(HBĐT) - Vẫn nhớ mãi cảm giác lâng lâng, bay bổng, vui tươi khi được xem một đêm ca nhạc vào một mùa thu Hà Nội cách đây khá lâu. Đêm đó, tiết mục của ca sĩ Hồng Hạnh tự đệm ghi-ta hát bài "Mùa thu tình yêu” của nhạc sĩ Quang Minh nhận được nhiều tràng pháo tay của khán giả.
Lời ca ý nghĩa vang trong đêm mùa thu qua giọng hát truyền cảm của nữ ca sĩ thành phố Hồ Chí Minh là điểm nhấn đáng nhớ trong một lần về Thủ đô. "Em có bao giờ nghe mùa thu nói/ Nói với ai rằng: Hạnh phúc là tình yêu/ Em có bao giờ nghe mùa thu hát/ Hát với cuộc đời lời hát gợi nhớ trong ta/ Mùa thu em ơi sao vàng cờ bay/ Trời thu năm xưa/ Lay động lòng ai/ Lời thu xôn xao/ Ba Đình còn vang/ Thu ước vọng, thu thiết tha đầy niềm tin…”.
Mùa thu ấy, đến thăm những địa danh lịch sử mà thêm yêu mùa thu Hà Nội như: Quảng trường Ba Đình, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (phường Tràng Tiền); ngôi nhà số 48 Hàng Ngang (phường Hàng Đào); Bắc Bộ Phủ (phố Ngô Quyền)… Đi dưới những hàng cây xanh mướt, cùng màu cờ đỏ rực rỡ với băng-rôn, khẩu hiệu dọc những con phố càng thấy thêm tự hào về những năm tháng hào hùng của đất nước…
Để rồi vào tháng Tám mùa thu những năm sau đó, năm nào cũng đều muốn về Hà Nội dù chỉ thoáng qua, chốc lát. Bao năm rồi, những câu ca, câu thơ về một giai đoạn lịch sử hào hùng đó mãi vang ngân trong lòng mỗi khi trở lại. Mùa thu, lá ngời xanh như ngọc soi bóng hồ Gươm. Mỗi viên gạch lát trên hè phố như muốn nhắc nhớ về những ngày gian khổ, hy sinh của đất nước. Biết bao câu chuyện, trang sử đã viết về những ngày đáng nhớ đó.
Sao có thể quên nổi khí thế hào hùng xuống đường giành chính quyền của cả dân tộc. Mỗi con phố đều vang lên câu ca trong bài "Mười chín tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh đem lại niềm tự hào vô bờ bến, cùng những cảm nhận về giá trị của bình yên, của mùa thu Hoà Bình hôm nay… "Mười chín tháng Tám, ánh sao tự do đem tới/ Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng/ Máu pha hồng tươi trên lá cờ đi khắp chốn giang sơn/ Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề/ Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa/ Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam”…
Để có ngày "hội quân” ở Hà Nội là ngàn ngày gian khổ, mất mát và hy sinh của toàn quân, toàn dân. Mùa thu Hà Nội, nhắc đến những mùa thu Việt Bắc, mùa thu Thủ đô gió ngàn, là Tân Trào, Pắc Bó, suối Lê Nin, núi Các Mác… Từ cuộc đời nô lệ, "Nước Việt Nam từ trong máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi).
Công cuộc cách mạng là của toàn dân, của cả nước thân yêu. Khí thế từ Ba Tơ (Quảng Ngãi) hay từ cố đô Huế: "Chừ đây Huế, Huế ơi/ Xiềng gông xưa đã gãy/ Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi! (thơ Tố Hữu) dồn tụ về đây, nơi hồn thiêng sông núi ngàn năm. Những vần thơ của Xuân Thuỷ, Xuân Diệu, Sóng Hồng… đem đến cho mỗi người niềm vui và bầu nhiệt huyết căng đầy. Những cảm nhận lớn lao về Tổ quốc, đất nước và Nhân dân cũng từ đây. Tháng Tám này, đọc lại những câu thơ một thuở vẫn trào dâng khí thế ngút trời: "Tổng khởi nghĩa! Lệnh truyền đêm trước/ Rồi quân ta giải phóng Thái Nguyên/ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, cả nước/ Đứng lên ta giành hết chính quyền/ Hôm nay sáng mồng hai tháng Chín/ Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình/ Muôn triệu tim chờ. Chim cũng nín/ Bỗng vang lên tiếng hát ân tình" (Theo chân Bác - Tố Hữu ).
Hoà chung vào đoàn quân đó, tỉnh Hoà Bình cũng có những bước chuẩn bị sẵn sàng cùng cả nước xuống đường trong mùa thu tháng Tám đó. Từ trong những ngày tăm tối, cơ cực, Đảng, Bác Hồ đã nhân lên những ngọn lửa cách mạng, gây dựng lực lượng để từ những căn cứ cách mạng như Giằng Xèo - Tu Lý (Đà Bắc), Thạch Yên (Cao Phong), Mường Khói (Lac Sơn)…đoàn quân với các tầng lớp Nhân dân đã tiến về thị xã tỉnh lỵ Hoà Bình giành chính quyền. Cờ đỏ sao vàng bay rợp trời quê hương; gió mùa thu, gió sông Đà thổi mãi… gieo vào lòng người Hoà Bình niềm vui của người làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời mình. Mùa thu Ba Đình lịch sử còn mãi trong lòng dân nước nhà.
Bùi Huy
(HBĐT) - Ngày trước, khi ba tôi còn chạy tàu chở hàng, ông thường cho tôi theo và hay cập bến sông này để bốc dỡ hàng. Những lúc xong việc, khi người lớn còn bận ăn uống bù khú, tôi hay mượn chú Thức bảo vệ chiếc xe đạp Thống Nhất mà đạp vào các xóm chơi. Chiếc xe đạp khung nam rõ cao làm mông tôi cứ nhấp nhổm, đi xiêu vẹo như một con khỉ rạp xiếc.
(HBĐT) - Ngày cuối tuần, cho mấy đứa nhỏ về quê ngoại nên ông nằm rốn thêm chút nữa. Ôi trời, mấy hôm nay nắng to, bức bối. Nghe radio nói về khí hậu, thời tiết khắp nơi thay đổi, hồ đập cạn dần mà nản. Ông chợt nhớ những ngày hè tuổi nhỏ. Hồi đó, hè có nắng nóng nhưng không gay gắt như hiện nay. Đêm hè, những luồng gió thổi từ sông, hồ, phía núi, dọc con đường làng, len lỏi qua những hàng tre, làm cho không khí mát rượi, dễ chịu hẳn…
(HBĐT) - Lại xôn xao những ngày tháng 6… Màu hoa phượng đã nhạt dần trên những vòm cây cuối phố. Và mưa giăng man mác trên những hàng cây sang mùa quả chín vàng cùng những hàng bàng, hàng lộc vừng mùa hoa rơi rụng. Những ngày nóng oi nồng, bức bách, xen lẫn những cơn mưa mát lành. Lòng bỗng thư thái, chợt nghe những câu văn tha thiết trong "Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng và lời bài hát "Tháng sáu trời mưa” vang trong không gian...
(HBĐT) - Tôi có cuốn sổ mua từ hồi sinh viên vẫn đem theo bên mình. Cuốn sổ có bìa màu da đã cũ, không dày lắm nhưng ghi mãi chưa hết. Nó cứ thế lăn lóc theo tôi từ lúc đi thực tập, thử việc cho đến khi ra trường đi làm. Tôi chỉ có thói quen ghi chứ chẳng xem lại bao giờ.
(HBĐT) - Loay hoay tính đi tính lại, cuối cùng chàng tiều phu quyết định vay vốn để đầu tư mở bãi tập kết buôn bán cát, sỏi phục vụ nhu cầu xây dựng ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”.