(HBĐT) - Tết cổ truyền của đồng bào Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán 1 tháng, nên những ngày này, bà con đồng bào Mông ở xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) đã rộn ràng đón Tết. Khắp bản Mông, đào rừng đã hé nụ, hoa mai bung sắc trắng tinh khôi cùng bản Mông vui xuân, đón Tết.


Bánh dày, món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào Mông ở xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). 

Những ngày giá rét kéo dài, nhịp sống thường ngày dường như chậm lại. Cái rét ở Hang Kia, Pà Cò khắc nghiệt hơn bởi địa hình núi cao. Nếu ở TP Hòa Bình nhiệt độ 10 độ, thì ở bản Mông này thấp hơn từ 5 - 6 độ. Bởi thế, đợt rét đậm, rét hại vừa rồi, có thời điểm nhiệt độ ở bản Mông giảm xuống 2 - 3 độ C, cái lạnh tê tái, buốt thấu xương. Giá rét là vậy nhưng bản Mông đã chuẩn bị mọi điều kiện để đón Tết cổ truyền. Từ Pà Cò vào Hang Kia, lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng, những cửa hàng tạp hóa ngập tràn mứt Tết, quần áo mới. Tết này vui hơn, bởi ở bản Mông, đường làng, ngõ xóm được đầu tư cứng hóa sạch đẹp. Trong những ngôi nhà, bà con đã bày mâm ngũ quả cùng với cành đào hé nở những nụ xuân. 

Ngày 30 Tết (tức ngày 30/11 âm lịch), căn nhà của Chủ tịch UBND xã Hang Kia Khà A Lau được dọn dẹp sạch sẽ, trang trí thêm bóng bay, đèn led nhấp nháy trên cành đào để đón Tết cổ truyền. Giữa nhà, bếp lửa được nhóm lên để khách sưởi ấm trước cái lạnh se sắt nơi đại ngàn. "Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, bộ mặt của Hang Kia đã thay đổi rất nhiều. Đời sống bà con có nhiều chuyển biến khi các xóm đều có đường bê tông. Ngoài làm nông nghiệp, Hang Kia đang phát triển du lịch cộng đồng, có những đợt khách đến đông, homestay quá tải. Đời sống thay đổi, bà con rất phấn khởi đón Tết cổ truyền của dân tộc” - Chủ tịch Khà A Lau chia sẻ.

Mời khách ngồi quây quần bên bếp lửa uống nước, sưởi ấm, trong nhà bếp, chị Giàng Y Pái, vợ Chủ tịch Khà A Lau đã chuẩn bị sẵn mâm cỗ mời khách. Thịt lợn bản luộc, gà Mông luộc, thịt lợn gác bếp xào rau cải nương, thêm món lòng xào dưa cải và món đu đủ nộm là mâm cỗ gia đình mời khách. Toàn món đặc trưng của người Mông, thêm chén rượu ngô với những lượt uống rượu vòng tay, cái lạnh nơi đại ngàn xua đi lúc nào không hay.

Trong mâm cỗ đãi khách ngày Tết của người Mông không thể thiếu bánh dày. Bánh được giã thật mịn từ những hạt nếp nương ngon nhất, được chuẩn bị trước Tết đem ra cắt nhỏ rán nóng hôi hổi. Ăn miếng bánh dày có thể cảm nhận được hương vị thơm ngon, bánh dẻo và ngọt nhẹ. Theo chị Giàng Y Pái chia sẻ: Năm nay, gia đình chị làm 50 chiếc bánh dày, vừa để cúng tổ tiên, vừa làm quà cho khách đến chơi Tết, đồng thời là món ăn đặc trưng trong suốt thời gian đón Tết. Bánh dày của người Mông có màu trắng, hình tròn, gói bằng lá chuối. Người Mông quan niệm, hai cái bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất. Với người Mông, bánh dày tượng trưng cho đất trời, cuộc sống an lành, no ấm, mùa màng bội thu. 

Kế bên nhà anh Khà A Lau là nhà anh Khà A Phử, những ngày này cũng tràn ngập không khí Tết. Trò chuyện với chúng tôi, anh Phử chia sẻ: Tết là dịp vui nhất trong năm, mọi gia đình ở bản Mông tạm gác công việc đồng áng để vui Tết. Đêm 30, các gia đình làm lễ mời tổ tiên về ăn Tết, từ mùng 1 đến hết ngày mùng 3. Sau đó, mọi người đi chúc Tết nhau, tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội. Ngày Tết, nhà nào có điều kiện thì mổ lợn, khó khăn hơn thì mổ gà ăn Tết. Anh Phử khoe, để chuẩn bị đón Tết, vợ chồng anh đã giã bánh dày, mua mứt Tết, hàng hóa thiết yếu và quần áo mới cho các con. 

Mặc bộ quần áo mới, những đứa trẻ ở bản Mông cùng nhau vui đùa trên con đường được cứng hóa chắc chắn. Lên Hang Kia dịp này không chỉ được hòa vào không gian văn hóa truyền thống của người Mông. Mà vùng đất "dữ” một thời giờ đã "lành” hơn nhiều. Bản Mông nay có điểm săn mây, có homestay nghỉ dưỡng và những người dân hiếu khách. Như lời Chủ tịch UBND xã Hang Kía Khà A Lau: Giữ gìn Tết Mông và những nét văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, nâng cao đời sống của người dân, từng bước xóa nghèo và hủ tục lạc hậu.

Viết Đào

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục