Công an xã Hiền Lương (Đà Bắc) đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động  để ngăn chặn tình trạng người dân xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc.

Công an xã Hiền Lương (Đà Bắc) đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động để ngăn chặn tình trạng người dân xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc.

(HBĐT) - Đời sống kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định, cả tin theo những lời hứa hẹn, gần 50 người dân huyện Đà Bắc đã lén lút xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi: công việc không phù hợp, lương thấp, bị giữ thu nhập, sống nơm nớp trong lo sợ vì có thể bị Công an Trung Quốc bắt giữ bất cứ lúc nào... Vỡ tan giấc mộng đổi đời, họ cuống quýt tìm đường trở về nước với hai bàn tay trắng.

 

Khấp khởi ra đi - cay đắng trở về

 

Phải rất khó khăn chúng tôi mới tiếp cận được với những người dân xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc vừa trở về nước. Một phần trong số đó e ngại vì đã trót dại mất công, mất tiền nên không muốn nhắc lại chuyện cũ nhưng đáng nói là bên cạnh đó có một số người không muốn hé lời vì vẫn đang hy vọng sẽ có đợt xuất cảnh mới với mức lương cao hơn. Nhờ lực lượng công an xã Hiền Lương giới thiệu, chúng tôi tới thăm hộ gia đình bà Nguyễn Thị L. (xóm Ké, xã Hiền Lương). Bà L. cùng con là Nguyễn Thu H. cùng xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc từ giữa năm 2012 và đã phải quay trở về nước cách đây hơn 1 tháng. Bà L. kể lại: “Qua điện thoại, mẹ con tôi được cô Hoàn (là người làm dâu ở xóm Ké, hiện đang sống ở Trung Quốc - PV) rủ sang Trung Quốc làm việc với  mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Mẹ con tôi tự đi từ đây đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), sau đó sẽ có người đón và đưa sang Trung Quốc để bố trí việc làm. Chúng tôi không phải làm bất cứ thủ tục, giấy tờ gì. Chi phí đón từ cửa khẩu, đưa sang Trung Quốc và bố trí việc làm cho mỗi người là 4 triệu đồng. So với đi xuất khẩu lao động ở các nước khác, như thế là quá rẻ mà lương cũng được, ở nhà không có việc gì làm ra tiền nên cả hai mẹ con tôi đã quyết định cùng đi. Nhưng khi mẹ con bà L. cũng như những người dân khác sang đến nơi, thực tế diễn ra không đúng như lời hứa hẹn.

 

Qua lời kể của những người trở về, công việc của họ khi sang Trung Quốc là làm công nhân trong các nhà xưởng may mặc, đóng giày... Ngoài công việc không phù hợp, vất vả, thu nhập không ổn định, mỗi tháng những người đi theo đường dây của cô Hoàn đều bị cô ta giữ lại từ 1-2 triệu đồng/tháng. Do đó, đồng lương còn lại chủ đủ cho ăn, tiêu. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đối với những người xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc là tâm trạng lo sợ nơm nớp vì có thể bị cảnh sát Trung Quốc kiểm tra, bắt giữ bất cứ lúc nào.

 

Chị Đinh Thị H. (xóm Ké, xã Hiền Lương) nhớ lại: Sống ở bên đó, vừa làm việc, vừa trốn, vừa sợ vì không có hộ chiếu, giấy tờ. Đã có nhiều người xuất cảnh trái phép như chúng tôi bị Công an Trung Quốc bắt giữ. Bị đưa đi xét nghiệm máu, lấy dấu vân tay, lấy lời khai và giam giữ. Mình không biết tiếng, không biết đường đi lối lại, quy định pháp luật nên ai cũng sợ bị bắt, bị tù ở bên ấy, không về được. Thêm vào đó là lương thấp, bỏ ra chẳng được bao nhiêu nên chúng tôi đành rủ nhau quay về. Khi quyết định bỏ về Việt Nam, các chị phải tự lần mò tìm đường đi. Đa số đều trở về qua cửa khẩu Lạng Sơn và khi về đến nhà thì trong túi hết sạch tiền. Mất tiền, mất công, thậm chí mang nợ vì phải vay tiền để đi nhưng đành ngậm đắng, chẳng biết kêu ai!

 

Cần nâng cao nhận thức, cảnh giác cho người dân

 

Số liệu thống kê sơ bộ của Công an huyện Đà Bắc cho thấy từ khoảng giữa năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện Đà Bắc có khoảng 45 người (ngoài ra còn một số người đi làm ăn xa không rõ địa chỉ - PV) xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc. Số người này chủ yếu là ở hai xã Hiền Lương và Tu Lý. Đến nay đã có 22 người quay về, hiện còn khoảng hơn 20 người vẫn đang làm việc bên Trung Quốc. Nhóm người ở xã Hiền Lương đi theo đường dây của đối tượng tên là Xa Thị Hoàn (xóm Ké, xã Hiền Lương). Nhóm người ở xã Tu Lý đi theo đường dây của đối tượng tên Thuý (trú ở xóm Đan Phượng, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn).

 

Qua tìm hiểu được biết, những người xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc chủ yếu ở lứa tuổi lao động từ 25 - 45. Họ không có việc làm, thu nhập ổn định; một số người đã từng đi xuất khẩu lao động trở về. Tin vào lời hứa hẹn của đối tượng Hoàn và Thuý, họ đã bỏ ra từ 4 - 6 triệu đồng để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc với mong muốn có việc làm với thu nhập cao.

 

Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Xa Văn Mẫn, Phó Công an huyện Đà Bắc cho biết: Lợi dụng trình độ dân trí thấp, sự thiếu hiểu biết của một số người dân, đối tượng Hoàn và Thuý đã vận động họ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc. Khi thất bại trở về, họ rơi vào hoàn cảnh nợ nần, nhiều gia đình vợ chồng ly tán. Trước thực tế này, lãnh đạo Công an huyện Đà Bắc đã cử cán bộ nắm địa bàn, tìm hiểu tình hình và kịp thời triển khai các biện pháp đấu tranh ngăn ngừa. Trong đó, quan trọng nhất là tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cảnh giác cho nhân dân để chấm dứt hiện tượng đáng lo ngại này.

 

Theo nhận định ban đầu của lực lượng công an, đây là hiện tượng xuất cảnh lao động trái phép nhưng có thể là mầm mống dẫn đến việc lừa đảo, buôn bán người. Hiện nay, tuy chưa thấy có phản ánh về hiện tượng người dân sang Trung Quốc lao động bị đánh đập, lừa đảo nhưng đó là nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra. Xuất cảnh lao động trái phép, không qua các thủ tục theo quy định của pháp luật, không được Nhà nước bảo hộ, người lao động phải đối mặt với nhiều rủi ro khi làm việc ở Trung Quốc. Do đó, chính quyền địa phương các cấp, ngành cần quan tâm nắm bắt tình hình, kịp thời có những động thái tuyên truyền vận động mạnh mẽ để chấm dứt hiện tượng đáng lo ngại này, tránh những hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra.

 

 

                                                                       Dương Liễu

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục