Dạo mẹ mất, Nhâm như con chin non rơi từ trên cành cao xuống đất, Nhâm bỏ học cả tuần liền, đôi mắt lúc nào cũng sưng húp. Đêm đêm, mẹ về trong giấc ngủ, lúc vuốt ve những sợi tóc vàng hoe của Nhâm. Có đêm mẹ ghì Nhâm chặt quá nghẹt thở. Nhâm giẫy giụa, la hét vùng dậy hóa mình đang mơ. Nhâm gục xuống gối khóc dấm dứt. Ngày ngày Nhâm thơ thẩn góc nhà, xó vườn. Đôi mắt nhìn chỗ nào  cũng thấy sương lãng đãng. Bà nội Nhâm thương cháu quá, một tay dìu cháu vào nhà, một tay kéo vạt áo chấm nước mắt. Bố Nhâm nén nỗi đau trong lòng, ngồi hút thuốc vặt. Bố đã nghỉ hết phép, phải điện về đơn vị xin ở thêm tuần nữa. Ngày mai bố đã đi rồi, chỉ còn hai bà cháu trong căn nhà. Bố Nhâm đóng quân xa lắm, tận ngoài trùng khơi. Nơi ấy chỉ có chim hải âu làm bạn cùng với sóng xô vào bờ đá ì ầm. Bất chợt nhìn thấy một cánh buồm hay một con tàu, cả đảo nhảy lên reo mừng chờ đợi.

 

Thấy bố ngồi ở ghế. Nhâm lẳng lặng đến bên cạnh. Bố kéo đầu Nhâm  vào sát ngực mình, giọng nghẹn ngào:

- Bố phải về đảo, con ở nhà với bà ngoan nhé. Mẹ không ở với bố con mình nữa nhưng không phải là mất tất cả. Nhìn thấy con gái là bố nhìn thấy hình bóng mẹ ở mãi mãi trong tim!

Nhâm thấy trên má mình thấm những giọt nước mắt của người bố thân yêu. Không hiểu tại sao lúc ấy, Nhâm lại cứng cỏi đến thế, Nhâm nói với bố:

- Bố ơi, bố cứ về đơn vị. Biển xanh đang cần bố. Đảo xa đang chờ bố. Bố cứ đi làm nhiệm vụ canh giữ biển khơi Tổ quốc được bình yên. Con đã học lớp 7 rồi, con còn có bà ở bên cạnh, bố viết thư hay điện về cho con luôn là được!

- Con phải chịu khó học, lúc nào cũng nghĩ có mẹ ở bên. Thương bố, nhớ mẹ, yêu bà, con phải học thật  giỏi nhé!

Sáng sớm sau bố lên đường, Nhâm tần ngần đứng ở ngõ nhìn theo bóng bố khuất dần sau rặng tre đầu làng. Từ ngày ấy đến giờ đã hơn 3 năm trôi qua, nỗi đau đã thấm vào từng mảng da thớ thịt của Nhâm rồi. Năm nay Nhâm thi vào THPT, mới nhận được thư bố bảo sẽ về đúng dịp này. Nhâm thấp thỏm chờ đợi.

Vừa đi vun lạc ngoài bãi về, thấy xe của bố dựng ở sân, Nhâm reo lên sung sướng. Bố chạy ra, ôm chầm lấy con gái vào lòng. Bố vuốt mái tóc của Nhâm âu yếm:

- Con gái bố đã thành thiếu nữ rồi, học có giỏi không?

 - Con là lớp trưởng phải học giỏi chứ ạ!

- Ờ thế là bố mừng. Thi xong muốn đi đâu chơi bố chiều!

- Hoan hô bố nhưng con là hoa tiêu, bố chỉ làm tài xế thôi đấy!

Quang nhìn con gái bước vào tuổi dậy thì, lặng lẽ gật đầu, tủm tỉm cười. Đêm ấy, Nhâm mở nhạc đến khuya, đi ra, đi vào hát mãi câu: “Tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.... Khi con gái đã đi ngủ, Quang ra chõng tre dưới gốc cây hồng ngồi với mẹ. Bà vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa tỉ tê:

- Kỳ này con về nên tính chuyện cho mình đi. Mẹ thấy trong người ngày càng yếu. Con Nhâm học mỗi năm một lớp, càng học lớn càng vất vả quá. Thấy con bé vứt cặp xuống bàn, ăn vội bát cơm lại cầm cào, cầm cuốc lao ra ruộng, vườn tội lắm. Nó đang tuổi ăn, tuổi học đâu đã đến lúc bắt nó phải lo!

Quang rít từng hơi thuốc thật sâu im lặng một lúc rồi thủng thẳng nói:

- Cứ nghĩ đến việc ấy con mất ngủ đã bao đêm. Bây giờ cháu Nhâm đã lớn, đã hiểu biết rồi, con phải lựa  xem ý cháu thế nào mẹ ạ!

- Nó bảo với mẹ: “Lần này bố cháu về  phải bắt lấy mẹ hai cho bà nhé!”.

Sáng chủ nhật, Nhâm dậy sớm, ra vườn cắt mấy bông huệ trắng cắm lên bàn thờ mẹ. Thấy bố mặc quần áo, dắt xe ra sân, Nhâm đến bên bấm vào tay bố. Quang hiểu ý con, quay vào vái trước bàn thờ vợ rồi mới nổ máy đưa con lên huyện.

- Con gái ơi, định đi đến chỗ nào trước đấy?

Nhâm ghé vào tai bố:

- Bí mật, bao giờ đến nơi con mới nói!

Khi hai bố con đến phố huyện, Nhâm bảo bố dừng xe và thì thầm làm ra vẻ quan trọng:

- Hôm nay con cho bố gặp một người rất quen. Người ấy đã đọc tất cả thư của bố gửi về cho con!

- Ai mà con tin thế?

- Người này đã dạy con trồng hoa trước nhà mình. Cô ấy đem về giống hoa huệ và bảo con: “Mẹ cháu thích hoa huệ lắm, nhớ chăm bón cho tốt lấy hoa cúng mẹ hàng ngày nhé!”. Bố nhớ ra chưa?

- Bố chịu, xa quê lâu rồi nhớ làm sao được!

- Mẹ đỡ đầu của con đấy!

Ngày chủ nhật, cơ quan văn hoá huyện vắng tanh. Cả dãy chỉ còn một mình Thuỷ ở lại. Cô đang cắt bộ váy áo cho Nhâm, hẹn tuần sau mang về để Nhâm mặc thử. Nghe tiếng xe đỗ trước cửa, Thuỷ nhìn ra reo lên:

- A cháu Nhâm.

Thấy Quang, Thủy sững sờ, đứng dậy lúng túng chào: “Anh mới về!”.

Nhâm kéo bố vào phòng, thoăn thoắt tráng ấm, pha trà tự nhiên như ở nhà mình. Đặt bộ ấm chén lên bàn, Nhâm lễ phép:

- Bố ngồi chơi với cô, con đi mua mấy quyển sách để ôn tập!

Như bị ai đuổi, Nhâm nổ máy vụt đi. Quang nhìn Thủy lắc đầu cười:

- Lần này tôi về thấy cháu thay đổi tính nết    nhiều quá!

- Anh thấy chưa, con   gái anh đã khôn hơn tuổi    rồi đấy!

Thuỷ với vợ Quang là hai người bạn từ thuở  học sinh. Học hết lớp 7, Hiền ở nhà mấy năm rồi xây dựng gia đình với Quang. Thủy học tiếp cấp III, tiếp mấy năm đại học và về làm việc tại phòng văn hoá huyện. Hai người khác cảnh nhưng họ có một tình bạn bền chặt. Chính Thủy là người đón Nhâm khi lọt lòng và đưa cho Quang bế. Hôm Hiền mất, Thuỷ ôm chặt Nhâm ngồi bên linh cữu bạn, nước mắt đầm đìa. Quang đi xa nên ít gặp Thủy, song từ ngày Hiền mất, Nhâm hay tìm đến người bạn thân của mẹ ngày xưa. Giọng của Thủy nhẹ nhàng nhưng da diết. Quang ngồi thẫn thờ nghe...

... Con bé nó thương anh lắm. Nó bảo cháu lên với cô, ở gần cô như ở với mẹ cháu rồi. Chỉ thương bố cháu ở xa thiếu thốn tình cảm. Mỗi lần về nghỉ phép ở quê vui đấy rồi lại buồn đấy. Cứ nhìn vào mắt của bố cháu là biết. Đàn ông ở tuổi như bố cháu goá vợ khổ lắm cô nhỉ? Cô và cháu có cách nào giúp bố cháu được không? Nhiều lúc nghe nó nói như một bà cụ già, nó bảo em thế này: “Sao cô đứng chờ ai mà lâu thế. Cô định làm gái tân suốt đời hay sao. Cô còn đẹp hơn cả mẹ cháu  ngày trước đấy chứ!”. Có lần nó lại bảo: “Nhất định cháu sẽ đem về cho cô một chú thật tốt” Nghe nó nói em chỉ cười mãi. Con bé thật nhanh nhẹn và hóm hỉnh. Anh có đứa con như thế mãn nguyện quá...

- Tôi biết cháu tin cô  lắm. Bố con tôi cảm ơn  Thủy nhiều!

- Thôi nói chuyện khác đi anh, cháu Nhâm về rồi đấy!

Nhâm dựng xe, cầm chùm vải đỏ lựng bước vào. Thấy bố và cô Thủy bốn mắt nhìn nhau trong im lặng. Nhâm le te chia vải cho hai người, ngồi xuống ghế bóc vải cho cô Thủy.

- Con không công bằng rồi, sao chỉ bóc riêng cho   cô Thủy?

- Cô ơi, cô bóc cho bố cháu đi, bố cháu đang tị đấy. à bố này, từ nay cho con gọi cô Thủy là mẹ nhé, bố đồng ý đi!

Quang đưa mắt nhìn Thủy, đôi gò má đã sạm của người con gái ngoài ba mươi ửng đỏ dần. Thủy quay đi giấu những giọt nước mắt hạnh phúc đang lăn trên mi. Bỗng Thủy ôm ngang eo của Nhâm, giọng nói ngọt ngào: “Mẹ cảm ơn con gái!”

Những tia nắng sớm mai rọi vào tấm màn gió ở phòng Thủy làm lung linh những bông cúc vàng rực rỡ. 

                                                   Phạm Huy Định

 

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục