Chị Bùi Thị Thu, xóm Vai Đào phấn khởi chia sẻ: Trước đây, diện tích đất của gia đình chủ yếu trồng keo, bương, luồng hiệu quả kinh tế thấp, không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Khi UBND xã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả… năm 2015, gia đình tôi đã phá diện tích đất trồng keo, luồng để trồng thay thế các loại cây có giá trị. Hiện nay, 3 ha đất của gia đình trồng nhãn và bưởi, cam, bước đầu các loại cây trồng phù hợp với chất đất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng mức thu nhập bình quân của gia đình lên hàng trăm triệu đồng/năm.
Chị Bùi Thị Thu, xóm Vai Đào, xã Cao Răm (Lương Sơn) chăm sóc vườn nhãn của gia đình.
Khoảng 5 năm trước, diện tích đất ở Cao Răm chủ yếu trồng mía, chuối, sả, keo… nay được thay thế bằng trồng cây ăn quả. Toàn xã có khoảng 60 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, bưởi và nhãn. Sau khi trồng thử nhiều loại cây khác nhau, người dân nhận thấy nhãn là cây phù hợp với đất đồi và chỉ 2 - 3 năm là cho thu hoạch. Chất lượng quả thơm, ngọt đậm. Với việc tích cực chuyển đổi cây trồng, Cao Răm xuất hiện nhiều hộ làm kinh tế giỏi thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm như gia đình các anh: Nguyễn Văn Hắc, Đinh Công Thìn, Quách Đình Khánh (xóm Vai Đào)…
Đồng chí Hoàng Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Cao Răm cho biết: Để hỗ trợ người dân làm kinh tế hiệu quả, hướng tới giảm nghèo bền vững, xã Cao Răm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KH-KT giúp người dân nắm vững kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi đúng thời kỳ. Xã mời các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp về hướng dẫn kỹ thuật bón phân, cải tạo đất; phòng trừ các loại sâu bệnh. Trung bình mỗi năm, xã tổ chức 5 - 6 lớp chuyển giao KH-KT, phòng trừ sâu bệnh cho cây có múi và cây ăn quả. UBND xã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT giải ngân cho nhân dân vay vốn phục vụ sản xuất, chăn nuôi, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Tổng dư nợ Ngân hàng chính sách xã hội hơn 7 tỷ đồng, Ngân hàng NN&PTNT 8,4 tỷ đồng.
Với sự nỗ lực không ngừng của Đảng ủy, UBND xã, công tác giảm nghèo của xã Cao Răm có sự chuyển biến rõ rệt. Trước năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã 12,46%, đến năm 2016 giảm còn 10,3%; thu nhập bình quân đầu người 22 triệu đồng. Năm 2017, ước tỷ lệ hộ nghèo còn 9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng.
Thu Thủy