(HBĐT) - Ông Mạnh chầm chậm lôi trong cái hòm tôn ra mấy thứ cũ kỹ từ những năm xa lắc xa lơ, thời ông còn là một anh lính đi B. Một con dao nhỏ dài chừng 30 cm, to bằng 2 ngón tay được bọc trong tờ giấy xỉn màu cánh dán, một chiếc mũ tai bèo cũng đã bạc màu, chiếc bình tông bị trầy tróc sơn, bộ quần áo quân phục không còn rõ là màu xanh được gấp gọn gàng, tấm ảnh đen trắng đã loang lổ đi nhiều, có những gương mặt không còn nhìn rõ được nữa… Ông cứ đưa tay mân mê từng món đồ, đôi mắt già nua nheo nheo nhìn vào từng vật.

Ông không hề hay biết thằng Tính đã đứng bên từ khi nào. Nó nhìn những thứ ông nội bày ra một cách chăm chú, đôi mắt tỏ rõ sự tò mò, ngạc nhiên. Tính sà xuống bên ông. Nó đưa tay đỡ lấy cái bình tông. Chiếc bình tuy cũ nhưng chạm vào vẫn cảm nhận được chất mát lạnh chạy vào da thịt. Ông Mạnh nhìn chiếc bình trên tay cháu, chầm rãi kể:
- Ngày đi lính, ông và đồng đội mỗi người sẽ được cấp phát một bình như này để đựng nước. Vậy mà có những đợt hành quân giữa rừng bị thiếu nước uống. Chiếc bình có khi chẳng còn giọt nước nào. Trong một chuyến trinh sát, ông được giao đi tìm nguồn nước uống cho mình và đồng đội. Cháu biết không, mệt, khát, cổ họng cứ khô rang. Lúc gần như tuyệt vọng ông tìm thấy một con suối. Chưa kịp mừng thì ông phải bật khóc, khi nhìn thấy con suối cạn khô, trơ đáy. Ông tức giận đã ném chiếc bình xuống lòng suối.
Ông Mạnh chỉ tay vào chỗ hơi bị móp của chiếc bình nói đó là do bị đập vào hòn đá dưới suối. Rồi ông trầm ngâm:
- Cũng nhờ lúc đó ném nó. Khi bình tĩnh lại, ông đi xuống nhặt chiếc bình. Tự nhiên, có một linh cảm gì đó, lạ lắm khiến ông nằm xuống, áp tai vào những viên đá cuội đang nằm lổng chổng dưới chân mình. Lòng suối khô mà sao nghe chất mát lạnh từ đá, lại như nghe có tiếng nước nhỏ giọt. Ông vội vàng đưa mắt nhìn khắp nơi tìm kiếm. Chẳng thấy gì ngoài một con suối khô chạy dài và tiếng lá rừng reo. Lúc đó, ông nghĩ chẳng lẽ do khát quá mà mình bị ảo giác, liền cúi xuống nghe lại thật bình tĩnh. Khi xác định đúng là tiếng nước, ông nhặt từng viên đá vứt ra một bên, ngay chỗ ông ném chiếc bình tông xuống dần lộ ra một hố nhỏ bằng bắp chân, sâu chừng 2 gang tay bị chèn bởi những viên đá. Những giọt nước thi thoảng từ các kẽ đá lại nhỏ xuống. Có lẽ đó là nước của cả khu rừng dồn hết cả vào cái vũng này rồi, ông vui mừng nghĩ vậy. Nhưng làm thế nào để lấy được nước? 
Vũng đó quá nhỏ và nước cũng không nhiều đến độ ông có thể cho chiếc bình xuống mà múc. Sau một hồi loay hoay, ông nghĩ ra cách lấy chiếc lá cuốn lại như cái chén uống nước, rồi múc từng chút nước đổ vào bình. Khi phát hiện ra hố nước, ông mừng như lập được một chiến công. Lúc đó nghĩ mình có thể uống hết cả hố nước kia cũng được. Nhưng nghĩ đến đồng đội cũng đang khát, đang chờ, ông không thể uống trước một mình. Ông múc cẩn thận, tránh để rơi vãi ra ngoài. Ông vét đến những chút nước cuối cùng. Cho tay xuống hố, để chất mát lạnh của nước thấm vào tay rồi cho lên miệng.
- Làm vậy để làm gì ông?
- Để đỡ khát chứ sao?
Thằng Tính tròn xoe mắt ngạc nhiên.
- Thực ra đó chỉ là cách đánh lừa cảm giác thôi.
- Vậy sao ông không uống nước trong bình.
- Còn đồng đội đang chờ. Ông mang bình nước về, ai cũng mừng run. Ai cũng khát, nhưng mọi người không dám uống nhiều, chia nhau từng ngụm một. Còn để dành cho chặng đường phía trước nếu chưa tìm được nước.
Ông nhìn tấm ảnh trên tay cháu nội rưng rưng như nhìn suốt vào những ký ức năm nào. Ông đưa tay run run chỉ vào người đứng ngoài cùng, dáng người cao, miệng cười tươi, vẻ rất thư sinh:
- Đồng chí Minh. Vì cao nhất nên hay gọi là Minh kều, hát hay, vui tính, hy sinh trong một đợt tổ trinh sát của ông bị trúng ổ phục kích của giặc. Khi biết mình bị thương có thể không qua được, một mình đồng chí ấy đã nhử bọn địch, đánh lạc hướng của chúng cho các đồng chí còn lại trong tổ rút.
Ông lại chỉ vào một người bên cạnh:
- Tâm hếch. Bình thường nói rất nhiều, hay pha trò chọc cười mọi người nhưng khi thực hiện nhiệm vụ thì lại vô cùng nghiêm túc. Còn đây là Quân, quê ở Kẻ Sặt. Hẹn ông khi nào hòa bình sẽ về quê nhau chơi. Cậu ấy hy sinh trong trận đánh ở Xuân Lộc.
Ông Mạnh cầm lên mấy món đồ khác trong hòm: một mảnh giấy đã cũ ghi lời bài hát, một chiếc bút máy, vài vỏ đạn… Món nào cũng gợi cho ông nhớ lại những kỷ niệm đã qua với bao người đồng đội đã gắn bó trong những năm chiến tranh khói lửa. Ông lại kể cho cháu nghe. Tiếng ông nhè nhẹ, êm êm như vọng về từ ký ức. Thằng Tính nghe ông kể cũng không giấu nổi vẻ xúc động. Nó nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo của ông:
- Các ông ngày xưa đúng là những tấm gương yêu nước, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn mà chẳng toan tính điều gì. 
- Mỗi thời mỗi khác cháu ạ. Này nhé, bây giờ như sinh viên, học sinh các cháu, yêu nước là cố gắng học tập cho thật tốt, sau này đem tài trí của mình mà giúp cho đất nước ngày càng giàu mạnh; người nông dân sản xuất thật giỏi là yêu nước; chấp hành pháp luật, đấu tranh loại trừ các tệ nạn xã hội… cũng là yêu nước. 
- Vâng, cháu hiểu rồi ông ạ. Như chúng ta bây giờ ở trong nhà là yêu nước phải không ông?
- Đúng rồi. Trong khi cả nước gồng mình chống giặc dịch. Các quân nhân, bộ đội, y, bác sỹ ngày đêm vất vả trong các khu cách ly, các bệnh viện để chiến đấu ngăn chặn con vi rus Corona thì chúng ta ở nhà là yêu nước. 
Nói rồi ông lại chầm chậm xếp lại các kỷ vật vào trong hòm, vừa xếp ông vừa đọc câu thơ: Ngày xưa đánh giặc xông ra/ Bây giờ đánh giặc ở nhà mới ngoan. Tính nghe ông nói thì cười thích thú, rồi nó bỗng giật mình:
- Thôi chết, cháu đến giờ học trực tuyến rồi ông.
Ông Mạnh gật đầu, xua tay ra chiều nói cháu vào học. Ông cười thầm, đó, dịch bệnh không ra ngoài tụ tập, ở nhà học hành chăm chỉ, không sao nhãng; lúc rảnh rỗi lướt phây búc thì chia sẻ, tuyên truyền cách phòng, chống dịch, chia sẻ những điều tốt đẹp…, thế cũng là yêu nước rồi.

Truyện ngắn của Lê Phượng

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục