(HBĐT) - Chúng tôi có dịp về thăm vùng "đất thép” Củ Chi. Nơi từng được xem là "tọa độ hủy diệt” của đế quốc Mỹ, khi chúng đã ném xuống đây khoảng 240.000 tấn bom đạn với quyết tâm hủy diệt vùng đất nhỏ bé này. Được trực tiếp nghe, nhìn và tìm hiểu hệ thống đường hầm tỏa rộng chằng chịt trong lòng đất, chúng tôi thêm hiểu và thấm thía hơn giá trị của hòa bình, độc lập. Chẳng vậy mà địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của dân tộc như một huyền thoại của thế kỷ XX và trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng.

Du khách nước ngoài tìm hiểu những hình ảnh, hiện vật chiến tranh được giới thiệu tại Khu di tích Củ Chi.

Huyện Củ Chi, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 60 km về hướng Tây Bắc. Trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, Củ Chi là vùng tập kết lực lượng để thọc sâu vào hang ổ cuối cùng của Ngụy quyền Sài Gòn và được mệnh danh là "Đất thép thành đồng”. Nơi đây có hệ thống địa đạo được ví như kỳ quan đánh giặc có một không hai trong lòng đất với chiều dài gần 250km, hiện được bảo tồn tại khu vực Bến Dược, xã Phú Mỹ Hưng anh hùng. Địa đạo này là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt chống kẻ thù xâm lược.

Sử sách ghi lại, những sự tích có thật từ địa đạo đã vượt quá sức tưởng tượng của con người. Bởi chỉ cần chui xuống những đoạn đường hầm nhỏ hẹp, ẩm thấp, kín bưng, du khách phần nào sẽ hiểu vì sao đất nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng kẻ thù là cường quốc lớn nhất thế giới. Vì sao mảnh đất nghèo khó Củ Chi lại kiên cường đương đầu suốt 21 năm với một đội quân thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân mà mỗi khi nhắc đến khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

Qua tìm hiểu được biết, ở Củ Chi, địa đạo có sớm nhất vào năm 1948 tại 2 xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh Anh, về sau lan rộng ra nhiều xã. Từ năm 1961-1965, cuộc chiến tranh du kích của nhân dân Củ Chi phát triển mạnh, gây cho địch nhiều tổn thất lớn. 5 xã phía Bắc huyện Củ Chi đã hoàn chỉnh đường địa đạo "xương sống”. Sau đó, các cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với đường "xương sống” thành những hệ thống địa đạo liên hoàn.

Đưa khách đi thăm các công trình bên trong địa đạo như: chiến hào, kho cất giấu lương thực, hầm ăn, giếng nước, phòng ở, nhà bếp, phòng chỉ huy, bệnh xá… hướng dẫn viên khu di tích Thạch Minh Hoàng xúc động giới thiệu: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhất là từ đầu năm 1966, địa đạo Củ Chi phát triển mạnh. Đế quốc Mỹ điên cuồng mở những cuộc hành quân lớn càn quét, đánh phá lực lượng cách mạng, tàn phá cuộc sống người dân lao động. Trước sức tấn công ác liệt của Mỹ - Ngụy bằng cuộc chiến tranh hủy diệt, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định và Huyện ủy Củ Chi đã lãnh đạo nhân dân và LLVT quyết tâm bám trụ chiến đấu, tiêu diệt quân địch. Với khẩu hiệu "Một tấc không đi, một ly không dời”, bộ đội, dân quân du kích, cơ quan Dân chính đảng cùng với nhân dân ra sức đào địa đạo, chiến hào, công sự suốt ngày đêm, bất chấp bom đạn.

Sức mạnh ý chí quân - dân đã chiến thắng khó khăn. Chỉ bằng dụng cụ hết sức thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất bằng tre, quân, dân Củ Chi đã tạo nên công trình đồ sộ với hệ thống đường hầm dọc ngang trong lòng đất, nối liền các xã, ấp như "làng ngầm” kỳ diệu. Các gia đình ở khu vực vành đai, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất, vừa đánh giặc giữ làng. Mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi địa đạo là một pháo đài đánh giặc.

Vào thời kỳ giặc Mỹ đánh phá ác liệt, mọi hoạt động của lực lượng chiến đấu và sinh hoạt của người dân đều ở dưới lòng đất cho dù có tối đen, chật hẹp, di chuyển vô cùng khó khăn bởi chỉ có đi cúi khom hoặc bò. Song, chất thép của quân – dân chính là trong điều kiện gian khổ vẫn cố gắng tạo ra cuộc sống bình thường, mặc trên mặt đất vẫn không ngớt bom đạn cày xới, khói lửa mịt mù.

Sau những bất ngờ khi vấp phải sức kháng cự quyết liệt của chiến sỹ và đồng bào Củ Chi, quân địch nhận ra các lực lượng chiến đấu đều xuất phát từ dưới đường hầm, các công sự và quyết tâm phá hủy mạng lưới địa đạo. Như những kẻ điên loạn, chúng tàn phá thôn ấp, sát hại dân lành bằng những thủ đoạn dã man như: bơm nước vào lòng địa đạo hòng làm quân ta ngợp nước phải trồi lên mặt đất; dùng đội quân "chuột cống” gồm 600 lính công binh đặc trách phá hủy địa đạo. Những thủ đoạn này thất bại, quân địch tiếp tục đưa khoảng 3.000 chó becgiê vào Củ Chi để đánh hơi người hòng đánh phá địa đạo. Tiếp đó, chúng phá hủy địa đạo bằng xe cơ giới; rồi gieo giống cỏ Mỹ phát triển cực nhanh, mọc thành rừng, đến mùa khô, cỏ úa, khô hết như rơm chúng phóng hỏa tiễn, ném bom cho cỏ bốc cháy, khi đó đất trơ ra, các bãi mìn của du kích phát nổ, hầm chông cũng bị cháy…

Tuy nhiên, bằng cuộc chiến tranh nhân dân anh dũng, sáng tạo, qua những năm tháng chiến đấu kiên cường, quân và dân Củ Chi đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20.000 quân địch, phá hủy trên 5.000 xe tăng và xe thiết giáp; bắn rơi, bắn hỏng 256 máy bay các loại, bắn chìm và cháy 22 tàu xuồng chiến đấu, phá hủy, bức rút 270 lượt đồn bốt. Bằng chiến công hiển hách, nơi đây được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tặng danh hiệu "Củ Chi đất thép thành đồng”. Với giá trị và tầm vóc chiến công được đúc kết bằng xương máu của hàng vạn chiến sỹ, đồng bào, địa đạo Củ Chi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và trở thành địa danh lịch sử thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan.

Bình Giang


Các tin khác


 “Đất thức” Kỳ Sơn

(HBĐT) - Sau một thời gian dài trầm lắng, huyện Kỳ Sơn được biết đến là vùng "đất thức” - hội tụ cơ bản những điều kiện để bứt phá, vươn lên mạnh mẽ. Phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có cả đồng bằng, cả núi non hùng vĩ, đất đai màu mỡ, hạ tầng giao thông kết nối đường thủy và đường bộ, hầu hết các vùng đất trên địa bàn huyện đang tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư.

 Dấu ấn Dự án giảm nghèo

Bài 2 - Giúp người dân phát triển sinh kế bền vững


(HBĐT) - Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, Dự án giảm nghèo (DAGN) giai đoạn 2 tỉnh Hòa Bình tập trung hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho người dân. Hoạt động này được thực hiện thông qua hỗ trợ theo nhóm đồng sở thích (CIG) mà không hỗ trợ từng gia đình đơn lẻ. Đây là cách tiếp cận mới và khá thách thức. Tuy nhiên, đánh giá chung toàn giai đoạn, Hòa Bình là một trong những điểm sáng của các tỉnh miền núi phía Bắc trong hoạt động này.

 Dấu ấn Dự án giảm nghèo


Bài 1:  Bức tranh mới ở vùng nông thôn khó khăn


(HBĐT) - Tiếp nối thành công của giai đoạn 1, do vẫn là một trong những tỉnh khó khăn ở khu vực miền núi phía Bắc nên tỉnh tiếp tục được các bộ, ngành T.Ư và Ngân hàng Thế giới (WB) lựa chọn là 1 trong 6 tỉnh tham gia Dự án giảm nghèo (DAGN) các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2. Được triển khai từ năm 2010 - 2018, về cơ bản dự án đã đạt được mục tiêu nâng cao mức sống của người hưởng lợi vùng dự án; tăng cường năng lực thể chế của chính quyền cơ sở, năng lực sản xuất của cộng đồng; hỗ trợ lập kế hoạch phát triển KT – XH cấp xã và tăng cường liên kết thị trường, sáng kiến kinh doanh.

Nhộn nhịp phố “ẩm thực đêm” đê Đà Giang

(HBĐT) - Khác với cái mộc mạc mấy năm về trước của con đê dọc bờ sông Đà, một phố "ẩm thực đêm” giữa lòng TP Hòa Bình hiện ra trên đường đê Đà Giang, phường Phương Lâm như minh chứng cho sự vươn lên mạnh mẽ của một thành phố đang trên đà cất cánh. Phố ẩm thực đêm khoác lên mình chiếc áo mới của những ánh đèn lấp lánh từ những nhà hàng, quán ăn uống từ sang trọng đến bình dân, là điểm hẹn mỗi tối và cuối tuần của nhiều người dân thành phố, nhất là các bạn trẻ.

Hòa Bình - hiện thực khát vọng phát triển

Bài 3: Thay đổi tư duy, quyết liệt hành động

(HBĐT) - Tỉnh đang đứng trước những cơ hội phát triển to lớn với mục tiêu, hướng đi đã định hình rõ nét. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, giao việc cụ thể, sát sao đôn đốc, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục sự yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tháo gỡ khó khăn, cản trở sự phát triển. Quyết tâm phấn đấu ở mức cao nhất các chỉ tiêu dự báo khó đạt của Nghị quyết Đại hội, hiện thực hóa khát vọng phát triển, vững bước trong công cuộc đổi mới.

Hòa Bình - hiện thực khát vọng phát triển

Bài 2:  Thách thức và cơ hội


(HBĐT) - Dẫu còn không ít khó khăn phải có giải pháp quyết liệt để vượt qua, nhưng Hòa Bình đang được nhìn nhận và đặt trong tâm thế mới. Nếu như trước đây, tỉnh có cảm giác xa lắc xa lơ, khó khăn, chậm phát triển, thì nay, Hòa Bình là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, vùng động lực hướng tới sự phát triển mạnh mẽ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục