(HBĐT) - Trời lạnh, khởi hành trên những chiếc xe máy có lẽ không phải là lựa chọn của phái nữ, nhưng đó là một sự lựa chọn thú vị nếu điểm đến của chuyến đi là rừng. Băng qua phố thị ồn ào, qua những cung đường quen thuộc và sau đó là băng qua đường dốc quanh co với sương mù và gió buốt, lên đến lưng chừng núi Ngọc Sơn (Lạc Sơn), chúng tôi ồ lên thích thú. Từ trên cao nhìn xuống mây trắng từng mảng lớn vo tròn hoặc co duỗi đuổi nhau trên những ngọn núi nhỏ xanh rì phía dưới. Ruộng mía, nương ngô vuông vắn như những ô cờ. Hồ, ao lớn nhỏ được bao viền bởi những hàng cây, bờ tre mướt xanh. Cảnh đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình.

 

Qua Ngọc Sơn, chúng tôi đi về Ngọc Lâu. Ngọc Lâu khá bằng phẳng. Nhà sàn nằm lưng chừng đồi, nhà sàn nằm giữa vạt dong giềng, nhà sàn nép bên vách núi. Lần hồi chúng tôi cũng tìm được cái giếng Thần ở bản Khộp. Trước khi đến đây, tôi đã vào mạng tìm hiểu về Ngọc Lâu và biết đến giếng Thần nhưng trong thâm tâm thực lòng tôi cũng không tin. Gặp một cụ già cởi trần bên giếng, vục từng xô nước dội lên người. Cụ giải thích hồn nhiên rằng, chẳng có thần thánh gì đâu, chỉ có điều là giếng chẳng bao giờ cạn, nước phun từ cái mạch ngầm nằm dưới một khúc gỗ giữa lòng giếng và bà con ở đây khi tắm thường trút bỏ hết váy áo nên gọi là tắm tiên chứ không có tiên đâu. Tôi bụm miệng cười và thầm nghĩ về sự chất phác đáng kính của người miền núi.

 

Với sự chỉ dẫn của dân bản, chúng tôi theo con đường chạy giữa hai vách núi sang xã Tự Do. Lâu lâu trên đường mới gặp một chiếc xe máy của người dân đi qua. Rừng tiếp rừng, miên man, ngút ngàn vẫn vẳng nghe tiếng mõ trâu lốc cốc biết là có làng, có bản. Chúng tôi phải pha trò, cười nóng cả người để quên đi con đường mấp mô những đá và đá. Có lẽ cái cách chỉ đường của dân bản khiến con đường xa bỗng hóa gần. Họ không dùng ki-lô-mét mà chỉ ước chừng bằng “một đoạn”,“một quãng”,“một lúc”,“một lát” nên chúng tôi cứ đi, cứ đi mà không có cảm giác sốt ruột, mệt mỏi. Sang chiều, trời nắng. Nắng xuyên vách núi, xuyên vòm cây, xuyên kẽ lá. Núi rừng đẹp huyền ảo với những mảng sáng tối đan xen. Trong cái đẹp nồng nàn của đất trời có cái nồng nàn của tình người xứ Mường. Hai cô gái trẻ hổn hển đẩy xe trên đá. Xe hết xăng. Trở lại cũng xa, đi tiếp chẳng gần. Chúng tôi vừa dừng xe hỏi thăm đã bắt gặp một người dân khác cũng dừng lại. Không nói, không rằng, người đàn ông tốt bụng ấy rút ống dẫn xăng lấy đầy một chai đưa cho hai cô gái rồi nổ máy đi không kịp nhận lời cảm ơn. Một nghĩa cử đẹp mà mộc mạc, chân chất dễ thương như vẻ đẹp của núi rừng hoang sơ vậy.

Chúng tôi gửi xe ở nhà dân rồi đi bộ xuống thác Mu. Ngọn thác mùa khô đẹp lạ thường. Sau một đoạn đi bộ nóng người, gặp thác nước cảm giác mát lạnh và thư thái cực kỳ dễ chịu. Chúng tôi dừng lại khá lâu bên thác Mu vì nó đẹp vẻ đẹp tự nhiên hiếm gặp và còn vì nó như làm mềm gót chân người lữ thứ sau một chặng dài đá núi cheo leo.

 

Trở lại Ngọc Lâu để đi sang Tân Mỹ, đường đi được người dân khuyến cáo là rất gian nan, song chúng tôi vẫn quyết tâm. Tôi khích lệ mọi người bằng câu chuyện của một cậu em nhà ở Mường Lọt, xã Tân Mỹ. Cậu em có khuôn mặt điển trai và nụ cười rất sáng, một lần hóm hỉnh nói với tôi: “Mời chị có dịp thì ghé thăm Lọt City quê em, em sẽ chiêu đãi chị món đặc sản “chiken văng chua” (gà nấu măng chua). Lên Lọt City chị chỉ cần nhón gót chân là với tay tới trời”. Rõ ràng là mọi người bị kích thích bởi câu chuyện của tôi nên nhanh chóng quyết định chọn con đường chông gai để đến xã cuối cùng của huyện Lạc Sơn nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Đường đi khó nhưng cảnh đẹp hút hồn.

 

Trước mặt chúng tôi, những dãy núi đá vôi trùng trùng, điệp điệp. Có cả những bãi đất bằng phẳng rộng tít tắp mùa này chỉ sót lại những thân ngô khô nhưng đủ để hình dung rằng ở một thời điểm nào đó đây là nương ngô ngút ngàn xanh mướt trù phú. Cậu em đón chúng tôi bằng nụ cười sáng cả bóng chiều chạng vạng đang xuống rất nhanh. Chúng tôi được đón lên sàn và ùa vào quanh bếp lửa. Bố mẹ cậu em còn khá trẻ, cậu lại vừa cưới vợ, trên khuôn mặt ai ai cũng chan chứa niềm hạnh phúc mới. Đôi tay cô gái Mường khéo léo lật dở những ống cơm lam đang được nướng trên bếp than. Tôi bấm cô bạn gái đi cùng chỉ tay lên mũi ra hiệu: Món “chiken văng chua” đã sẵn sàng. Nồi keng được vùi lưng nửa trong tro nóng cạnh bếp để măng thật nhừ. Lát nữa có thêm hạt dổi dậy mùi thơm lừng ấm nóng. Mâm cơm bên bếp lửa nhà sàn ấm cúng. Ngoài món “chiken văng chua” còn có thêm đĩa rau tập tàng đồ chấm với lòng cá, cá trộn rau thơm gói lá dong đồ, cua núi hấp sả chấm muối trắng hạt tiêu. Cậu em hóm hỉnh: “ở Tân Mỹ, Mường Trội là nơi cao nhất. Nơi đó không phải nhón gót, chỉ cần với tay là tới trời”. Cả nhà cười ngả nghiêng.

 

Đêm, ngả lưng, duỗi chân trong chăn, đệm, gối thổ cẩm ấm áp, bên bếp lửa ánh hồng than củi, nhớ câu nói đùa của cậu em, tôi thích thú nghĩ: Mình đang ở đây, nơi đất và trời giao thoa. Tuyệt quá còn gì! Và tôi hiểu vì sao, dù cậu em thoát ly công tác ở thành phố đã lâu mà vẫn về quê lấy vợ và chịu khó hàng tuần vượt 70 km đường, trong đó có đến 5 - 6 km đường dốc đá để về nhà. Tình cảm với quê hương là một thứ tình cảm hết sức đặc biệt. Để rồi cả những khó khăn cũng được thi vị hóa trở nên thân thiết và đáng yêu nhường nào.

 

Sáng hôm sau, chúng tôi xuống núi. Ngoài mấy bản vùng khó khăn, địa bàn Tân Mỹ khá bằng phẳng. Đồi trẩu, rừng keo nối nhau trên những triền dốc thoai thoải, ruộng bãi trải dọc đôi bờ sông Bưởi khiến tôi nhớ da diết tuổi thơ mình gắn bó với Hòa Bình quê hương thứ hai của tôi. Dừng xe trên cầu treo bắc qua sông Bưởi, tôi nhớ người bạn gái rất thân nhà ở thị trấn Vụ Bản. Hồi còn đi học, cô ấy cứ thao thao bất tuyệt kể về dòng sông quê mình. Khi đó tôi chưa đến Lạc Sơn bao giờ nên cứ nghĩ dòng sông ấy chắc đẹp lắm. Rồi hè năm đó tôi theo bạn về Lạc Sơn, ra ngầm đập tràn ngắm guồng nước và sông Bưởi đoạn chảy qua thị trấn Vụ Bản, buột miệng tôi so sánh với sông Đà khiến bạn tôi không khỏi hụt hẫng. Giờ đứng đây nhìn xuống, ngắm cậu bé thong dong trên lưng trâu, ngắm lòng sông hẹp, mùa này nước nông nhưng bờ lõm vòm nước biếc xanh như thể sâu lắm, tre rủ bóng soi mình tư lự; con sông uốn mình len lỏi qua miền đất Lạc Sơn được kết tụ bởi hàng trăm con suối nhỏ như tình yêu thương chắt chiu nồng đượm trong hạt phù sa cho mùa màng tươi tốt, mới hiểu điều gì đã nuôi dưỡng tình yêu và niềm tự hào không tên gọi trong lòng bạn tôi, nhỏ bé mà chẳng gì có thể sánh bằng, huống nữa sông Bưởi đẹp nhường kia, nên thơ nhường kia. Bất giác, tôi ước có ngày được chèo mảng dọc sông Bưởi và mong dù cây cầu lớn kiên cố nối đôi bờ sông đoạn qua xã Tân Mỹ đã hoàn thành thì chiếc cầu treo này vẫn được giữ lại  cho ấm lòng khi nghĩ về những điều giản dị mà nghĩa tình của đất và người nơi đây.

 

                                                              Ghi chép của Lê Thanh Hồng

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục