Nhiều người ở xã Tân Pheo huyện Đà Bắc khôi phục nghề dệt thổ cẩm có thêm thu nhập cho gia đình.
(HBĐT) - Năm 1939 có một đứa trẻ người xuôi bị một người đàn ông không rõ tung tích mang lên bán cho một gia đình người Dao ở vùng Đức Nhàn, huyện Đà Bắc. Cậu bé lúc đó khoảng 11 tuổi, bị lạc bố mẹ do chạy loạn giặc Pháp, không rõ quê mình ở đâu. Cậu được gia đình nhận nuôi đặt tên là Bàn Văn Phiên.
Xuống núi định canh, định cư
Sống trong sự thương yêu của gia đình và dòng họ, do có chút ít văn hoá, Phiên được cán bộ yêu cầu dạy chữ cho dân làng khi chưa đến mùa vụ thu hoạch. Phiên được cha mẹ bắt vợ cho và sinh ra cậu bé Bàn Văn Sơn, nay là Chủ tịch UBND xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc.
Vốn thông minh, Sơn được cả họ Bàn giúp đỡ cho đi học hết cấp II trường Thanh niên lao động ở bến Diềm, xã Tiền Phong. Do học giỏi, Sơn được tuyển chọn vào trường trung cấp công an. Ra trường, Sơn được công tác ở Ty công an Hà Sơn Bình. Mỗi lần về thăm quê, Sơn suy nghĩ rất nhiều về cảnh sống du canh du cư của cả làng. Phải từ giã cuộc sống bám vào bóng núi, xuống thấp làm lúa nước, định canh, định cư mới mong hết đói nghèo, lạc hậu. Nói thì dễ, nhưng làm còn khó hơn rời ngọn núi Pu Canh. Sơn biết lắm chứ, đó là món nợ, bố con Sơn phải trả bằng được cho làng Bương này….
Thế rồi Sơn quyết định trở về quê hương trước sự ngạc nhiên của người thân và đồng đội
Việc đầu tiên Bàn Văn Sơn làm là vận động nhân dân xuống núi lập làng định cư. Nghe xuống núi, ai cũng giật mình như có người ném đá vào người…. Chóp núi là của trời, dưới thấp núi là của con ma. Con người chỉ được ở lưng chừng núi. Nếu đất bạc màu thì chuyển tới lưng chừng núi khác mà sống. Nhiều người phản đối quyết liệt ý kiến của Sơn. Sơn thẳng thắn: Bố Phiên lấy họ Bàn, tôi cũng mang họ Bàn, sống ở núi Pu Canh này. Chết làm con ma họ Bàn. Tôi được Nhà nước cho ăn học về cùng dân làng ổn định nơi ăn ở. Tôi hỏi bà con, thế bà con đi theo cách mạng để làm gì? Để sống tốt hơn chứ! Cách mạng muốn cho mọi người sướng hơn, không phải đi lang thang nữa. Xuống thấp có ruộng, có đường ôtô, có điện cho bà con thắp cái đèn, xem ti vi, như vậy có hợp lẽ trời không.
Nghe nói đến điện, mọi người im lặng. Chuyện đang căng như dây cung bỗng nhiên chùng lại. Mấy ngày sau, người người xuống núi như đàn chim rời tổ.
Anh Sơn bảo: Thấy bà con xuống núi mình mư lắm! Nhưng thực tình tôi biết đây là lúc gay go nhất. Tôi cứ nói phứa để khuyến khích mọi người chứ biết bao giờ mới có điện, có đường vào làng…
Quả nhiên mới có xuống núi một tháng điện đóm, đường xã chẳng thấy đâu, dân làng bắt đầu lo lắng, rục rịch lên núi ở. Sơn hoảng quá phóng một mạch về xã, về huyện cầu cứu. Mấy hôm sau, anh trở về cùng với mấy cán bộ huyện. Cuộc họp lại bắt đầu. Sơn nói: “ Bà con nghĩ lại mà xem, mình trồng cây lúa trên đồi phải năm mùa trăng mới được thu. Nuôi con bò phải 2 năm mới đẻ. Bà con xuống núi lại đòi có điện ngay. Nhà nước như người mẹ, lo cho hết con này mới lo cho con khác, không bỏ con nào đâu, cứ yên tâm. Có Đảng sẽ có tất cả!”. Cán bộ cũng tiếp lời, bà con nghe ra.
Các con ruộng bậc thang được hình thành từ sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con chỉ việc cắm cây lúa xuống là có cái ăn, song cũng trầy trật vì bà con quen vác dao lên rừng. Anh suy nghĩ rồi quy định mời cán bộ phòng Nông nghiệp huyện lên giúp bà con.
Ngày nối ngày, anh cặm cụi ở ngoài ruộng, có thời gian lo nghĩ nhiều quá tóc dài không thèm chải, hai con mắt ngầu đục vì thức đêm. Cuối năm đó, ruộng nhà trưởng xóm Sơn do bón phân chăm sóc tốt thu được 3 tấn lúa lan ra cả xóm bên. Không riêng gì nhà anh thu được nhiều thóc mà có cả nhà Xuân, nhà Phiên nữa. Nhà nào đứt bữa, vợ anh xúc gạo cho. Người dân xóm Bương có ruộng không còn nghĩ đến bỏ làng đi. Nhờ có anh tuyên truyền xuống núi ở làm ruộng. Một năm một vụ, hai vụ lúa các hộ đều có một kho nhỏ đựng thóc ở ngoài sân , cộng thêm ngô, khoai , sắn bà con cũng tạm ổn định cuộc sống
Đứa con của bản Dao.
Giờ thì chẳng cần anh phải vận động, người Dao đều xuống núi ở dọc hai bên đường. Cả hai làng Bon và làng Bương người dân xem đất của mình chỗ nào phá được thì mở rộng trồng lúa nước. Với cương vị chủ tịch xã, điều làm anh trăn trở nhất. Do bao lâu nay rừng Tân Pheo bị tàn phá nặng nề, chính vì thế đẻ lại hậu quả lũ ống, lũ quét từ trên cao đổ về làng làm trôi nhà cửa, trâu, bò, lơn thậm trí trôi cả người, rồi hạn hán kéo dài. Ruộng thiếu nước ruộng trơ ra từng mảng đỏ quạch. Dân lại lên rừng chặt cây gỗ lim, de, dổi mang đổi lấy những đồng tiền rẻ mạt của bon buôn gỗ. Cứ nói là lâm tặc phá rừng nhưng toàn là dân nghèo ở các làng. Chặn được cửa này, họ lại mang cưa , rùi đi lối khác. Có thời gian dối giáp hạt, vào làng chỉ có người già và trẻ con, đàn ông vò rừng hết.
Lại đêm đêm thức trắng tìm nguyên nhân. Anh nhận thấy người dân có lý, đất vùng đệm khu bảo tồn phải giao cho Ban quản lý bảo tồn thiên nhiên Pu Canh hết có số lượng hàng trăm ha trở lên. Vậy thì họ phải lén lút phá rừng, tiền công chăm sóc rừng phòng hộ lại quá ít chưa thuyết phục dân bảo vệ hết trách nhiệm, dân còn mang nặng tính bảo thủ, chưa ý thức được việc làm sai của mình. Anh đã mạnh dạn đề xuất lên trên đề nghị xin lại số đất vùng đệm giao lại cho dân có đất sản xuất, trồng rừng. Đề nghị nâng giá tiền công chăm sóc bảo vệ rừng cho hợp lý.
Trong những năm tháng công tác anh rút ra một điều: Cán bộ phải đi trước, cán bộ phải làm giàu bằng chính sức mình thì nói dân mới nghe. Vậy là, ngoài giờ làm việc, bà con thấy anh vào rừng nhặt quả xoan có người nghi ngờ thần kinh anh không ổn… Anh vận động vợ con gieo hạt xoan trên diện tích 10 ha đất nhà. Không có tiền lại chạy về ngân hàng vay được 20 triệu đồng đầu tư vào nuôi trâu, bò của nhà nhiều lên tới 40 con, vườn xoan ngày nào nay trở thành rừng xoan. Nhìn rừng cây keo, mỡ, xoan, luồng 40 ha Chủ tịch xã phủ kín các quả đồi, người dân từ thay đổi cách nghĩ, đến rụt rè làm theo. Anh tâm sự: Các nguồn vốn rót về từ xã trước đây không ai dám vay, nhưng giờ đây ngoài nguồn vốn ưu đãi, các hộ còn vay thêm tiền ngân hàng, có hộ vay tới 150 triệu đồng đầu tư vào gia súc, gia cầm và phát triển trồng rừng. Tổng đàn gia xúc toàn xã có 2.661 con; 260 ha cây nông nghiệp, 300 ha luồng. Ở xóm Bương nhà nào ít cũng vài nghìn m2 keo lai. Khu rừng Pu Canh đã bớt bóng dân ra vào. Tiêu chí các xóm đề ra việc phát triển kinh tế và vấn đề bảo vệ rừng được đặt lên hàng đầu trong việc bình xét làng văn hoá. Từ một xã đặt biệt khó khăn, được Nhà nước đầu tư, năm 2006, xã Tân Pheo là xã đầu tiên của huyện thoát khỏi 135.
Tân Pheo giờ đây có đường nhựa đi qua, có chợ phiên để bà con trao đổi hàng hoá nông sản. Cuộc sống được nâng cao, họ không còn lo thiếu bữa mà chỉ muốn ăn ngon, mặc đẹp, xây dựng những ngôi nhà xây mái bằng, nhà sàn hai tầng bằng gỗ vườn nhà…
Nhớ về một thời cơ cực, người đồng bào Tày, Dao nơi đây luôn nhắc tới anh Sơn. Người già của bản bảo: “ Núi rừng nuôi sống bố con nó. Giờ nó còn nợ nhiều lắm, thằng Sơn phải làm cán bộ cho đến lúc nhắm mắt thì thôi” .
Xa Lệ Thuỷ