trì, cụ thể là trách nhiệm của phường, xã, tổ dân phố. Huy động thêm các lực lượng như công an viên, tổ trưởng dân phố, bảo vệ dân phố tham gia gắn trách nhiệm với người đứng đầu. Nghiên cứu việc thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè những nơi đủ điều kiện, vừa quản lý được phạm vi hoạt động, vừa gắn được trách nhiệm của người kinh doanh.

 

Quy định sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh buôn bán theo Quyết định số 2822, ngày 20/9/2016 của UBND TP Hòa Bình:

 

- Chỉ một số tuyến phố đi qua chợ mới được phép sử dụng hè phố 2 bên để kinh doanh buôn bán: đường Cù Chính Lan (từ ngã tư giao nhau với đường Mạc Thị Bưởi đến ngã ba giao nhau với đường Tô Hiến Thành); đường An Dương Vương (từ ngã ba giao nhau với đường Lương Ngọc Quyến đến ngã ba giao nhau với đường Lý Thường Kiệt); đường Điện Biên Phủ (từ ngã ba giao nhau với đường Chi Lăng đến ngã tư giao nhau với đường Chu Văn An); đường Hoàng Văn Thụ (từ số nhà 397 đến số nhà 451); đường Phùng Hưng (đoạn 1: bên phải tuyến từ số nhà 84 đến số nhà 150, bên trái tuyến từ số nhà 139 đến ngã ba giao nhau với đường Bùi Thị Xuân; đoạn 2: bên phải tuyến từ ngã ba giao nhau với ngõ 228 đến ngã ba giao nhau với đường Hòa Bình, bên trái tuyến từ ngã ba giao nhau với đường Bà Đà đến ngã ba giao nhau với đường Hòa Bình).

 

- Hè phố được sử dụng tạm thời phải đảm bảo yêu cầu: Chiều rộng còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu 1,5 m. Chỉ được bày hàng hóa, không được che chắn, cần đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường... Không cho phép tổ chức kinh doanh buôn bán trước mặt tiền các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở.

 

                                                                     

 

                                                                     Cẩm Lệ

 

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục