(HBĐT) - Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Sơn Nam, một người bạn cũ từ TP Hồ Chí Minh trở về quê hương "rừng cọ, đồi chè” Phú Thọ đúng vào tháng 3. Bạn chia sẻ dòng trạng thái trên facebook: Cũng hơn 10 năm rồi mới được đứng dưới cây gạo cổ thụ ngay đầu làng vào đúng dịp tháng 3. Là một sự ngẫu nhiên, nhưng cũng như sự sắp đặt để khơi gợi lại kỷ niệm. Chẳng nhớ ai đã trồng và trồng năm nào mà khi lớn lên, đi học đã thấy cây gạo xù xì, vươn cao. Hồi nhỏ, chỉ quan tâm những tổ chim la đà trên cành cao.




Ảnh: Hoa gạo tháng 3... gợi về tuổi thơ và kỷ niệm của những người xa quê
Lớn lên rồi bỗng nhận ra, cứ vào tháng 3, hoa gạo đỏ rực như những nốt nhạc đỏ, chấm lên trời cao. Trên trời, mây trắng, mây xanh như làm nền cho những đốm lửa in trời trong một ngày nắng nhạt… Gặp lại quê hương, gặp lại tuổi thơ, gặp lại hình ảnh mỗi buổi đi học về, cả nhóm lại hò nhau, vui đùa nhặt những bông gạo đỏ rực rải trên mặt đất… Bao lớp người cất bước ra khỏi làng cũng đều đi dưới cái màu đỏ chân chất, dân dã, không mỹ miều ấy.
Hoa gạo, hoa pơ-lang, hoa mộc miên..., dù nhiều tên khác nhau nhưng cảm nhận về màu đỏ ấy chỉ có một. Cũng là điều kỳ diệu của thiên nhiên. Vào tháng 3, khi hoa gạo nở đỏ rực trên những triền đê, đồng bãi, bờ sông, sau lưng đồi... cũng là lúc cánh đồng ngô, lúa, vạt dâu tằm lên xanh mơn mởn và hoa rừng, hoa sở nở trắng trời... Bức tranh đó thật đẹp và trường tồn mãi trong lòng. Màu đỏ ấy là nỗi nhớ rưng rưng về tuổi thơ, về bạn bè một thuở của những người đang đi trên bên kia con dốc cuộc đời; là hoài niệm của những người con xa quê lâu ngày chưa trở lại... Còn gì nhớ bằng năm nào, người lính ra trận chia tay người yêu bên gốc gạo đầu làng. Là đám trẻ mải mê ngắm đàn sáo núi về đậu rợp cành mùa hoa nở và thỉnh thoảng đón nhận những bông hoa gạo xoay tròn rơi xuống lộp độp đỏ mặt đất, đỏ mặt sông. Là những tràng hoa xâu vội của đám trẻ sau những buổi chiều đi học về.
Cũng tháng 3 nào, những năm gian khó, bà và mẹ tất tả chợ búa sớm hôm. Trên đường về, từ xa, dù bụng đói, khát nước, nhìn thấy hàng hoa gạo đơm lửa trên con đường dẫn về xóm, bà và mẹ thấy như đã trở về ngôi nhà xưa. Cây gạo, hoa gạo như linh hồn của làng quê thôn dã, đã và đang trở thành tứ cho bao thi nhân, nhạc sĩ, họa sĩ... Bao người cũng chẳng từng thổn thức đọc những câu thơ khi đi dưới những bông gạo đỏ: "Mỗi độ tháng ba về/ Ai vãi lửa đam mê vào trời cháy bỏng/ Tu hú kêu, tu hú kêu/ Hoa gạo nở, hoa gạo đỏ/ Đỏ như màu mơ ước của con tim”. Màu đỏ thẫm đó cũng chính là ước mơ, hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ trước mỗi lối rẽ cuộc đời. Thi sĩ Hoàng Cầm cũng chẳng từng rung động: "Hoa gạo đầu đình vẫy mãi người xa quê".
Hoa gạo... một phần không thể thiếu đối với bất cứ ai từng sống nơi thôn quê. Qua bao năm tháng, mỗi khi tháng 3, hoa gạo như nhắc nhở mọi người về hồn quê hương, ký ức, khát vọng cùng sự thôi thúc cho những chân trời phía trước.


Tản văn của Bùi Huy

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục