Theo đó, phòng Tư pháp huyện Cao Phong phát huy tốt vai trò tham mưu cho UBND huyện tập trung thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để đưa thông tin pháp luật đến với người dân, để người dân được tiếp cận các văn bản, chính sách, pháp luật và sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình như xây dựng, củng cố mạng lưới hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong tiếp cận pháp luật để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp; đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật, phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, từng bước hình thành ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật của các tầng lớp nhân dân.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, thời gian qua, phòng Tư pháp huyện Cao Phong tham mưu UBND huyện xây dựng và ban hành kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL theo từng năm. Trong đó, năm 2017, phòng tham mưu cho UBND huyện xây dựng, ban hành kế hoạch về tuyên truyền, PBGDPL năm 2017; kế hoạch về thực hiện "Ngày pháp luật”. Đồng thời, phòng Tư pháp huyện chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện; UBND các xã, thị trấn trong việc TTPBPL đến các tầng lớp nhân dân, tích cực đưa pháp luật vào đời sống.
Đồng chí Nguyễn Thị Nhung cho biết thêm: Để công tác tuyên truyền, PBGDPL có chất lượng cao cũng như tạo sự lan toả sâu rộng trong đời sống xã hội, phòng Tư pháp huyện đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thường xuyên kiện toàn, củng cố đội ngũ báo cáo viên cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL qua hệ thống loa phát thanh tại các xóm và khu dân cư. Nhờ vậy, từ đầu năm đến hết tháng 9/2017, toàn huyện tổ chức thực hiện được 17 lượt tuyên truyền, PBGDPL, các văn bản pháp luật về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho trên 1.600 lượt người. Trong đó, tập trung tuyên truyền các văn bản, hệ thống pháp luật như: Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường...
Cùng với đó, để người dân có điều kiện tiếp cận, tuân thủ thực hiện các chính sách, pháp luật ngay từ cơ sở, huyện Cao Phong duy trì hoạt động có hiệu quả 7 CLB trợ giúp pháp lý tại các xã có nhiều vướng mắc nảy sinh trong hoạt động quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực: quản lý đất đai; quản lý, bảo vệ rừng; vi phạm hành lang giao thông... Trong 9 tháng năm 2017 có gần 1.000 lượt người ở các xóm điều kiện khó khăn như Tiến Lâm 1, Tiến Lâm 2 (xã Bắc Phong), Nà Bái (xã Dũng Phong); Quáng Trong, Quáng Ngoài (xã Đông Phong) được trợ giúp pháp lý.
Đồng chí Nguyễn Thị Nhung cho biết thêm: Nhận thức pháp luật của người dân ở huyện Cao Phong thời gian qua được nâng lên đáng kể. Điều đó được thể hiện ở chỗ có nhiều vụ việc khó xảy ra ở các địa bàn khu dân cư được hoà giải thành. Trong đó có những vụ việc nếu không được hòa giải kịp thời có thể sẽ dẫn đến những vụ phạm pháp hình sự một cách đáng tiếc. Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, 124 tổ hòa giải trong toàn huyện đã tiếp nhận và giải quyết 27 vụ việc. Trong đó nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai và hôn nhân gia đình được các hoà giải viên hòa giải thành công. Qua đó góp phần đảm bảo, giữ vững an ninh nông thôn. Phát huy quyền và lợi ích hợp pháp của công dân tại cơ sở; phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, tạo sự đồng thuận của cán bộ, nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc về hành chính tư pháp; thực hiện dân chủ ở xã, phường đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Mạnh Hùng