(HBĐT) - Có người trải qua 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, chắc tay súng xung phong qua 3 trận đánh, cũng có người khi hành quân đến cứ điểm Điện Biên Phủ lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát, nhưng trong tim họ - những cựu chiến binh năm xưa vẫn luôn sáng lên niềm tự hào: là chiến sỹ Điện Biên!


Tôi may mắn có nhiều dịp được gặp, chuyện trò với những người lính cựu đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Dù đều đã ở tuổi "xưa nay hiếm”, nhưng họ vẫn luôn giữ trong mình tinh thần, cốt cách của anh bộ đội cụ Hồ và vẫn say xưa kể chuyện Điện Biên!

Trò chuyện với ông Bùi Quang Thản, Trưởng ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên của TP Hòa Bình, tuy sức khỏe đã yếu nhưng khi nhắc đến hai từ Điện Biên gương mặt ông giãn nở, ánh mắt sáng lên niềm tự hào.Ông kể: "Năm 16 tuổi, tôi xung phong lên đường nhập ngũ.7 năm sau, tôi được biên chế về Sư đoàn 312, còn gọi là "Sư đoàn Chiến thắng” - một trong những sư đoàn bộ đội chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ đội khi ấy đa phần còn rất trẻ, tuổi chỉ đôi mươi, nhưng kiên cường, dũng cảm, không hề chùn bước trước gian khó, hiểm nguy nơi trận mạc. Những ngày tổng tiến công, cứ có lệnh của chỉ huy làtất cả cầm súng xông lên. Tôi bị thương đúng vào ngày chiến thắng 7/5/1954. Đau đớn về thể xác nhưng khi được chứng kiến hình ảnh những người đồng đội của mình cắm lá cờ lên nóc hầm và bắt sống tướng Đờ Cát cùng Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mọi đau đớn dường như tan biến. Hình ảnh ấy, cảm xúc ấy vẫn vẹn nguyên trong tôi cho đến hôm nay. Cứ vào dịp 7/5 hàng năm, những cựu chiến sỹ Điện Biên chúng tôi lại tổ chức gặp gỡ ôn lại kỷ niệm xưa. Nhưng nay…”.Ánh mắt ông chợt buồn: Các anh, các chị ấy đã về với tổ tiên cả rồi! Ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên thành phố Hòa Bình khi mới thành lập có 34 người, nhưng giờ chỉ còn 5 người. Không thể tổ chức gặp mặt thường niên được nữa, khi nào thấy nhớ thì nhờ con cháu đưa đến thăm nhau thôi. Nếu muốn nghe chuyện Điện Biên, cháu nên đến gặp ông Kỳ, ông ấy 88 tuổi rồi, nhưng còn khỏe, minh mẫn. Nhớ cho ông gửi lời thăm…!


Ông Đường Hồng Kỳ, tổ 3, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) -một cựu chiến sỹ Điện Biên sắp xếp, nâng niu những kỷ vật của một thời quân ngũ.

Theo lời nhắn nhủ của ông Thản, tôi tìm gặp ông Đường Hồng Kỳ, một cựu chiến sỹ Điện Biên hiện đang sống cùng con cháu ở tổ 3, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình).Sau vài lời hỏi han, ông bắt đầu mạch chuyện: Tôi vốn là một thiếu sinh quân. Đang huấn luyện ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh thì được điều động vào Trung đoàn 9 -Sư đoàn 304 (một sư đoàn bộ binh cơ giới của Quân đội nhân dân Việt Nam) hành quân về Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của chúng tôi là đào hầm, giao thông hào để tiến công vào tập đoàn cứ điểm. Vì lòng căm thù giặc, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị đã chiến đấu dũng cảm, giành giật với địch từng tấc đất, từng đoạn chiến hào, giữ vững trận địa, không để địch chọc thủng tuyến bao vây chia cắt. Trong cuộc chiến đấu cam go ấy luôn sáng lên tình đồng chí, anh em. Hình ảnh đọng lại trong tôi suốt 65 năm qua là vắt cơm thấm đẫm nước mắt nghĩa tình đồng đội. Một đồng đội của chúng tôi bị thương nặng,đã hy sinh ngay trên chiến hào. Biết mình không thể tiếp tục chiến đấu, anh gắng sức gỡ khẩu súng trường và vắt cơm trao lại cho anh em đồng đội. Câu nói cuối cùng của anh là: các cậu phải ăn để có sức chiến đấu! Đó là lời đề nghị hết sức chân thành của người đồng đội, nhưng chúng tôi không thể chấp hành. Vì dù đói, dù khát cũng không ai có thể nuốt nổi miếng cơm hay ngụm nước khi chứng kiến người đồng đội của mình hy sinh. Đó là những kỷ niệm sâu sắc về nghĩa tình đồng đội của những người chiến sỹ Điện Biên mà tôi đã kể lại tới hàng trăm lần cho các thế hệ con cháu thấm nhuần. Sau giải phóng Điện Biên, tôi được chuyển ngành về làm công việc khác.Nhớ đồng đội, nhớ chiến trường xưa, từ đó tới nay, tôi đã 5 lần trở lại Điện Biên Phủ, 2 lần tới thăm cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ. Mỗi chuyến đi đó, chúng tôi - những cựu chiến binh năm xưa lại thắp sáng lên niềm tự hào: là chiến sỹ Điện Biên!

Với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", những năm 1953 - 1954, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hăng hái đi dân công, xây dựng kho tàng, lán trại, ủng hộ lương thực, thực phẩm để phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.Theo tài liệu trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (1929-2010), tháng 1/1954, trước yêu cầu khẩn trương của chiến dịch, tỉnh đã huy động và tổ chức 3 đại đội thanh niên xung phong (TNXP), 3.000 dân công cùng dân công các tỉnh bạn tu sửa, tôn cao và mở rộng hơn 70 km đường từ Hòa Bình lên Mộc Châu (Sơn La). Các lực lượng bộ đội địa phương, TNXP cùng hàng nghìn dân công ngày đêm bám cầu, đường để đảm bảo giao thông thông suốt. Riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Hòa Bình đã huy động trên 380 nghìn lượt dân công, 905 xe đạp thồ, vận chuyển 4.900 tấn hàng, huy động 170 nghìn ngày công xay, giã 545 tấn thóc, cung cấp cho bộ đội gần 40 tấn thịt, gần 1.900 m3 gỗ và tre, bương… Bởi vậy, Điện Biên luôn trong tim những người lính cựu, cựu TNXP. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức gặp mặt các chiến sỹ Điện Biên và tổ chức các cuộc thăm lại chiến trường xưa để thắp sáng lên miền ký ức về Điện Biên khói lửa.

  

Thúy Hằng


Các tin khác


Hòa Bình - hiện thực khát vọng phát triển

Bài 3: Thay đổi tư duy, quyết liệt hành động

(HBĐT) - Tỉnh đang đứng trước những cơ hội phát triển to lớn với mục tiêu, hướng đi đã định hình rõ nét. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, giao việc cụ thể, sát sao đôn đốc, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục sự yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tháo gỡ khó khăn, cản trở sự phát triển. Quyết tâm phấn đấu ở mức cao nhất các chỉ tiêu dự báo khó đạt của Nghị quyết Đại hội, hiện thực hóa khát vọng phát triển, vững bước trong công cuộc đổi mới.

Hòa Bình - hiện thực khát vọng phát triển

Bài 2:  Thách thức và cơ hội


(HBĐT) - Dẫu còn không ít khó khăn phải có giải pháp quyết liệt để vượt qua, nhưng Hòa Bình đang được nhìn nhận và đặt trong tâm thế mới. Nếu như trước đây, tỉnh có cảm giác xa lắc xa lơ, khó khăn, chậm phát triển, thì nay, Hòa Bình là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, vùng động lực hướng tới sự phát triển mạnh mẽ.

Hòa Bình - hiện thực khát vọng phát triển

Bài 1: Những kết quả lạc quan


(HBĐT) - Hòa Bình đang trong quá trình thay đổi mạnh mẽ, kể cả trong tư duy, hành động và trong cả diện mạo KT-XH. Không chỉ có sự chuyển động trong hệ thống chính trị mà ngay cả với đại bộ phận nhân dân đang được thụ hưởng và cảm nhận rõ rệt thành quả của sự đổi mới. Những sắc màu tươi mới, lạc quan trải dài trên khắp quê hương.

Núp bóng dự án để khai thác vàng trái phép ở xã Mỵ Hòa

Bài 2 - Lợi dụng thực hiện dự án nạo vét lòng hồ để khai thác vàng trái phép 
(HBĐT) - Qua kiểm tra công tác nạo vét lòng hồ Gốc Thị, xóm Đồng Hòa II, UBND xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) đã nhiều lần phát hiện, lập biên bản và yêu cầu tạm dừng việc nạo vét khi phát hiện hoạt động khai thác vàng sa khoáng từ phía đơn vị thi công. Tuy vậy, sau nhiều lần đình chỉ thi công, đến nay, các đối tượng phớt lờ yêu cầu của chính quyền địa phương, ngang nhiên hoạt động khai thác vàng trái phép...

Núp bóng dự án để khai thác vàng trái phép ở xã Mỵ Hòa

Bài 1 - Dự án bất thường nơi "rốn” vàng

(HBĐT) - Lợi dụng việc triển khai thực hiện dự án nạo vét, cải tạo hồ thủy lợi Gốc Thị tại xóm Đồng Hòa II, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi), các đối tượng núp dưới danh nghĩa đơn vị thi công đã đưa máy móc, thiết bị vào để khai thác vàng trái phép trong một thời gian dài.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục