Cách đây 62 năm, thực hiện lời Bác Hồ dạy "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân", Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn, nguyên giáo viên Tổng phụ trách đội Trường cấp 2 Liên Sơn (nay là Trường THCS Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh) trong quá trình đi trồng cây cùng học sinh đã nảy ra sáng kiến, phát động phong trào "Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ", gọi tắt là "Nghìn việc tốt".
Từ Bắc Ninh, phong trào nhanh chóng lan rộng khắp miền Bắc rồi cả nước. 62 năm qua, phong trào thi đua Nghìn việc tốt đã được lớp lớp thiếu nhi tỉnh Hòa Bình tích cực tham gia, hưởng ứng. Riêng giai đoạn 2020 – 2025, toàn tỉnh đã có 2.600 thiếu nhi được tuyên dương "Dũng sĩ nghìn việc tốt” các cấp, trong đó 10 thiếu nhi tiêu biểu được tuyên dương cấp toàn quốc. Loạt bài này sẽ đưa bạn đọc cùng gặp gỡ những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa nghìn việc tốt của thiếu nhi tỉnh Hòa Bình.
Kỳ 1: Nhặt được của rơi trả người đánh mất - khi mầm thiện được gieo trồng từ lúc măng non
Bập bẹ biết nói, biết đi, một trong những bài hát yêu thích đầu đời của các bé chính là bài đồng dao"Bà còng” với câu kết thúc vui tươi, lí lắc nhưng cũng rất có ý nghĩa giáo dục: "Tiền bà trong túi rơi ra/ Tép tôm nhặt được trả bà mua rau”. Lớn thêm chút nữa, ngay trong năm lớp 1, khi làm quen với môn Đạo đức, bé được học bài "Nhặt được của rơi trả người đánh mất”. Đức tính thật thà, tử tế như hạt mầm thiện được gieo vào mỗi đứa trẻ và lớn dần cùng thời gian một cách tự nhiên, bình dị, để khi nhặt được của rơi thì phản xạ tự nhiên là tìm trả lại người đánh mất.
Đó cũng chính là phương án mà các em học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Hòa Bình) đã nhanh chóng đưa ra và thống nhất cao khi cùng nhặt được 10 triệu đồng trên đường đi học về. Trong nhóm 6 bạn học sinh nhặt được tiền vào ngày 21/4/2024 ngay tại khu vực cổng trường (tổ 9, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình), bạn lớn nhất mới học lớp 3, bạn bé nhất học lớp 1. Đó là các em: Trần Huyền My, lớp 1A1; Tống Hải Nam, lớp 2A7; Phạm Văn Đồng, lớp 3A7; Đỗ Thanh Đạt, lớp 3A3; Nguyễn Trần Nhã Khanh, lớp 3A5; Trần Lê Bảo Trân, lớp 3A5. Đặc biệt trong số đó, em Đỗ Thành Đạt, lớp 3A3 có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.
Nhóm học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Hòa Bình) nhặt được 10 triệu đồng đã trả lại người đánh mất
Bé nhất nhóm nhưng lại rất nhanh nhẹn, tự tin và lễ phép, em Trần Huyền My kể lại: Hôm đó, trên đường đi học về, chúng em nhặt được một chiếc phong bì. Khi mở ra, chúng em thấy có rất nhiều tờ tiền. Nhìn thấy ở gần đó có chú Công an đang làm nhiệm vụ nên chúng em đã cùng thống nhất giao nộp số tiền này cho chú để trả lại người đánh rơi.
Cùng ở lứa tuổi nhi đồng như các học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, em Đỗ Tuấn Đạt (lớp 4A2, Trường Tiểu học Thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thuỷ) cũng là tấm gương sáng của đức tính thật thà, nhặt được của rơi trả người đánh mất. Nhiều lần em đã nhặt được khi là tiền, khi là đồ dùng học tập, em đều báo cáo giáo viên Tổng phụ trách để thông báo trên loa nhà trường tìm trả lại người đánh mất. Không chỉ là một học sinh ngoan ngoan, thật thà, Đạt còn tích cực tham gia phong trào "Kế hoạch nhỏ”, giúp bạn học kém cùng tiến bộ… Tuy còn nhỏ tuổi nhưng em đã sớm có ý thức tốt, hành động đẹp và luôn được thầy cô, bạn bè yêu mến. Năm 2023, Đạt vinh dự được nhận danh hiệu "Dũng sĩ nghìn việc tốt” toàn quốc.
Hành động đẹp "nhặt được của rơi trả người đánh mất” dần ăn sâu vào suy nghĩ, trở thành thói quen hàng ngày của học sinh trong toàn tỉnh. Ở khắp các trường học trên địa bàn tỉnh, đi đến đâu cũng có thể gặp những thiếu nhi ngoan, thật thà. Tại huyện Tân Lạc có em Đỗ Thiên Ân (lớp 4A1, Trường Tiểu học Mường Khến) đã 2 lần nhặt được của rơi và tìm trả cho người đánh mất. Lần thứ nhất em nhặt được tiền, lần thứ hai nhặt được 1 chiếc đồng hồ điện tử. Hay em Vũ Thị Phương Chinh (lớp 9A, Trường THCS Kim Đồng) nhặt được chiếc ví trong đó có 300.000 đồng và chiếc máy tính do các bạn thi xong để quên trong phòng thi. Các em đều đã báo cáo với giáo viên tổng phụ trách và nhà trường để thông báo tìm trả lại cho người đánh mất.
Việc nhặt được của rơi trả người đánh mất không chỉ đơn thuần là hành động tốt đẹp thể hiện sự thật thà, tử tế, mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hành động đẹp này đã gieo niềm tin, thắp lên tình yêu thương giữa con người với con người. Đó là câu chuyện xúc động tại Trường TH&THCS Thượng Bì (Kim Bôi) khi em Bùi Mạnh Hùng, lớp 8 nhặt được 1.700.000 đồng giữa sân trường. Lúc đó, sân trường vắng chỉ có mình em nhưng em đã kiên quyết tìm và trả lại cho cô Bùi Thị Hoa, cán bộ thư viện của trường. Thời điểm đó, cô Hoa mắc bệnh hiểm nghèo và đang trong thời gian điều trị. Khi nhận lại số tiền đánh rơi, cô đã rưng rưng nước mắt xúc động.
Gần đây nhất, vào chiều 10/4/2025, trên đường đi học về, em Vũ Mai Hoa và Nguyễn Bá Toàn (lớp 8, Trường THCS Kỳ Sơn, phường Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình) nhặt được một chiếc ví, bên trong có 4 triệu đồng tiền mặt và một số giấy tờ tùy thân. Các em đã nộp cho tổ công tác Cảnh sát giao thông đang làm việc gần đó. Sau khi tiếp nhận, tổ công tác đã liên hệ tìm trả lại chiếc ví gồm toàn bộ giấy tờ và tiền mặt cho chủ nhân.
Những tấm gương điển hình trên là đại diện cho hàng nghìn, hàng vạn thiếu niên, nhi đồng trên mảnh đất Hòa Bình giàu bản sắc văn hóa và truyền thống, từng ngày vẫn luôn có những hành động tốt đẹp, thật thà như thế. Hôm nay là chiếc bút chì, cục tẩy em nhặt được trả lại cho bạn, ngày mai sẽ là ý thức đạo đức, nhân cách sống tốt đẹp của một người trưởng thành.
Để khích lệ phong trào "Nhặt được của rơi trả người đánh mất”, nhân rộng thêm những bông hoa nghìn việc tốt, các trường học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay như: biểu dương dưới cờ những học sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất; cộng điểm thưởng trong phong trào thi đua cho những lớp có học sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất… Qua đó, hành động đẹp này đã lan tỏa rộng rãi trong thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh. Những việc làm tốt đẹp này đã dần ăn sâu vào trong suy nghĩ, trở thành thói quen hàng ngày, là nền tảng vun trồng cho các em những đức tính tốt đẹp. Chọn cho mình các sống tử tế chính là hành trang vững chắc nhất cho những thiếu nhi đất Mường bước vào đời!
(Còn nữa)
Dương Liễu
Để hiện thực khát vọng đất nước thống nhất, cả triệu người con ưu tú ngã xuống, biết bao người bị địch bắt, tù đày. Giữa sự khốc liệt đó có những tình yêu đôi lứa với nhiều cung bậc cảm xúc.
Chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm cấp quốc gia chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những ngày tháng 4/2025, hàng chục máy bay chiến đấu hiện đại bay tập luyện chuẩn bị trình diễn, tiếng động cơ tiêm kích rền vang bầu trời phương Nam.
Để cắt đứt huyết mạch chi viện từ Bắc vào Nam, quân đội Mỹ điên cuồng oanh tạc, rải chất độc hóa học xuống Trường Sơn. Chúng cũng muốn Hà Nội "trở về thời kỳ đồ đá".
Ròng rã những năm kháng chiến cho khát vọng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất, trên khắp quê hương đâu đâu cũng là những hố bom, mảnh đạn.
Giữa núi rừng Việt Bắc, nơi từng là cái nôi của cách mạng, có một mái trường đặc biệt mà tên tuổi đã đi vào lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam như một mốc son lịch sử - Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đây không chỉ là nơi đào tạo lớp phóng viên đầu tiên của nền báo chí cách mạng, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, của khát vọng truyền thông vì dân tộc, vì Tổ quốc.
Xung phong đi bộ đội khi còn rất trẻ, lúc vừa tròn 18 tuổi. Vào chiến trường, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường B5 - Bình Trị Thiên khói lửa và là một trong những người lính cuối cùng rút khỏi thành cổ Quảng Trị sau 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt... Người mà tôi muốn nói ở đây là cựu chiến binh Vũ Duy Tôn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh. Trở về sau cuộc chiến, dù trên cương vị công tác nào hay trong cuộc sống đời thường, ông vẫn luôn thắp sáng ngọn lửa truyền thống, khí tiết của một người lính từng chiến đấu và trở về từ tuyến lửa...