Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Quynh, Chủ tịch UBND xã Lạc Sỹ cho biết: "Với địa hình đặc thù đa phần là đồi núi, độ dốc cao, địa bàn xã Lạc Sỹ bị con sông Sào (hay còn gọi là suối Sỹ) chia cắt thành nhiều chòm dân cư nhỏ, lẻ. Theo thống kê, tổng diện tích toàn xã có 2.868 ha, tuy nhiên, diện tích đất ở chỉ có 54 ha. Do đó, các hộ dân sinh sống thưa thớt, tập trung tại các dải chân đồi và ven sông. Đây là những khu vực tiềm ẩn nguy cơ bị ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét vào mùa mưa bão. Trận lũ lịch sử diễn ra từ ngày 9- 12/10 vừa qua khiến đời sống nhân dân bị đảo lộn, thiệt hại nặng nề về kinh tế. Mưa lớn trong nhiều ngày làm sạt lở hàng trăm điểm lớn, nhỏ trên địa bàn xã khiến 1 căn nhà sập hoàn hoàn và lũ cuốn trôi 1 căn nhà, rất may không xảy ra thương vong. 115 hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng của sạt lở đất. Trong đó, 34 hộ dân sinh sống tại các xóm Hạ 1, Hạ 2, Thượng thuộc diện cấp bách cần di dời đến nơi an toàn.
Các hộ sinh sống ven sông Sào, xóm Hạ, xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) nằm trong vùng bị ảnh hưởng của sạt lở đất và lũ quét.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã đã họp bàn, triển khai di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình các điểm sung yếu có nguy cơ sạt lở cao để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Thành lập các điểm chốt chặn, trực 24/24h nhằm cảnh báo và cấm người dân di chuyển qua khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không trở về nhà khi chưa có thông báo từ chính quyền địa phương.
Cùng cán bộ UBND xã, chúng tôi đến xóm Hạ 1, Hạ 2 và Thượng. Dọc con đường dẫn vào trung tâm xóm, các hộ dân sinh sống chủ yếu tại chân đồi và ven sông. Phía trên đồi, khối lượng đất, đá lớn đã sạt lở kéo theo nhiều diện tích keo đang chuẩn bị tới kỳ thu hoạch. Nhìn từ phía dưới lòng sông, những căn nhà nằm cheo leo, chênh vênh bị nước lũ tàn phá, khoét sâu vào chân cột nhà, tiềm ẩn nguy cơ có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Anh Bùi Văn Chiến ở xóm Hạ 1 cho biết: "Mưa lớn làm khối lượng đất, đá lớn đổ xuống khiến căn nhà tôi bị đổ sập hoàn toàn. Hiện nay, gia đình tôi đã dựng lán tạm cạnh đường để ở. Mong muốn trong thời gian sớm nhất, các ngành chức năng hỗ trợ, giúp đỡ tôi và các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm được chuyển tới nơi ở mới ổn định cuộc sống”.
`Để hỗ trợ kịp thời các hộ dân bị thiệt hại nghiêm trọng do hậu quả thiên tai, huyện Yên Thủy đã hỗ trợ 2 hộ dân bị mất nhà, mỗi hộ 20 triệu đồng. Ngoài ra, 10 hộ dân chịu ảnh hưởng được hỗ trợ 500.000 đồng/hộ. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng tuyên truyền, vận động bà con tạo điều kiện giúp đỡ các hộ nằm trong khu vực nguy hiểm được ở tạm, xen ghép trong thời gian chờ tái định cư.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: "Vấn đề đặt ra trong công tác di dân, tái định cư đối với chính quyền xã hiện nay là nguồn quỹ đất ở hạn hẹp, rất ít khu vực bằng phẳng và an toàn để sinh sống. Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ tái định cư rất lớn mà địa phương không thể đáp ứng được. Vì vậy, chính quyền xã mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ các ngành chức năng hỗ trợ về kinh phí để di chuyển các hộ dân đến nơi ở mới. Qua đó tạo điều kiện cho người dân yên tâm sinh sống, dần ổn định cuộc sống.
Đức Anh