Dù trời mưa nhưng bà con xóm Cạn 2, xã Xuân Phong (Cao Phong)  vẫn ở lại xem hết phim mới về.

Dù trời mưa nhưng bà con xóm Cạn 2, xã Xuân Phong (Cao Phong) vẫn ở lại xem hết phim mới về.

(HBĐT) - Trong màn đêm dần buông, dọc những đường mòn bên sườn núi, ánh đèn pin soi đường cho những đôi chân quanh năm quẩn quanh với ruộng vườn. Từ các ngả đường, người dân xóm Cạn 2, xã Xuân Phong (Cao Phong) đổ về nhà văn hóa, nơi những người làm chiếu bóng thuộc Trung tâm Điện ảnh Băng hình tỉnh chiếu phim phục vụ.

 

Đưa phim về bản

 

Biết tin cán bộ Trung tâm Điện ảnh Băng hình tỉnh về chiếu phim, người dân xóm Cạn 2, mừng lắm. Từ người già cho đến trẻ nhỏ đã hẹn nhau từ lúc trời chiều chưa kịp tắt nắng. Những tiếng í ới gọi bạn nhanh chân về trung tâm xóm Cạn 2 xem chiếu bóng. Với người dân vùng khó khăn nơi đây, mỗi lần được xem phim là một lần như đi dự lễ hội.

 

Vào mùa lạnh, trời vùng núi cao như Xuân Phong dường như tối sớm hơn. Chưa đến 6 giờ chiều nhưng bóng tối đã dần bao phủ khắp xóm, bản. Chị Bùi Thị Sen, xóm Cạn 2 tranh thủ nấu cháo cho đứa con 3 tuổi. Xong xuôi, một tay chị cầm chiếc ghế hàng ngày vẫn ngồi băm chuối, một tay bế con nhỏ cùng túi cháo lủng lẳng đến lệch cả sườn theo lối mòn vượt dốc lên nhà văn hóa xóm gần đó. Chị Sen hồn nhiên: Chẳng mấy khi các anh chiếu bóng về xóm nên phải vừa tranh thủ xem phim, vừa cho con ăn.

 

Tận dụng ánh sáng đèn pin từ vài cháu nhỏ soi dọc theo lối mòn, khấp khểnh leo bộ bở hơi tai, cuối cùng, chúng tôi cũng có mặt tại nơi những người chiếu bóng chuẩn bị cho những bộ phim tài liệu, phim truyện trình chiếu cho bà con xóm Cạn 2 thưởng thức. 7 giờ tối, bà con đã tập trung dễ có đến vài trăm người tại sân nhà văn hoá. Trong đó, nhiều người ở tận các xóm Cạn 1 cách mấy km chẳng biết được ai thông tin cũng đến bằng được để xem. Mọi người đang xem trời lại đổ mưa lâm thâm. ấy vậy, từ người già cho đến trẻ nhỏ vẫn chẳng ai bỏ về. Một số người cẩn thận đã mang theo ô cũng như áo mưa, nhưng đa số người dân nơi đây mặc cho đầu ướt vẫn chăm chú xem phim.

 

Đợt phim lần này, Trung tâm Điện ảnh Băng hình trình chiếu khắp các địa bàn trong tỉnh khá nhiều phim phục vụ bà con như: phim tài liệu qua miền Tây Bắc; phim kỷ niệm 50 năm đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, xứng danh anh hùng... Ngoài ra còn nhiều thể loại phim thiếu nhi, ca nhạc nội dung mang đậm chất nhân văn được bà con hồ hởi đón nhận.

 

Ông Bùi Đức Dục, Bí thư chi bộ xóm Cạn 2 cho biết: Dù cách trung tâm huyện khoảng 7 km nhưng bao năm nay, cả 2 xóm Cạn 1 và Cạn 2 đã có điện đâu, người dân chỉ biết trông chờ vào điện nước nhưng phập phù lắm. Một năm chỉ có khoảng 8 tháng là dùng được điện nước, còn mùa khô, tất cả chịu chung cảnh thắp đèn dầu. Cũng may có các anh chiếu bóng mỗi năm về khoảng 2 lần, chúng tôi mới thấy đỡ tủi thân.

 

Nhọc nhằn “nghề” chiếu bóng

 

Đêm dần về khuya, khi bà con xem đến hết các bộ phim mới kéo nhau ra về cũng là lúc chúng tôi ngồi quây quần cùng các anh trong đội chiếu bóng Cao Phong bên mâm rượu còn thơm hương rừng nhà Trưởng thôn Cạn 2 chiêu đãi. Tâm sự với các anh mới biết thêm về những gian truân của nghề này. Gần 30 năm miệt mài với nghề chiếu bóng, anh Tô Ngọc Thịnh, đội chiếu bóng lưu động Cao Phong đã hoạt động khắp các bản, làng vùng khó khăn trong tỉnh. Mỗi lần đi chiếu phim phục vụ người dân, ngoài máy móc nặng hàng chục kg, anh em trong đội phải gồng gánh thêm cả máy phát điện, xăng dự trữ vượt đèo, lội suối đến với các bản làng vùng khó khăn. Đến như xe máy, các anh cũng phải chọn các loại xe gầm thật cao để khi đi vào đường trơn, lầy còn chở đồ chiếu phim đến được nơi phục vụ.

 

Khi được hỏi vất vả như vậy, lương tháng được bao nhiêu? Mọi người đồng thanh chỉ vào anh Nguyễn Mạnh Hùng, công tác tại đội chiếu bóng Cao Phong có thâm niên đến nay đã tròn 36 năm. Anh Hùng cười gượng gạo: Sắp hết năm 2011, anh và các đồng nghiệp trong các tổ chiếu bóng lưu động vẫn còn hưởng mức lương tối thiểu 730.000 đồng . Với thâm niên cao như anh Hùng, tổng thu nhập mỗi tháng, trong đó bao gồm cả xăng xe máy cũng chỉ trên 2 triệu đồng.

 

Góp thêm vào câu chuyện, anh Tô Ngọc Thịnh tiếp tục trải lòng: Làm nghề này phải có lòng say mê. May mà mình có bà vợ giáo viên trường Sư phạm, tiền lương và dạy thêm của bà ấy cũng được từ 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng chứ trông chờ vào đồng lương của mình nuôi thân cũng chẳng xong. Anh Thịnh cho biết thêm: Làm ở Cao Phong như anh còn hạnh phúc chán. Các đồng nghiệp anh ở các huyện như Mai Châu, Đà Bắc, mỗi khi đi chiếu phim còn cực khổ hơn nhiều. Thế nên nhiều người làm nghề này đều phải kiếm việc làm thêm như chăn nuôi, có người còn tranh thủ chạy cả xe ôm để tăng thêm thu nhập.

 

Tuy nhiên, hỏi thêm mới biết, việc làm thêm của các anh cũng chỉ được chăng hay chớ bởi nhiều khi đi chiếu bóng ở nơi xa là các anh đều phải ngủ qua đêm ở đó và cam chịu cảnh giá rét, gió mưa, xa gia đình để kịp ngày mai sớm chuyển sang địa bàn khác. Cũng may, làm cái nghề này đến đâu các anh cũng được cán bộ ở xóm, xã nhiệt tình giúp đỡ. Dù khó khăn đến đâu nhưng thấy bà con vui, háo hức, phấn khởi là các anh cảm thấy hạnh phúc như  tiếp thêm niềm đam mê, nghị lực mà quên hết mệt nhọc.

 

Anh Trương Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Điện ảnh Băng hình tỉnh cho biết thêm: Mỗi năm, Trung tâm phục vụ trên 1.000 buổi chiếu phim lưu động tại các địa bàn vùng 3 trong tỉnh. Hiện, Trung tâm có 7 đội chiếu bóng lưu động với hơn 20 cán bộ, phục vụ cho khoảng gần 140.000 lượt người xem mỗi năm. Những người làm nghề chiếu bóng hiện nay không phải viên chức trong biên chế như nhiều tỉnh, thành khác và cũng không phải diện hợp đồng 68. Vậy nên lương bao năm rồi vẫn kiểu ăn khoán, người thâm niên cao nhất cũng chỉ trên 2 triệu đồng/tháng.

 

Trong màn đêm sâu thẳm của núi rừng Xuân Phong, dưới ánh lờ mờ của đèn điện nước, trên gương mặt người làm nghề chiếu bóng lưu động, những vết nhăn ngày càng hằn sâu theo năm tháng nhưng những nụ cười vẫn toát lên vẻ hồn nhiên, vô tư. Dù khó khăn đến đâu, phần thưởng cao quý nhất đối với các anh, những người lính thầm lặng, tiên phong trên lĩnh vực văn hoá chính là được đồng bào luôn trân trọng, yêu mến. Dù vậy, tận sâu thẳm trong tâm hồn, các anh vẫn mong những đặc thù về công việc của mình sẽ sớm được các ngành chức năng trong tỉnh thấu hiểu, có những động thái cụ thể, kịp thời giúp cho đời sống những người làm chiếu bóng phần nào vợi bớt khó khăn.

 

 

                                                                             Hồng Trung

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục