(HBĐT) - Mẹ đặt tên chị là Nhàn, còn tên tôi là Hương. Nhàn là nhàn hạ, an nhàn. Hương là hương thơm, tỏa hương cho đời. Mẹ muốn hai chị em tôi sau này đều được sung sướng, không phải lặp lại cuộc đời cơ cực, bất hạnh như mẹ. Mẹ bảo, dù khổ thế nào, mẹ cũng sẽ cho hai chị em tôi đi học như người ta. Trước là để biết cái chữ. Sau nữa là để sống có ích, để không bị người đời coi thường. Mùa nào việc ấy. Khi mót lúa, mót khoai; khi mò cua, bắt ốc; khi lại kéo tép, tát cá. Mẹ có thể nhịn đói, có thể ăn khoai, ăn sắn chứ nhất định không để chị em tôi thiếu bữa cơm trắng. Hai chị em tôi cứ thế lớn lên từ đôi bàn tay chai sần, đen đúa của mẹ. Nhưng rồi… khi chị Nhàn lên 9, tôi lên 7, mẹ đã đột ngột ra đi giữa một ngày mưa tầm tã ngoài đồng. Thương mẹ, chị em tôi khóc cạn nước mắt. Nắm tay tôi, giọng chị khản đặc:

- Chị… sẽ thay mẹ chăm sóc em!

Chị Nhàn có mái tóc dài và rất mượt. Chị thường cột gọn nó bằng sợi dây thun nhỏ. Từ nhỏ, chị đã học giỏi lại biết làm đủ mọi việc trong nhà giúp mẹ. Chị nói với tôi, sẽ làm công việc của mẹ đã từng làm, sẽ không để tôi phải bỏ học giữa chừng.

- Nhưng chị học giỏi hơn em. Chị nên đi học tiếp. Còn em, em sẽ không học nữa đâu.

- Không được. Em phải học. Đợi khi nào em học xong, có công việc ổn định, chị sẽ xin học lại vẫn chưa muộn. Tôi nghe lời chị và tiếp tục đến trường.

- Em ăn đi, ăn nhiều vào có sức mà học! Tháng ba ngày tám, bữa cơm chỉ toàn khoai trộn. Chỉ có lưng chén cơm trắng chị cẩn thận lọc ra dành cho tôi.

- Còn chị, sao chị có thể ăn khoai mãi được?

- Chị thích ăn khoai hơn. Ăn cơm trắng ngán lắm... Tôi lặng nhìn chị. Tôi biết chị nói dối. Những lần khác cũng vậy. Chị mua cho tôi cái áo mới còn chị thì mặc áo vá lia chia. Chị bảo, em đi học nên cần có áo mới, chị ở nhà mặc áo vá không sao cả. Có mớ cá bắt được ngoài đồng kho làm thức ăn, chị cũng lựa phần thịt gắp hết cho tôi. Chị cười, nói chị thích ăn đầu và đuôi cá. Ngon lắm! Cứ như thế, chị nhường cho tôi tất cả những gì tốt đẹp nhất.

Tôi học lên cấp ba rồi vào đại học, chị vẫn cặm cụi làm bạn với đồng làng, với cua, với hến. Đôi tay chị vốn gầy gầy xương xương giờ lại thêm nhiều vết trầy xước; khuôn mặt trắng trẻo ngày nào giờ sạm đen, lỗ chỗ chấm tàn nhang, đồi mồi. Mấy ngày nghỉ lễ, tôi về nhà và không quên mua tặng chị chiếc kẹp tóc. Đó là món quà đầu tiên tôi tặng chị vì nghĩ nó hợp với mái tóc dài của chị. Tôi mua nó từ số tiền tiết kiệm hàng ngày chị gửi cho. Tôi háo hức nghĩ đến khoảnh khắc nhìn thấy nó, chị sẽ ngạc nhiên và thích thú đến nhường nào. Nhưng… Vừa thấy chị, tôi đã ngỡ ngàng. Mái tóc dài đến tận gót chân của chị bỗng nhiên đã bị cắt ngắn cũn từ lúc nào.

- Sao chị lại cắt đi mái tóc? Giọng tôi trở nên hụt hẫng.

- Chị đổi ý rồi. Giờ chị thích tóc ngắn thế này hơn. Chị xem trên ti vi người ta bảo cắt tóc ngắn nhìn sẽ trẻ trung hơn. Nói rồi chị gượng cười quay đi. Còn tôi thì hiểu ra mọi chuyện. Không phải chị thích kiểu tóc ấy mà vì chị đã bán đi mái tóc để có tiền cho tôi nộp học. Nhớ tháng trước có đợt đi thực tế, cần một khoản tiền nộp, tôi gọi về nhà, chị bảo phải ráng hơn một tuần nữa mới có. Nhưng chỉ ba ngày sau, chị đã gửi đủ số tiền cho tôi cần nộp.

- Thì ra… Giọng tôi càng sụt sùi. Tôi chạy đến gục đầu vào lòng chị khóc như một đứa trẻ. Chiếc kẹp tóc, tôi lén cất giữ chờ tóc chị dài ra sẽ đem ra tặng lại.

Tôi ra trường và có công việc ổn định trên thành phố. Tôi đã hứa với lòng mình rằng sẽ chăm sóc, sẽ bù đắp cho chị khi tôi đã thành danh.

- Giờ em đã có việc làm, lương tháng cũng tạm ổn. Em có thể lo cho chị. Chị đừng đi mò cua bắt hến ngoài đồng vất vả nữa. Chị hãy tiếp tục đi học lại đi. Chị mỉm cười, nắm lấy tay tôi:

- Em chưa lập gia đình, chị vẫn chưa thể yên tâm. Còn chuyện học thì…

Ngày tôi lấy chồng, chị khóc rất nhiều. Chị bảo mừng cho tôi nên chị khóc. Tôi bàn với chồng năn nỉ chị lên thành phố ở cùng. Chị xua tay từ chối, nói không quen với cuộc sống thị thành. Thực ra, chị không muốn phiền hà, cũng không muốn trở thành gánh nặng cho tôi nên mới nói vậy. Tôi hiểu nên không nhắc chuyện ấy nữa. Tôi giục chị tính chuyện chồng con. Chị ậm ờ:

- Ngần tuổi này, ai dám yêu thương chị. Vả lại, chị… Tôi biết, trong cái bỏ lửng ấy là sự mặc cảm, tự ti về bản thân của chị.

- Nhưng… chị không thể vì em mà sống một mình cả đời như thế này được. Chị gượng cười:

- Hồi bà ngoại, rồi mẹ chúng ta cũng vậy, rồi cũng qua.

- Nhưng bà và mẹ ngày xưa vì quá nghèo khổ nên mới thế. Còn chị… bây giờ có em, em sẽ lo cho chị. Vòng tay ôm lấy chị, nước mắt tôi rơi lã chã.

Một ngày, chị kể cho tôi nghe về anh, người từ lâu đã thương chị và chị cũng thương anh. Anh tên Tân, người ở làng Bái Ân, hơn chị một tuổi. Anh mồ côi cha mẹ, ở với gia đình dì ruột. Công việc hàng ngày của anh là thả lưới bắt cá, phụ giúp vợ chồng dì lo bữa hôm bữa mai. Mấy lần chị gặp anh ngoài đồng. Ban đầu hai người chỉ chào hỏi mấy câu. Dần dà, tình cảm anh dành cho chị ngày một nhiều. Anh ngỏ lời muốn chung sống với chị. Thấy chị im lặng, anh hiểu chị còn lo cho em gái nên không đề cập chuyện cưới hỏi nữa.

- Bây giờ, chị hãy đồng ý lời đề nghị của anh ấy đi!

- Chờ đợi suốt một thời gian dài, chị không trả lời, nghe đâu anh ấy đã lên thành phố tìm việc làm. Cũng gần một năm rồi, chị không còn gặp anh ấy, cũng chẳng có liên lạc gì nữa. Chắc anh ấy... Giọng chị chùng xuống. Còn tôi, tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó.

- Nhàn!

- Anh Tân!

- Em… em vẫn chờ anh chứ?

- Em… Chị tôi bẽn lẽn, hai má ửng hồng khi đặt trọn bàn tay mình trong bàn tay anh. Rồi họ cùng nhau bàn chuyện đám cưới. Mãi sau này, tôi mới tiết lộ cho chị biết rằng vợ chồng tôi đã nhờ người hỏi thăm và tìm đến nơi anh Tân đang làm việc. Tôi muốn chị được hạnh phúc để bù đắp cho những tháng ngày chị đã hy sinh, vất vả vì tôi.

Ngày cưới, chị mặc bộ áo dài truyền thống, đầu đội khăn xếp. Không phấn son, trang điểm nhưng chị vẫn đẹp mặn mà. Mắt chị lệ nhòa khi được anh trao nhẫn cưới. Hạnh phúc ngập tràn khiến chị chẳng nói nên lời. Tôi đứng bên nắm chặt tay chị, rưng rưng niềm vui sướng xen lẫn yêu thương…

Truyện ngắn của Lê Thị Xuyên

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục