(HBĐT) - 20 ngày nữa là khắp các bản, làng trong tỉnh đón Tết cổ truyền, thời điểm này, những bó lá dong rừng đang được bà con ở xóm Cạn 1 và Cạn 2, xã Xuân Phong (Cao Phong) tập kết về “bảo quản” tại suối Cái. Một công việc thời vụ với bao niềm vui, cả những nỗi vất vả đã góp phần tạo nên một nét chấm phá thú vị trong bức tranh rộn ràng của ngày Tết.

 

 

Nhiều năm nay, mỗi độ giáp Tết, bà con xóm Cạn 2, xã Xuân Phong (Cao Phong) lại cơm nắm lên rừng cắt lá dong về bán lấy tiền trang trải trong ngày Tết.

 

Xóm Cạn 2 có trên 90 hộ người Mường, những ngày giáp Tết yên bình với những mái nhà sàn nằm kế nhau trên các sườn đồi. “Cơm cây láo (cây nứa), áo gốc giang” là câu nói từ xa xưa của bà con nơi đây khi nói về vai trò quan trọng của rừng trong đời sống của họ. Thế nên: “Thời điểm này, năm nào cũng vậy, ở dưới xóm vắng hơn thường ngày vì bà con lên rừng đi lấy lá dong hết rồi. Đi từ 4 giờ sáng, phải đến lúc mặt trời xuống núi mới về”, anh Bùi Văn Sợn, Trưởng xóm Cạn 2 lý giải.

 

10 ngày cơm nắm đi hái “lộc” rừng

 

Năm nay 62 tuổi, bà Bùi Thị Sắng, xóm Cạn 2 không còn đủ sức để vượt hàng chục cây số leo lên các dãy núi cao mờ ảo sau làng kia. Thế nhưng, nói đến ngày Tết, bà không thể nào không nhắc đến công việc “trù bị” rất quan trọng, đó là đi lên rừng lấy lá dong. Bà chia sẻ: “Trước đây, năm nào cũng đi, nhờ rừng mà chúng tôi có cái Tết đủ đầy hơn. Bây giờ tuổi cao nên không đi được nữa nhưng bọn trẻ vẫn duy trì”. Theo bà Sắng, từ khi được bà con trong vùng ưa chuộng, coi là “vựa dong rừng” thì loại lá này đã trở thành một món quà mà mẹ thiên nhiên ban cho người dân xóm Cạn mỗi độ xuân về.

 

Đi theo mẹ lên rừng lấy lá dong từ khi mới lên 10, đến năm 13 tuổi,  chị Bùi Thị Dành cùng với các bá, các mế trong xóm Cạn 2 đã cơm nắm đi 15 km đường rừng, vào tận những cánh rừng già sâu thẳm như núi Đằng Thẻo, núi Suối Bai - những nơi có nhiều vườn dong, với lá to, xanh mướt. “Đến nay cũng trên 20 năm tôi đi lấy lá dong rồi, cứ cách Tết 15 - 20 ngày là hầu như cả xóm đi lên rừng lấy lá dong. Muốn có được lá dong đẹp, được mọi người ưa chuộng thì phải đi lên núi cao, mất hơn 3 tiếng đồng hồ đi bộ mới tới nơi. Thông thường, chúng tôi sẽ đi liên tục khoảng 10 ngày, lúc nào được 1 vạn lá mới về”, chị Dành chia sẻ.

 

Đi từ lúc tờ mờ sáng, không đèn pin, chỉ có bó đuốc nhỏ, con dao dắt lưng và nắm cơm làm hành trang, những người con của xóm Cạn cứ thế đi, vượt qua không biết bao nhiêu đèo. “Xóm mình phải trên 30 người đi, chưa kể bên xóm Mừng họ cũng đi rất sớm, dẫu mệt nhưng mọi người trò chuyện với nhau rôm rả. Khi lên đến rừng, mỗi người tản ra một hướng khác nhau, tìm đến những bụi dong tốt mà những năm trước mình đã lấy. Khi đã lấy đủ 1 gánh (khoảng 1.000 lá, từ 50 - 60 kg), chúng tôi ăn vội nắm cơm rồi trở về làng”, chị Dành chia sẻ thêm.

 

Với nguồn thu chủ yếu từ làm ruộng và ít đất màu trồng mía, để có thêm thu nhập, mỗi dịp Tết đến, anh Bùi Văn Dưỡng và vợ gác lại công việc hàng ngày để đi lấy lá dong. Bất kể ngày nắng hay mưa, anh Dưỡng cùng những người hàng xóm vượt rừng, bởi, hết Tết là chẳng ai cần lá dong nữa. Vất vả là vậy nhưng nhìn những bó lá dong xanh mướt ở suối Cái, nghĩ về những gói bánh ngọt, những bộ áo mới cho con cháu ngày Tết, niềm vui lại ánh lên trong mắt họ. Sẽ không quá khi nói rằng, những người như chị Dành đang “gánh” Tết từ trên núi về, cho gia đình và cho mọi người.

 

Đổi lá dong, “gánh” Tết về…

 

Chỉ còn 5 phiên nữa là hết chợ phiên của năm cũ, chị Dành và đông đảo bà con ở các xóm: Cạn 1, Cạn 2 và Mừng chuẩn bị những chuyến đi bán lá dong ở khắp các chợ trong vùng. “Không đi sớm sẽ khó tìm được chỗ bán thuận lợi” nên từ lúc gà cất tiếng gáy canh 5, những gánh lá dong đã được bà con chở ra chợ. “Mình chủ yếu bán ở chợ Bưng, chợ Bằng và chợ Dũng Phong. Hôm nào cũng chở đi bán, bán lúc nào hết thì thôi. Năm 2013 được giá cao, bán hết 1 vạn lá, gia đình thu được 8 triệu đồng”, chị Dành chia sẻ. Theo chị Dành, nguồn thu nhập chính của gia đình chị là từ làm nông nghiệp và 3.000 m2 mía nên đời sống kinh tế vẫn còn khó khăn. Do đó, khoản thu nhập sau bao ngày vất vả lên rừng hái lá dong đã giúp gia đình chị sắm được cái Tết đủ đầy hơn.

 

Còn với ông Bùi Hồng Năng, người uy tín ở xóm Cạn: “Hồi còn trẻ, chúng tôi cũng thức khuya, dậy sớm để kịp mang lá dong đến các chợ tiêu thụ. Nói chung, khách mua toàn người quen, năm nào họ cũng đợi để mua lá dong của mình. Ngoài lá dong nếp, chúng tôi còn bán lá dong tẻ, dong chay, lá khưa (lá chuối), lạt gói bánh. Khi bán hết hàng, mình lại mua những thứ cần thiết cho ngày Tết”.

 

Trong phiên chợ Bưng ngày 27 Tết năm ngoái, chúng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những bó lá dong xếp san sát, tạo thành một màu xanh “rất Tết”. Những bó lá dong được đặt cạnh nào là mứt tết, dưa, hành, những chùm pháo, bóng bay tạo thành một phiên chợ vừa hiện đại, vừa truyền thống. Người bán nở nụ cười tươi rói mời chào, khách mua cũng gật đầu ưng ý và dành cho nhau những lời chúc tụng. Phiên chợ tan, gánh lá dong cũng đã bán hết, trên chiếc xe máy chở về bản là những gói mứt đỏ, vàng, những bộ quần áo mới. Chúng tôi muốn đặt tên cho hình ảnh đẹp đó là “gánh” Tết về nhà.

 

 “Xuân Phong có trên 98% bà con là người Mường, từ xa xưa, rừng đã có vai trò rất quan trọng đối với các bản làng. Đi lấy lá dong vừa có thêm thu nhập, vừa góp phần giữ gìn những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và nêu cao tinh thần tự giác trong việc bảo vệ rừng. Giữ được rừng thì mới có được những bó lá dong tươi xanh như vậy”, đồng chí Bùi Văn Diêng, Chủ tịch UBND xã Xuân Phong nhấn mạnh.

 

 

                                                                          Viết Đào

 

 

 

Các tin khác


Mô hình “Bình đẳng trong hôn nhân” hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Đồng chí Bùi Thị Dịnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Định Cư (Lạc Sơn) cho biết: Định Cư là xã đặc biệt khó khăn của huyện, dân tộc Mường chiếm 90%. Khi được lựa chọn tham gia dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận luật Luật An ninh mạng và Luật Hôn nhân và gia đình”, nhất là thành lập mô hình "Bình đẳng trong hôn nhân” tại xóm Mương Chóng với 30 thành viên tham gia, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến về giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã giúp nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ, hội viên phụ nữ (CB, HVPN).

Hiệu quả mô hình câu lạc bộ - “Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng”

Mô hình câu lạc bộ (CLB) "Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng” là 1 trong 2 mô hình cơ bản của dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ. Đây là mô hình tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng, mục đích nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ và cộng đồng thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng, chống lừa đảo, tội phạm trên không gian mạng, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Huyện Cao Phong ứng phó với thiên tai bất thường

Thực hiện phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, có hiệu quả với các tình huống bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, các cấp ủy, chính quyền huyện Cao Phong đã chú trọng chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại huyện Lương Sơn

Sáng 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát việc tổ chức, thi hành Luật Công đoàn tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn).

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Đà Bắc và các sở, ngành

Ngày 7/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm định các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Đà Bắc, Hội LHPN tỉnh, Hội Đông y tỉnh và Sở Y tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục