Con suối thượng nguồn sông Bưởi chảy qua làng tôi uốn lượn dưới chân núi chạy dài cũng vơi đầy theo mùa. Suối mùa này nước cạn gần đáy, những bánh xe cọn nước đứng im nghỉ ngơi sau một mùa miệt mài chở nước lên đồng tưới ruộng. Mỗi lần thấy ai đó lúi húi quăng chài, câu cá bên sông, tôi lại nhớ hình ảnh người chú cặm cụi bắt cá suối trong gió rét tháng Chạp.
Chú út từ lúc còn thanh niên, ở chung với gia đình tôi đến khi chú có vợ, ra ở riêng vẫn thường hay ra suối kiếm cá cho cả nhà ăn. Dù được nhiều hay ít chú vẫn không quên chia cho nhà tôi. Nhớ những ngày thơ bé, cuộc sống khó khăn mà mỗi ngày trôi qua rất bình yên, nhẹ nhàng. Trời se lạnh ngày đông, tôi theo chị gái và anh rể lập cập qua chiếc cầu treo lắc lẻo bắc ngang suối cạn vào chân núi thu hoạch sắn. Sương móc rủ xuống quấn chân người, những vết nẻ chân căng ra tím tái, buốt buốt. Cây sắn mọc dưới chân núi, sườn núi thường nhỏ, mùa đông rụng lá chỉ còn trơ lại thân gầy. Có lẽ thấu hiểu khó khăn của con người nên sắn dùng hết chất dinh dưỡng để nuôi những củ to lúc lỉu. Từng củ sắn từ gốc vươn ra, len lỏi vào khe đá mà lớn, chen đá mà thành hình dạng. Tôi thích nhất lúc mang sắn ra suối cạo vỏ. Sắn mới nhổ gặp nước, vỏ ngoài theo đất mà bong ra, nhẹ nhàng cởi bỏ lớp áo nâu, trở thành trắng muốt như những củ cải trắng. Mấy nhà gần suối sau khi cạo vỏ sắn xong mang lên bãi cỏ bên suối thái lát và phơi. Mọi người vừa ngồi băm sắn thành những lát nhỏ vừa nói chuyện rôm rả. Đứng xa nhìn lại, bờ suối như được phủ tuyết trắng. Nhà tôi không gần suối nên rửa xong, chị em tôi gánh sắn về bỏ lên nhà chòi bé dựng bên hông nhà, hun lửa bên dưới để hong khô. Khói từ các nhà chòi bay lên nghi ngút, xóm núi như chìm vào khung cảnh mờ ảo…
Những ngày nắng tháng Chạp, mẹ tôi thường mở tủ lấy những cuộn phà, thổ cẩm đem phơi cho đỡ ẩm. Những tấm thổ cẩm tự tay mẹ dệt chuẩn bị cho chị về nhà chồng. Tấm phà có hoa văn đẹp nhất mẹ cuộn lại, cất giữ cẩn thận, để mỗi năm, ngày mồng một Tết mang ra cúng tổ tiên, ông bà như một sự hiếu thảo của dâu con trong nhà, sự biết ơn của mẹ đối với ông bà đã thương yêu, chỉ dạy nhiều điều ngày mẹ mới về làm dâu, dạy mẹ biết dệt phà với nhiều hoa văn đẹp. Mỗi lần mẹ phơi phà, sân nhà bừng lên màu sắc tươi sáng như mang nắng ấm mùa xuân lan tỏa khắp xóm núi. Bầu trời xanh đến nao lòng và nắng ấm tuôn tràn khắp nơi. Mẹ thường đi qua đi lại thật lâu để chỉnh cho tấm phà phẳng phiu và rồi đứng tần ngần suy ngẫm. Không biết khi đó mẹ suy nghĩ điều gì trong những ngày cuối năm. Còn chúng tôi thì vô lo vô nghĩ, nô đùa vui vẻ vì cảm nhận không khí Tết đang đến rất gần...
Con đò phía xa xa như vẽ những hoa văn trên mặt sông. Có lẽ người ta vừa đi đánh lưới về, con đò bơi nhanh về phía bờ cho kịp chợ sáng. Từ trước đến giờ, phía dưới chân cầu là nơi sinh sống của xóm vạn chài đông đúc. Sau đợt đập thủy điện xả nước mùa lũ, họ chuyển xuống neo đậu dưới cầu mới, xa hơn dòng xả lũ nguy hiểm. Những con thuyền theo con nước lên xuống, thuyền vừa làm nhà vừa làm kế mưu sinh. Dòng Đà Giang như dải lụa lặng lẽ êm trôi, bao bọc cuộc sống của xóm vạn chài trên những ngôi nhà thuyền bập bềnh sông nước.
Sớm tháng Chạp, trên sông le lói ánh lửa từ những chiếc thuyền nấu cơm sáng. Khói bay lên rồi loang ra, lơ lửng trên không khiến khung cảnh nơi đây bình yên đến lạ. Hai đứa nhỏ dưới thuyền chỉ tay về phía con đò xa xa reo lên vui mừng, có lẽ đó là đò của bố mẹ chúng. Mỗi chuyến trở về dù ở những thời điểm, khung cảnh khác nhau nhưng chắc chắn đều có gì đó háo hức, thổn thức lẫn yên bình.
Những ngày tháng Chạp, mỗi người con xa quê đều vất vả với những lo toan, làm việc chăm chỉ để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến xe trở về nhà, quây quần với người thân trong không khí ấm cúng đón chào năm mới. Những khoảnh khắc, cảnh vật, con người, âm thanh của những ngày cuối năm luôn là chất xúc tác mạnh mẽ nhất để chúng ta cảm nhận rõ không có gì quý giá hơn hơi ấm gia đình. Một sớm tháng Chạp ấm áp đến lạ. Ngọn gió từ dưới sông thổi lên, xào xạc lá. Gió vi vu khúc ca cuối năm dịu dàng.
Truyện ngắn của Bùi Huy