(HBĐT) - Khác với cái mộc mạc mấy năm về trước của con đê dọc bờ sông Đà, một phố "ẩm thực đêm” giữa lòng TP Hòa Bình hiện ra trên đường đê Đà Giang, phường Phương Lâm như minh chứng cho sự vươn lên mạnh mẽ của một thành phố đang trên đà cất cánh. Phố ẩm thực đêm khoác lên mình chiếc áo mới của những ánh đèn lấp lánh từ những nhà hàng, quán ăn uống từ sang trọng đến bình dân, là điểm hẹn mỗi tối và cuối tuần của nhiều người dân thành phố, nhất là các bạn trẻ.


Mỗi buổi tối, tuyến phố "ẩm thực đêm" đê Đà Giang, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) lại nhộn nhịp người lui tới thưởng thức tạo nên một con phố mới sôi động, nổi bật giữa lòng thành phố.

Ban ngày, con phố yên tĩnh nghỉ ngơi sau một đêm dài. Khi ánh hoàng hôn đã chập chờn là lúc phố lên đèn, từng tốp người nối nhau lui tới đây sau một ngày làm việc. Họ tìm đến hương vị ẩm thực đặc sắc để thưởng thức như đồ ăn tự nướng, hải sản, các món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, hay những món ăn mới lạ từ những vùng miền khác du nhập về. Họ tìm đến những quán đồ uống đủ loại để thỏa "cơn thèm” và tán gẫu với bạn bè, từng nhóm nam thanh, nữ tú ngồi quây quần chỉ với vài ly nước, đĩa hướng dương và những tiếng cười giòn tan xua đi hết mệt mỏi thường ngày. Vừa ăn uống thỏa thích, vừa ngắm dòng sông Đà về đêm có lẽ là "đặc sản” của TP Hòa Bình mà ít nơi đâu có được.

Anh Nguyễn Hòa Bình đến từ thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) chia sẻ: "Tuy sinh sống ở tỉnh Quảng Ninh, nhưng tôi thường xuyên về TP Hòa Bình, vì đây là quê hương của tôi. Chứng kiến vùng quê của mình đổi khác sau bao nhiêu năm, tôi cũng cảm thấy tự hào. 3 năm gần đây, lần nào trở về thăm quê, tôi cũng được người thân đưa đến đường đê Đà Giang để thưởng thức các món ăn, đồ uống và cảm nhận không khí của một con phố mới. Điều làm tôi thích thú là vừa được ở bên gia đình nhâm nhi những ly rượu nồng, vừa được ngắm nhìn dòng sông quê hương nơi tôi đã từng một thời gắn bó với biết bao kỷ niệm vui, buồn”.

Đúng với cái tên của nó, con phố "sống” nhộn nhịp hơn về đêm khác hẳn với ban ngày. Nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Hoà Bình cũng tỏ ra thích thú, hào hứng khi đặt chân đến phố đêm để thưởng thức cái độc đáo, đặc trưng nơi đây. Nhờ sự phát triển của con phố cũng giúp nhiều gia đình sống tại đê Đà Giang có điều kiện phát triển kinh doanh, tăng thêm thu nhập. Anh Lê Tuấn Anh, hộ kinh doanh mặt hàng ăn uống tại tuyến phố đê Đà Giang cho biết: "Ban đầu, gia đình tôi chưa có ý định kinh doanh. Sau khi thấy nhiều quán hàng ăn uống, cafe mọc lên với không gian đẹp được khách ưa chuộng, tôi quyết định mở quán ăn tự nướng phục vụ khách hàng ngay trên diện tích căn nhà nằm sát đường đê Đà Giang. Đến nay, ngoài thu nhập từ công việc chính, tôi có thêm nguồn thu đều đặn từ quán ăn với lượng khách ổn định. Quán có không gian ngồi bên trong nhà, nhưng thường thì thực khách hay lựa chọn các vị trí cạnh bờ sông để thưởng thức đồ ăn, chủ yếu là thanh niên”.

Mới đây, Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Hoà Bình khánh thành và đi vào hoạt động có vị trí nằm ngay cạnh tuyến đường này càng làm tăng thêm sức hút của con phố đối với người dân. Thậm chí, một số quán còn chuyển từ địa điểm kinh doanh cũ về địa điểm mới nằm dọc tuyến phố để đón đầu nhu cầu của người dân. Các quán ăn, cafe có không gian đẹp để khách hàng chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc, đồ ăn, uống ngon để thưởng thức đôi khi cũng làm thực khách bối rối việc chọn địa điểm dừng chân. Anh Nguyễn Thành Dân, xóm Mát, xã Dân Chủ (TP Hoà Bình) chia sẻ: "Sau những ngày làm việc vất vả, cuối tuần, tôi thường đưa cả gia đình đến phố đê Đà Giang để dùng bữa tối hoặc tụ tập vài người bạn, vừa có không gian thoáng đãng để ngồi trò chuyện, giá cả các mặt hàng ăn uống cũng phải chăng, phù hợp với túi tiền”.

Tuy nhiên, việc phát triển phố đêm cũng kéo theo vấn đề mất an toàn giao thông. "Các quán ăn uống thường sử dụng vỉa hè, thậm chí có quán sử dụng cả lòng đường để bày bàn ăn cho khách, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Các phương tiện ô tô, xe máy đến quán ăn phải dựng xe xuống lòng, lề đường cũng gây hạn chế phần đường qua lại cho các phương tiện lưu thông khác. Mong muốn các cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này, hoặc quy hoạch phố đêm trở thành khu phố đi bộ đầu tiên của thành phố, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa tạo điểm nhấn cho thành phố" - anh Nguyễn Tuấn Anh, phường Phương Lâm gửi gắm.

Những ánh đèn đủ màu sắc rọi xuống lòng sông Đà phản chiếu lên sự thịnh vượng, cuộc sống đủ đầy, sự phát triển về dịch vụ và nhu cầu ngày một cao của người dân. Phố đê Đà Giang hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, là điểm đến không thể thiếu của bất cứ ai sinh sống tại đây hoặc đã từng ít nhất một lần đặt chân đến với thành phố bên sông Đà.

Thanh Sơn


Các tin khác


Núp bóng dự án để khai thác vàng trái phép ở xã Mỵ Hòa

Bài 2 - Lợi dụng thực hiện dự án nạo vét lòng hồ để khai thác vàng trái phép 
(HBĐT) - Qua kiểm tra công tác nạo vét lòng hồ Gốc Thị, xóm Đồng Hòa II, UBND xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) đã nhiều lần phát hiện, lập biên bản và yêu cầu tạm dừng việc nạo vét khi phát hiện hoạt động khai thác vàng sa khoáng từ phía đơn vị thi công. Tuy vậy, sau nhiều lần đình chỉ thi công, đến nay, các đối tượng phớt lờ yêu cầu của chính quyền địa phương, ngang nhiên hoạt động khai thác vàng trái phép...

Núp bóng dự án để khai thác vàng trái phép ở xã Mỵ Hòa

Bài 1 - Dự án bất thường nơi "rốn” vàng

(HBĐT) - Lợi dụng việc triển khai thực hiện dự án nạo vét, cải tạo hồ thủy lợi Gốc Thị tại xóm Đồng Hòa II, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi), các đối tượng núp dưới danh nghĩa đơn vị thi công đã đưa máy móc, thiết bị vào để khai thác vàng trái phép trong một thời gian dài.

Côn Đảo - ký ức, hiện tại và tương lai

(HBĐT) - Những ngày tháng 8, tôi may mắn được tham gia đoàn công tác của Báo Hòa Bình vào các tỉnh phía Nam. Điểm đến đầu tiên của đoàn là huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ hơn 40 phút bay là chúng tôi đã tới Côn Đảo. Từ trên cao nhìn xuống thấy những hòn đảo nhấp nhô, trong đó, Côn Đảo là đảo lớn nhất nổi lên giữa biển xanh bao la, sóng vỗ dạt dào bên những bờ cát trắng xóa. Côn Đảo có hình dạng như một con gấu lớn quay lưng về đất liền, chân hướng ra biển Đông.

Đổi thay của những tộc người đặc biệt vùng Tây Bắc

Nhờ triển khai thực hiện Đề án 1672 lồng ghép với các chương trình khác của Chính phủ, đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống và Cơ Lao đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, khiến một số mục tiêu đề ra đạt thấp.

Đổi thay của những tộc người đặc biệt vùng Tây Bắc

Trước nguy cơ tụt hậu của đồng bào bốn dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao, cùng với hàng loạt chính sách đầu tư cho đồng bào vùng cao, tháng 9-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1672/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao” (gọi tắt là Đề án 1672). Qua gần 10 năm thực hiện, Đề án đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Đổi thay của những tộc người đặc biệt vùng Tây Bắc

Dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao là các dân tộc thiểu số rất ít người, đặc biệt khó khăn của vùng Tây Bắc; sinh sống tập trung tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang. Trong những năm qua, từ sự đầu tư của Nhà nước, nhất là từ Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào bốn dân tộc này có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn có những khó khăn tồn tại, nhiều chính sách của Nhà nước khi đầu tư cho bà con còn bất cập, cần phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục