Sáng nay, nhận được cuộc gọi từ bộ phận nhân sự công ty cũ, Huyền thật sự băn khoăn chẳng biết vui hay buồn. Cô đã từng làm việc chăm chỉ và dành tất cả yêu thương cho gia đình nhưng rồi nhận về sự cay đắng. Trở lại nơi đã gắn bó ấy để làm gì nhỉ, hay chỉ thêm xấu hổ.

Ngày đó, Huyền yêu say đắm như trong một trang tiểu thuyết…
Nàng vừa cười nắc nẻ vừa cố tình lắc lư chiếc xe đạp. Chàng thư sinh lóng ngóng kiễng chân trên yên xe để với cành phượng vĩ mới bừng nở. Quái lạ, mọi năm nó sẽ nở cả dưới cành la thấp mà năm nay lại bung nở từ cái cành chấp chới này. "Huỵnh”, chàng ngã. Nàng cười như nắc nẻ dẫu cành hoa bị nát. Huyền thấy vui vì bạn trai đã làm tất cả vì mình. Nhưng mãi mãi cô không hề hay biết phía sau lưng Hùng đang nhìn cô với một ánh mắt hằn học của một kẻ hẹp hòi. 
- Hắt sáng lên, hắt sáng, mặt cô dâu phải rạng rỡ chứ…
Cô dâu rõ xinh nhưng đàn bà cần gì thì thật khó hiểu. Chắc tay thợ chụp ảnh cưới sẽ nghĩ về mình như thế. Huyền mím chặt môi, hôm qua lúc ký giấy kết hôn, Hùng đã nhe nhởn nói một câu quái gở: "Ký xong, ngộ nhỡ bỏ nhau hay một đứa "tèo”, anh kệ em đấy nhé”. Gáo nước lạnh dội dọc thân thể có lẽ còn dễ chịu hơn câu đùa vô duyên đó. Bằng nhạy cảm của phụ nữ, cô cảm nhận được dù rất nhỏ đến không phẩy mấy phần trăm thì vẫn là một sự thật mơ hồ chua chát. Nhưng mà, thiệp cưới đã gửi, xe hoa đã trang trí xong, chỉ có thể bước tiếp và trông đợi rủi may…
Con bé Hương mãi không ăn hết lưng cơm còn Huyền chẳng ăn gì cũng thấy cả khối nghẹn trong cổ. Cái thói "ăn vụng”của đàn ông đâu có gì lạ. Nhưng Hùng lại dám quan hệ bất chính với chính cái Tuyết - đứa bạn thân của Huyền. Cái đứa suốt ngày mang mèo sang "cặp” với con mèo Anh lông trắng muốt của cô, rồi hai đứa làm phô mai, nấu lẩu… hóa ra chỉ là màn che đậy cho mối quan hệ kia. 
Không nỗi đau nào bằng việc bị đâm sau lưng. Huyền nhớ đến câu thơ ai đó từng viết: "Ta đâu có đề phòng từ phía những người yêu/ Cây đổ về nơi không có vết rìu”. Hạnh phúc đúng là canh bạc về sáng mới ngã ngũ.
Huyền lật đật khóa cửa. Cái khóa Việt Tiệp cong cớn không chịu ngậm vào hai cái tai cửa vênh váo. Đến cả những thứ vô tri hình như cũng muốn quay lưng lại với cô. Khóa được cửa thì những thứ lỉnh kỉnh trong làn lại rơi vung vãi. Huyền vơ vội, tất tả chạy theo bóng mẹ đang cõng con bé Hương ra xe taxi. Nửa đêm con bé sốt cao, điều cô sợ nhất đã xảy ra. Ai bảo làm mẹ đơn thân không đáng sợ? Nhưng Huyền thấy hụt hẫng, tủi cực vì sau cái tin nhắn trên zalo: "Con đi viện, anh đang ở đâu?” là dấu hiệu Hùng đã đọc tin nhắn và im lặng sau đó cả tháng trời.
Huyền đón con từ bệnh viện trở về thì nhận được tin mình bị sa thải ở công ty truyền thông SM. Chỉ có ba mươi phút đối thoại và một ly nước lọc trong phòng giám đốc. Tất cả những gì cô làm đã chống lại cô. Sai và nhầm lẫn thì không nói nên năng lực mà ở sự cẩu thả không thể chấp nhận nổi. Cô đã vắt đến giọt mồ hôi cuối cùng, thức trắng đêm giữa thành phố đông người và rồi trượt ngã trên chính những nấc thang mà mình đã leo lên. Cô bước đi như người mộng du đến mức quên dừng lại xin lỗi cả người mình vừa va phải. Người đó nhìn cao ráo, thư sinh, anh ta tự nhặt đống tài liệu vung vãi vừa nhìn cô bằng ánh mắt khó hiểu.
Nhưng dù gì, Hương vẫn luôn cần có bố. Mỗi lần nhìn "kẻ phản bội” dắt tay con gái mình vào thang máy, lòng cô như thắt lại. Người ta bảo "hổ dữ không ăn thịt con”, nhưng trên báo từng đăng mấy vụ bố đẻ làm ngơ để mẹ kế hành hạ con của vợ trước đó sao… Ôi, Huyền không dám nghĩ tiếp nữa. 
 Sáng hôm sau, con bé trở về với sự mệt mỏi và bỏ ăn. Nó kể đêm qua đã ngủ ở sofa. Huyền bấm máy gọi Hùng thì bị đáp trả vỗ mặt: "Nó thích thế, ai bắt. Tính nó giống ai thì cô biết rồi đó”. Nhưng khi nghe con kể, Huyền hiểu bất kì ai rơi vào tình thế đó thì cũng sẽ hành động như con bé.
Hai tuần sau Huyền mới ngập ngừng gõ cửa phòng Giám đốc điều hành. Người ngồi ở ghế giám đốc đã thay đổi. Giờ cô không còn phải ngờ ngợ mà có thể đọc rõ tên Lâm Anh Dũng. Đúng, cô đã va vào anh ta trong lần tưởng như là cuối cùng đến đây. Cũng chính anh ta, người đã cho bé Hương một sự vỗ về ấm áp.
- Cô Huyền này.
- Dạ, em sinh năm 1994, anh cứ gọi tên em là được rồi.
- Ừ, Huyền. Tôi đã xem lại các số liệu đối chiếu với bản gốc. Cô đã quá bất cẩn đến mức không thể chấp nhận được.
- Vâng, đó là lỗi của tôi, nên tôi đã chấp nhận bị sa thải.
- Không phải. Ý tôi là cô bất cẩn không đối chiếu lại khi có người đã cố tình làm sai lệch những số liệu ban đầu của cô. Người ta hại mình mà mình thì ngu ngơ thế.
- Ôi, sao anh biết, ai vậy?
- Sau khi tiếp nhận công việc, tôi kiểm tra lại thì phát hiện ra chính cô ta… Tôi đã cho Tuyết nghỉ việc. Không ai dung dưỡng một kẻ thủ đoạn. Mà thôi, đó còn là việc riêng của mọi người, tôi không can thiệp. Từ sáng mai, Huyền đi làm lại nhé. Nắm luôn cho tôi công việc ở phòng đó…
Huyền thấy tai mình ù đi, có giọt nước mắt lăn xuống mặt bàn kính bóng loáng. Hóa ra ở đời, ở hiền vẫn gặp lành như cổ nhân đã dạy…


Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Mùa phượng cháy

Tản văn của Đức Dũng

Có ai đó quan sát, chiêm ngưỡng và chiêm nghiệm, rằng mùa phượng cháy là mùa thi của học trò cuối cấp phổ thông? Người đó nói đúng. Khi những chùm búp xanh non của phượng dần nhú ra thì tâm trạng của những sĩ tử tương lai hồi hộp, vừa lo lắng bận rộn ôn bài, vừa bâng khuâng buồn nhớ, chuẩn bị giã từ trường lớp thân quen, bỏ lại phía sau quãng đời hồn nhiên, thần tiên nhất không bao giờ trở lại.

Nghề và năm tháng...

Người em họ ở quê năm nào cứ dịp này lại nhắn tin chúc mừng, rồi đưa lên "phây-búc”, zalo những hình ảnh thật ấn tượng: Những bài báo em từng đọc, từng tâm đắc cắt dán kẹp thành tập, rồi biểu tượng của ngành, những bài báo em từng được đăng trên báo tỉnh khi với tư cách cộng tác viên... Thời buổi mạng xã hội tràn lan; tivi, ra-đi-ô không còn là mối quan tâm số 1... mà vẫn có người nâng niu từng trang báo in thì đó thật là điều đáng quý. Em trải lòng: "Điều kiện đi lại, nắm bắt thông tin của chúng em ở cơ sở không được đa dạng, phong phú như các anh. Được đi nhiều nơi thích anh nhỉ... Tháng 6 đúng là tháng của các anh. Chúc mừng...”



Tây Bắc yêu thương

Những ngày tháng Năm lịch sử, khi chứng kiến đoàn đoàn, lớp lớp người ngược đường 6, qua Hòa Bình, Sơn La để đến vùng đất Điện Biên Phủ huyền thoại, chú tôi xúc động lắm. Một tối ông cầm tập thơ đã cũ để đọc lại bài thơ từng đọc bao lần của Chế Lan Viên "Tiếng hát con tàu”. Giọng đọc khỏe, mạnh mẽ, truyền cảm khiến cả nhà đều xúc động. Trên truyền hình là chương trình ca nhạc về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. "Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc/ Khi lòng ta đã hóa những con tàu/ Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu”…

Việc nhỏ nhưng ý nghĩa không nhỏ!

Em chào bác! Em sang xin cốc nước vối ạ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục