(HBĐT) - Từ ngày anh Huỳnh đưa vợ chồng, con cái về quê cha đất tổ ở miền Tây Nam Tổ quốc, anh cũng có vài lần về thăm quê vợ. Chuyện đó cũng là bình thường mà, vì nơi đây anh có trên 10 năm sinh sống và gặp được người bạn đời tâm đắc. Nhưng lần này lại khác, nên bác tôi triệu gần hết mấy cháu xa gần về để xin ý kiến.


Bác mào đầu: "Ý của anh Huỳnh rất tốt và đầy tình cảm, trách nhiệm… Nhưng một lúc đưa cả 2 chị em nó vào cùng, là bác phân tâm lắm”. Rồi bác nghẹn ngào mới chết chứ. Thấy đàn ông mềm yếu, cũng ngán lắm. Nhưng vào hoàn cảnh của bác thì dễ chia sẻ. Vợ chồng bác có đến 9 người con, vợ anh Huỳnh là cả. Đảm đang, quán xuyến như người mẹ thứ 2 của cả đàn em, nhất là khi bác dâu tôi qua đời vì hậu sản. Bác cả và vợ chồng anh Huỳnh phải gồng lên kiếm cái ăn cho cả một gia đình trên 10 nhân khẩu thời "thóc cao, gạo kém” là điều không hề dễ (nói về thời đấy vừa rùng mình, vì có cả kho chuyện).

Anh Huỳnh theo cô ruột tập kết ra Bắc, vào một ngày đẹp trời đã rơi vào cuộc sống của gia đình bác tôi như là duyên tiền định (chuyện anh Huỳnh kể sau)… Nay, sau 10 năm lập nghiệp quê nhà, có chút ổn định bèn nảy ra ý ra đón 2 cô em vợ vào cùng làm trang trại, để bác tôi đỡ vất vả hơn. Nghe cũng có lý đấy chứ, nhưng 2 chị em nó cùng vào đó, sao cứ thấy trống vắng thế nào. Anh Huỳnh xoa xoa bên má, đưa đẩy: "Ngoài này các dì cũng ruộng đồi, lúa, sắn, khoai… Vào con cũng thế, nhưng thêm chút các cây mới như cao su, tiêu… Cuộc sống chắc dễ hơn… Vả lại, ngoài này, bố còn 6 cậu, dì lận”. Phía sau cuộc họp gia đình, một thông tin lọt ra nữa là cũng vì anh Huỳnh thấy chị Lân nhà bác ở trong Nam mà vẫn sống kiểu "ngày Nam, đêm Bắc” vì nhớ bố, các em và nhớ quê. Nếu 2 dì vào, chị đỡ đi bao phần nhung nhớ… Lại còn thế nữa. Đúng là nhà này được cả đôi, cái gì cũng làm người ta ngã ngửa vì bao quyết định…

Những ngày anh Huỳnh lưu lại quê vợ để chuẩn bị "rước” 2 em cùng vô Nam thật vui và khơi gợi bao điều về một miền ký ức chưa quá xa… Thực ra, hồi đó, cả nhà bác tôi chưa ai được đọc dòng nào về lý lịch, hồ sơ về anh Huỳnh, nhưng cũng biết anh là gia đình kháng chiến; ba mẹ mất vì "luật 10 - 59 của Mỹ Diệm”, con nhà cơ bản nên được tổ chức bố trí đưa ra Bắc. Học trường học sinh miền Nam cách nhà bác 10 km, thế nào mà lại quen được chị Lân, cô gái đẹp, có mái tóc dài nhất xã. Lần đầu thấy anh, ai cũng ngán. Tóc khá dài (như thế dễ bị đánh giá là thanh niên thiếu nghiêm túc), đã thế còn rậm, quăn tít, kèm theo khuôn mặt da bồ hóng, khiến người mới gặp dễ mất cảm tình. Lưng gù, vai gấu… nhưng lại có đôi mắt hiền cùng nụ cười sáng lóa (nghe nói, chính điều đó đã "đánh gục” chị Lân ngay lần đầu anh đến nhà xin tre để dựng phòng học cho trường). Nhưng anh cũng ngang ra phết, nghe bảo cậy có chút võ cổ truyền. Thực hư chuyện này chưa mấy người rành, nhưng theo như tường thuật của chị Lân vì vụ "đụng độ” với 2 anh trai bản nên ai cũng xuýt xoa, trầm trồ. Bởi vì, khi nghe một người xa lạ định đến ăn "cỏ non" đồng nhà, 2 anh ở xóm cũng nóng mắt, và nhất là có anh nhiều năm âm thầm dõi theo chị Lân, chỉ chờ thời cơ để tỏ tình.

Đêm ấy, sau khi đi bộ từ trường đến nhà bác, anh chị ra bờ suối sau đồi để ngắm trăng, sao. 2 anh cùng xóm đi tuần đã phát hiện đôi uyên ương đang say đắm trò chuyện đã đến hỏi chuyện. Từ chuyện hỏi giấy tờ, đến chuyện không được yêu gái làng tôi. Anh Huỳnh cũng chẳng vừa: "Không ai có thể ngăn chuyện tôi đến với gia đình cô Lân… Trước 3 mặt một lời đây, nếu Lân nói đã yêu anh rồi và… không yêu tôi nữa… thì tôi sẽ dừng lại”. Đấu lý, đấu lẽ một hồi thì xuýt xảy ra chuyện đấu tay chân. Anh Huỳnh khảng khái: "Tôi không hề muốn đánh nhau… Tôi muốn để sức để đi đánh giặc… Còn nếu 2 anh muốn đánh tôi. Tôi không để 2 anh muốn làm gì thì làm đâu”. Thấy anh bật tôm tanh tách và nhảy đá song phi cao quá đầu để khởi động với tiếng bạt gió vù vù, 2 anh kia mặt tái mét, chuồn thẳng. Về sau, khi được hỏi lại chuyện đó và thấy chúng tôi đòi gắt, anh cũng biểu diễn một bài quyền đẹp và có độ khó cao (thảo nào mà chị Lân mê).

Điều mà sau này chúng tôi biết, đó là các thế võ mà ba anh dạy để anh vào đời, để chống lại chuyện bị bắt nạt. Khi anh về ở rể bác tôi, cũng có đôi lần anh làm đơn đòi trở lại Nam đánh giặc, nhưng tổ chức không đồng ý. Những đêm sau đó, nghe anh ca đờn ca tài tử mà không chỉ chị Lân mà nhiều nghe đều ứa nước mắt: Tuy xa xăm/ Nhưng trong tâm vẫn không quên/ Bóng hình nơi miền thôn dã/ Nhớ rặng tre già/ Mẹ bên nhà đang mỏi mòn/ Chờ trong con/ Nhìn vầng trăng thanh/ Nhớ điệu lý câu hò”… Xa quê nhưng trong lòng vẫn luyến lưu. Qua giọng ca cùng cây đàn nhị tự kéo, anh đưa mọi người về miền quê xứ dừa, vời vợi sông nước của anh. Bác tôi vỗ vai anh: "Giải phóng đến nơi rồi, chả mấy thằng Huỳnh chia tay nhà mình về quê nội”. Nếu tinh ý, nhiều người có thể thấy trong khóe mắt bác và cả anh giọt nước mắt lấp lánh…
Ngày 30/4 năm ấy, anh chạy dọc xóm cùng nhóm thanh niên làng hò reo thắng trận. Anh nói, anh cười, anh hò hét cùng đám thanh thiếu niên… Thoảng trong gió, mọi người nghe thấy tiếng gọi tha thiết "Ba ơi, má ơi…”. Hẳn ở phương trời xa khuất đó, họ cũng thầm chia sẻ tâm trạng hồ hởi của anh. Ở nhà bố mẹ vợ, với một đàn em lỡ cỡ trứng gà, trứng vịt, anh Huỳnh chẳng ngán việc gì nếu cứ ra gạo, ra khoai cho cả nhà. Có buổi đi rừng về mệt, vậy mà anh vẫn cố thức để giảng bài cho mấy em vợ. Chính vì thế mà bác tôi quý anh lắm. Bác định khi các con dần khôn lớn sẽ cắt miếng đất để vợ chồng  anh làm nhà riêng, để bố con, anh em mãi gần nhau. Nhưng anh Huỳnh quyết tâm: "Con sẽ về Nam thôi bố, thờ phụng tổ tiên, xây dựng quê hương… cả nhà chỉ chờ con. Mái nhà xưa không ai ở, giờ chắc cần vợ chồng con về dựng lại. Tất nhiên, con vẫn còn gia đình lớn ở đây. Con sẽ trở lại”.

Và nay anh trở lại với duyên cớ như trên. Lần vào Nam lần này, anh Huỳnh còn đưa cả bố vợ vào một chuyến thăm quê, để ông có thể yên tâm trao gửi các con của mình. Tin rằng, bác tôi sẽ hài lòng.


Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục