Truyện ngắn của Trương Thị Thúy

Bà Liên ngồi trầm tư bên hiên nhà. Ánh nắng rực rỡ chiếu hắt cả vào chỗ bà. Bà nheo mắt nhìn ra sân. Lá, cây thuốc phơi trong mấy cái mẹt từ sáng tới giờ đã chuyển màu nhàn nhạt. Phơi thêm buổi mai nữa là khô cong, có thể cất đi được rồi. Ông ấy giờ này còn chưa thấy về, không biết đi đứng ra sao! Bà nghĩ vậy, sốt ruột ngóng ra ngoài ngõ. Bỗng có tiếng người nói ồn ào, hốt hoảng phía ngoài dốc rồi lại gần. Thằng Siêng cõng đứa con trên lưng, con vợ hớt hải chạy theo. Bọn họ chạy thẳng vào sân nhà bà. Ánh mắt bà nhanh chóng lướt qua con bé Búc đang oặt trên lưng cha, hiểu ngay sự tình. Bà nói dứt khoát:

- Đem nó vào đặt nằm xuống. Siêng múc cho con bé ca nước mát, cho nó uống. Hoa lấy cái khăn làm ướt đi để lau người cho nó.

Nói rồi bà nhanh chóng cởi bớt lần áo ngoài của Búc, xoa các huyệt khúc trì trên phía khuỷu tay, rồi lại xoa xuống huyệt thái uyên, đại lăng phía dưới cổ tay. Bà lần lên ngón tay út day bấm huyệt thiếu trạch, qua đầu ngón giữa ấn huyệt trung xung. Mỗi chỗ như vậy bà bấm chừng 36 lần. Con bé Búc dần dần tỉnh. Nhưng người nó vẫn mềm như sợi bún, chẳng có chút sức lực nào. Mặt nó đỏ gay, toàn thân vẫn nóng lên rần rật, mồ hôi túa ra như tắm. Bà Liên lấy ít bột sắn dây hòa cho nó uống, rồi bà nhìn hai vợ chồng Siêng đang lo lắng:

- Không sao rồi. Con bé bị cảm nắng thôi. Nghỉ ngơi ít ngày sẽ khỏe lại. Nói rồi bà Liên đi vào nhà trong, một lúc ra mang theo hũ nhỏ đưa cho Hoa, bà dặn:

- Cái này là bột sắn dây, mang về hòa cho con bé uống. Mỗi bữa hòa một thìa như vừa nãy bà hòa đấy. Để cho nó nghỉ ngơi thật khỏe, đừng có ra nắng khi còn đang yếu, bị quật xuống lần nữa là lâu hồi lắm!

Hoa đón lấy hũ bột sắn, rồi ngập ngừng. Bà Liên ý chừng đã đoán được điều Hoa muốn nói, bà xua tay:

- Bà cho đấy, không lấy tiền nong gì cả. Giờ hai vợ chồng bay còn ra làm thì để con bé nằm nghỉ ở đây, bà trông cho. Rồi chiều tối quay lại mà đón con bé về.

Bà Liên nhìn theo vợ chồng Siêng khuất dần phía con dốc. Ngoài trời, nắng vẫn chói chang. Bà cứ nheo mắt nhìn mãi về phía con dốc. Đôi khi ngồi một mình hay khiến người ta nghĩ ngợi vẩn vơ. Bà nghĩ đến những chuyện ngày xưa. Nếu nhà không quá nghèo, bà đã đi học và có thể đã trở thành một bác sỹ. Mẹ bà hay bị đau nhức khắp người, nhiều khi không thở được. Liên thương mẹ lắm và luôn mơ ước trở thành một bác sỹ để chữa bệnh cho mẹ và những người nghèo. Nhưng ngày đó, nhà bà nghèo quá, tiền mua thuốc cho mẹ còn chẳng có thì lấy đâu tiền học. Liên chỉ học được hết cấp hai là ở nhà phụ giúp bố mẹ, đi làm ruộng, làm rẫy.

Bữa đó, Liên đeo chiếc gùi lên rừng hái nấm. Đang lúi húi nhặt mấy cây nấm to thì Liên nghe có tiếng người nói đâu đó. Cô tò mò tìm theo tiếng nói thì gặp một người đàn ông đeo gùi đang đứng phía dưới cây xoan to nhìn lên. Trên cây, một cậu thanh niên chắc lớn hơn cô vài tuổi đang cố hái những dây lá bám ở cành cây. Cô ngước nhìn theo, hồi hộp. Cao thế kia, nhỡ trượt chân một cái, ngã xuống dưới là gãy xương. Cô không rời mắt khỏi cành cây cao có con người vắt vẻo trên đó cho đến khi anh này dứt hết mớ cây dây và xuống đất. Liên tò mò hỏi:

- Dây này làm gì vậy bác? Nó quý lắm sao mà phải leo tít lên ngọn cây hái?

- Làm thuốc cháu ạ! Đây là cây tầm gửi. Dùng để chữa bệnh đấy.

Liên nghe đến chữa bệnh thì mắt sáng lên. Cô cũng sẽ hái tầm gửi để chữa bệnh cho mẹ. Cô vội hỏi:

- Chữa như nào hả bác, cháu sẽ hái thật nhiều về để chữa cho mẹ cháu.

- Ấy, tùy loại bệnh và tùy loại tầm gửi mà chữa cháu ạ. Không dùng tùy tiện được. Có loại tầm gửi chữa bệnh được, nhưng có loại lại là độc, có hại. Không phải cây tầm gửi nào cũng dùng được đâu. Rồi ông nhìn vào gùi nấm của Liên, nói:

- Giống như cháu đi hái nấm cũng nên để ý, không phải cây nấm nào cũng dùng để ăn được. Có cây nấm ăn tốt cho sức khỏe, nhưng cũng có những cây nấm độc, ăn vào có thể mẩn đỏ, ngứa ngáy hoặc chết người…

Liên tròn mắt nghe tất cả những gì người đàn ông đó nói. Anh con trai đứng bên cạnh thấy vậy liền cười:

- Không phải ngạc nhiên thế đâu em. Một ông thầy thuốc cần phải biết những điều đó mới có thể chữa bệnh được chứ.

- Bác là thầy thuốc?

- Ừ!

- Anh có là thầy thuốc không?

- Anh đang học.

- Cháu cũng muốn học. Bác dạy cháu với nhé. Cháu muốn trở thành thầy thuốc để chữa bệnh cho mẹ cháu và mọi người.

Chỉ một lần tình cờ gặp mặt, những lời trò chuyện, năn nỉ vậy thôi mà Liên được nhận làm học trò của thầy. Liên học rất chăm, rất sáng dạ. Bao nhiêu cây thuốc Liên đều cố gắng ghi nhớ. Ba năm sau, Liên tròn 19 tuổi và đã là con dâu của thầy, Hùng - con trai thầy, chồng Liên đã hai mươi ba tuổi, hai người có thể giúp thầy bắt bệnh, bốc thuốc. Thầy vẫn thường dạy vợ chồng Liên rằng làm nghề thầy thuốc đừng tính thiệt hơn, đừng tính lời lãi mà hãy chỉ lo làm thật tốt nghề của mình, đem hết khả năng của mình mà chữa bệnh cho mọi người. Gặp những người nghèo khó, mình hãy tùy sức mà giúp đỡ họ. Đừng để những lợi lộc, tiền bạc làm mờ mắt mà đánh mất lương tâm người thầy thuốc. Thầy bảo nghề thuốc là thanh cao, phải giữ phẩm chất cho trong sạch. Muốn trở thành thầy thuốc tốt, cần rèn y đức trước, y tài có thể bồi dưỡng dần dần, không ngừng học hỏi, tìm tòi để tiến bộ…

- Kìa, mưa đến nơi bà còn ngồi thừ ra đó. Chân còn đau lắm à?

Bà Liên giật mình, đi ra sân cùng chồng thu mấy mẹt thuốc vào nhà. Vừa xong thì cơn mưa kéo đến ào ào.

- Nay sao ông về muộn quá vậy?

- Nay nắng, khó tìm, tôi phải sang sườn núi bên kia để hái đấy. Lại gặp thằng bé đi kiếm củi bị trật chân, giúp đưa nó về nhà rồi kiếm thuốc đắp.

- Làm tôi lo quá!

Ông cười lo gì chứ rồi cùng bà chuẩn bị thuốc thang đầy đủ, sắp xếp mọi thứ cho ngày mai. Hai mươi năm rồi, từ khi thầy mất, ông bà vẫn duy trì cách làm của ông cụ khi còn sống, cứ 2 tháng sẽ có một ngày khám bệnh miễn phí cho những người nghèo. Nhiều người đến khám bệnh vẫn nhắc đến ông cụ.


Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục