Người cao tuổi xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) tuyên truyền, vận động con cháu không xuất cảnh trái phép đi lao động chui tại nước ngoài.
Xuất cảnh lao động chui mong "đổi đời"
Theo số liệu thống kê của Công an huyện Đà Bắc, tính đến hết tháng 10/2019, toàn huyện còn 65 công dân XCTP sang Trung Quốc lao động chui. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 28 trường hợp (65/93 trường hợp). Trong đó, nhiều nhất là xã Toàn Sơn với 35 trường hợp, chủ yếu là người xóm Rãnh với 16 trường hợp, xóm Trúc Sơn 9 trường hợp, xóm Phủ 3 trường hợp, xóm Tân Sơn 3 trường hợp. Tiếp đến là xã Tu Lý có 26 trường hợp, chủ yếu là người xóm Mạ với 23 người, 3 người còn lại ở các xóm: Cháu, Riêng, Tình. Xã Trung Thành có 4 trường hợp. Đáng chú ý, trong số 65 người của huyện XCTP hiện đang ở Trung Quốc lao động chui chủ yếu là người dân tộc Dao (chiếm khoảng 90%), hầu hết trong độ tuổi lao động.
Trao đổi với chúng tôi, đại tá Nguyễn Hồng Thái, Trưởng Công an huyện Đà Bắc cho biết: Tình trạng XCTP sang Trung Quốc lao động chui xuất hiện trên địa bàn huyện từ năm 2016 trở lại đây. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đời sống kinh tế của một bộ phận người dân còn khó khăn. Nhiều người coi việc XCTP sang Trung Quốc lao động là một cơ hội "đổi đời”, coi đó là một "miền đất hứa”. Tuy nhiên, không ai có thể biết trước được ở phía bên kia biên giới, họ phải đối mặt với những rủi ro, khó khăn nào. Trên thực tế, trong 10 tháng năm nay, toàn huyện có 12 người bị lực lượng chức năng phía Trung Quốc phát hiện, đẩy đuổi về nước.
Có "mật ngọt” nơi "miền đất hứa”?
"Ngày làm việc bắt đầu từ 6h, trưa ăn cơm xong phải vào làm việc ngay cho đến 20h mới được nghỉ. Nếu có việc gấp, chủ lao động yêu cầu làm là phải làm, bất kể lúc nào, kể cả ốm đau, bệnh tật. Nhiều hôm ốm, nằm trong phòng thì chủ cho người liên tục gõ cửa bắt đi làm, nếu không thì bị dọa đuổi việc, trừ lương, nên có ốm mấy cũng cố mà lết đi làm. Đã thế, suốt ngày cứ nơm nớp lo sợ lực lượng Công an kiểm tra, phát hiện luôn phải sống, làm việc một cách chui lủi, khổ sở” - trò chuyện với chúng tôi, anh Tr.V.T ở xóm Mạ, xã Tu Lý, người vừa bị Công an Trung Quốc phát hiện, đẩy đuổi về nước cho biết. Tr.T.S ở xóm Rãnh, xã Toàn Sơn chia sẻ: Nói chung, kiếp lao động chui xem như mất hết quyền lợi, đến quyền con người cũng chả còn. Sang bên đấy (Trung Quốc), dù lương có cao hơn lương mức lao động phổ thông ở Việt Nam, nhưng công việc cực khổ lắm. Làm từ lúc mở mắt cho đến khi đi ngủ, cứ làm quần quật như vậy, chẳng có thời gian mà nghỉ ngơi. Trong khi đó, quyền lợi thì không có gì. Sang đó không biết tiếng, không biết đường, không có giấy tờ hợp pháp nên đi đâu cũng phải chui lủi và tìm cách đối phó. Không như những gì người ta hứa hẹn, rủ rê mình lúc ban đầu. Ở bên đấy phải đối mặt với nhiều rủi ro lắm, chẳng biết thế nào mà lường trước được.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo đại tá Nguyễn Hồng Thái là do: nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, đời sống khó khăn, nhiều người không có việc làm, thu nhập không ổn định, nên mặc dù biết có nhiều rủi ro, song không ít người vẫn tìm mọi cách để XCTP sang lao động tại Trung Quốc. Đa phần công dân tự ý XCTP ra nước ngoài lao động bất hợp pháp không thông qua cơ quan, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động đều phải đối mặt với nhiều rủi ro như: bị chủ sử dụng lao động nước ngoài nợ lương, quỵt lương, bị quản lý chặt chẽ, đối xử ngược đãi, đánh đập, cưỡng bức lao động, có thể bị bắt giữ, đẩy đuổi về nước bất cứ lúc nào, thậm chí bị tai nạn lao động, tử vong và trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người. Những điều này cũng đã xảy ra trong thực tế và nhiều người lao động của địa phương khi trốn đi XCTP cũng đã từng phải đối mặt. Còn theo đồng chí Nguyễn Văn Triệu, Trưởng Công an xã Tu Lý thì ngay sau khi phát hiện có người địa phương XCTP sang Trung Quốc lao động chui, cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể cũng đã tuyên truyền, cảnh báo, nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp rủi ro, sự an toàn của mình và người thân để XCTP. "Do người ta tự ý đi theo kiểu trốn tránh, nên mình cũng không biết họ đi lúc nào”-đồng chí Nguyễn Văn Triệu chia sẻ thêm.
Trước thực trạng trên, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh đi nước ngoài, đặc biệt là sang Trung Quốc để lao động trái pháp luật, Công an huyện Đà Bắc đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện triển khai nhiều biện pháp từ tuyên truyền, giáo dục, tạo việc làm cho người lao động. Về phía lực lượng Công an tăng cường bám nắm tình hình, đấu tranh với các đối tượng tổ chức đưa người vượt biên trái phép. Trong đó, vụ phát hiện, bắt giữ đối tượng Trần Văn Cường đầu tháng 9 vừa qua là một ví dụ điển hình. "Để giải quyết tình trạng này cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập ổn định cho người lao động" - đại tá Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.
Điều 17, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi qua lại biên giới mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định; từ 15 - 25 triệu đồng đối với hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài và người nước ngoài vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép. Điều 349 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm; phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc rất nghiêm trọng thì phạt tù từ 5 -10 năm; phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì phạt tù từ 7 - 15 năm. |
P.V