(HBĐT) - Vào tháng 9, mưa thì như thác đổ, dằng dai như nỗi giận hờn, khi nắng thì rám cong mặt lá, rực như rang. Với cái biên độ của nắng mưa, nóng lạnh như thế, sợ sinh bệnh, vợ chồng anh gọi lái bán heo. - Vậy là thêm lứa heo này nữa, mình đã có 357 triệu đồng. Năm nay anh được tuổi dựng nhà. Mình coi ngày mở móng đi anh.


Anh nhìn số vốn liếng trên tay vợ. Những đồng tiền chắt chiu dành dụm suốt 7 năm trời. Bảy năm chỉ ăn vừa đủ no, mặc vừa đủ ấm để hy vọng một ngày xây được ngôi nhà khang trang. Anh lại nhìn lên mái tôn, nhìn tường trát đất. Vẫn còn chắc chắn. Ít lắm cũng trụ vững được năm, bảy năm nữa. Anh nhớ 7 năm trước, trận lốc kinh hoàng đã cuốn bay mái ngói, đẩy sập tường gạch ngôi nhà. Những tưởng phải dựng tạm bợ một mái tranh núp nắng mưa qua ngày. Nhưng rồi đồng tiền cứu trợ của Nhà nước rót về, cộng với sự giúp đỡ bằng vật chất và công sức của bà con xóm làng, gia đình anh đã có được mái ấm này. Bảy năm qua, những khi mưa gió bão bùng, anh thầm cảm ơn tạo hóa đã cho anh được làm người sống trong một đất nước giàu tình người...

- Sao anh bần thần vậy? Nghe em nói không? Mình coi ngày mở móng đi anh!

Anh nhìn chị. Người vợ đã bao năm đồng cam cộng khổ với anh. Mới 40 mà trông chị đã già đi nhiều. Anh biết một ngôi nhà xây là mơ ước lớn lao bây giờ của chị. Anh không thể để ước mơ của chị trôi theo năm tháng mặc bước vô thường của đời người. Còn gì hơn là thỏa mãn ước vọng chính đáng của người mình yêu thương. Dù chưa muốn anh cũng chiều lòng chị. 

- Ừ, hôm nào rảnh vợ chồng mình đến nhờ thầy Tư xem cho. 

Thêm một lần nữa, 17h, loa phóng thanh của điểm tiếp phát truyền thanh xã phát tin kêu gọi quyên góp ủng hộ cứu giúp đồng bào miền Trung bị bão lụt của UB MTTQ xoáy vào tâm can anh. Nơi ấy, quê mẹ anh mưa trắng xoá đất trời. Nơi ấy, quê cha anh lũ dâng một màu lạnh lẽo. Nơi ấy, những người không quen biết đã từng đóng góp cho anh có được mái ấm năm nào đang chới với giữa dòng nước bạc. Anh nghĩ đến số tiền để xây nhà...

- Em à! Anh nói với vợ - Làm ăn thành bại một phần nhờ phước đức ở đời. Mình trích tiền để dành ra 2 triệu ủng hộ đồng bào bị thiên tai nghe em.

- 2 triệu! - Chị lập lại. Thoáng qua ý thức chị là sự khó nhọc cho công việc để có lãi được 2 triệu. Nhưng chồng chị đã nói vậy. Tin yêu chồng, chị không thể không nghe theo. - Dạ, anh thấy việc đúng thì nên làm.

Có thể nói không ngoa rằng, chữ ký quyên góp của anh trong bảng kê của tổ quyên góp thôn chưa ráo mực thì tin cơn bão kép được loan truyền khắp nơi qua những phương tiện truyền thông. Dọc suốt sống lưng của đất nước, các tỉnh duyên hải miền Trung chịu thảm cảnh kinh hoàng. Phóng viên thời sự thường trú tại các tỉnh đã quay và gửi qua sóng truyền hình những hình ảnh đau thương tang tóc. Lời bình luận cho biết trong 20 năm qua chưa bao giờ thiên tai giáng xuống miền Trung nặng như năm nay. Câu "Nhiễu điều..." một lần nữa được nhắc lại ở mọi nơi, mọi lúc. Người người làm từ thiện. Nơi nơi làm từ thiện. Người giàu quyên góp đã đành, người làm bữa sáng lo bữa chiều: em bé bán vé số, chị bán hàng rong, anh bốc vác, chú chạy xe thồ cũng ít nhiều đóng góp. 

Một lần nữa tâm can anh lại xốn xang. Không phải vì cơ thể nhuốm bệnh mà anh ăn không ngon, ngủ không yên. Anh muốn một lần nữa ủng hộ lời kêu gọi. Nhưng vợ chồng anh mới góp 2 triệu, bây giờ làm sao nói với chị? Vả lại dù rất muốn, nhưng giữa ý muốn và thực hành không phải không có sự đắn đo. Là người lao động, anh biết giá trị mồ hôi đổ ra để có được đồng tiền là thế nào. Rồi còn bà con chòm xóm họ nghĩ sao? Lẽ đời giống nhau thì không sao, khác nhau sẽ sinh chuyện. So với xóm làng, gia đình anh không thuộc hàng khá giả, sao lại "chơi trội". Vừa rồi ủng hộ 2 triệu, tổ quyên góp thôn khen ngợi nhưng ánh mắt họ bộc lộ sự ngạc nhiên. Và bây giờ là vợ anh ngạc nhiên, chị hỏi:

- Sao em thấy anh như đổ bệnh vậy? Ăn chỉ lưng chén cơm, ngủ thì cựa quậy suốt.  Hay... Nếu có điều gì bực bội thì anh nói ra chứ như vậy em khó chịu lắm.    

Anh trấn an vợ:

- Sức anh em biết. Sao bệnh được. Chỉ là... mà thôi em ạ. Sinh nhiều  chuyện lắm.

Chị tròn mắt nhìn anh:  

- Chỉ là sao? Mà sao sinh nhiều chuyện? Giọng chị chùng xuống - Anh có điều gì giấu em phải không? Vợ chồng sống với nhau đã bao năm, chẳng lẽ em không cho anh đủ lòng tin để anh tựa những lúc khó khăn?

Anh nắm bàn tay thô ráp của vợ,   dịu giọng:

- Không phải vậy đâu em. Chỉ là... chỉ là anh nghe cơn bão kép này dữ dội quá. Anh muốn... mà em... đồng tiền không dám ăn, dám mặc để dành.

Câu nói ngập ngừng, đứt quãng của anh nghe mới ngượng ngập thương thương làm sao. Nhưng chị hiểu. Sống với nhau hai mặt con, chị nắm bắt từng hơi thở mạnh yếu của anh. Tiền của ai lại không tiếc? Nhưng nắm tiền mà phiền não thì nào đâu sung sướng. Chị biết anh cần gì ở chị. Chị nép đầu vào ngực anh, nhẹ nhàng nói:

- Anh ạ. Điều gì anh thấy đúng thì nên làm. Bảy năm trước khi vợ chồng mình cầm đồng tiền cứu trợ trên tay, em đã nghẹn ngào nghĩ đến câu "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng" của đất nước mình, dân tộc mình hay biết bao...

   
Truyện ngắn của Xuân Thụy

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục