(HBĐT) - Do đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật hạn chế, hủ tục lạc hậu trói buộc, tác động xấu của thông tin không lành mạnh trên mạng xã hội… Nạn tảo hôn vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo
bà Ngô Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm CSSKSS (Sở Y tế): Do tảo hôn, nhiều trẻ mang
thai sớm, cơ thể chưa hoàn thiện về giải phẫu và sinh lý, tâm lý. Đây là một
trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tử vong mẹ trong độ tuổi từ 15-19 cao
hơn so với các bà mẹ trưởng thành và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho
trẻ em gái liên quan đến thai kỳ. Tảo hôn còn khiến nhiều trẻ thất học, mù chữ, nghèo đói. Đặc biệt, nhiều gia
đình tảo hôn thường có con sớm và đông con nên kinh tế càng khó khăn. Bên cạnh đó, những cặp vợ
chồng lấy nhau quá sớm, sự hiểu biết, suy nghĩ chưa chín chắn dễ phát sinh bạo
lực gia đình, gây stress và trầm cảm sau những sang chấn về tâm thần. Trong đó,
tỷ lệ tảo hôn ở trẻ em nữ nhiều hơn trẻ em nam. Trẻ em nữ sau kết hôn thường bị
bạn bè đồng lứa cô lập và bỏ rơi. Những hệ luỵ do tảo hôn đã và đang gióng lên
hồi chuông cảnh tỉnh đối với chất lượng cuộc sống của chính những gia đình "trẻ
con”, rộng hơn là của cộng đồng dân cư khu vực đó.
Trạm
y tế xã Bình Chân (Lạc Sơn) tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức cho nhân
dân trên địa bàn để xóa tập tục lạc hậu và giáo dục con em có sự
lựa chọn đúng đắn về hôn nhân.
Thực tế cho thấy, đi kèm với nạn tảo hôn là tình
trạng đẻ nhiều, đẻ dày. Từ vấn nạn này chuyện thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ con
không được đi học, không được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế, văn hóa tinh
thần là chuyện tất yếu. Việc nuôi con thiếu hiểu biết cũng như chưa có ý thức
trách nhiệm khiến đứa trẻ sinh ra từ các gia đình "trẻ con” thường bị bị suy
dinh dưỡng, còi cọc, dễ mắc bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Không những
thế, hầu hết cuộc sống của những gia đình trẻ này lâm vào cảnh khó khăn do chưa
có kiến thức và hiểu biết để tự lo cho cuộc sống gia đình. Nhiều trường hợp mâu
thuẫn, cãi vã, thậm chí đánh đập nhau rồi ai đi đường nấy, bỏ lại những đứa con
bơ vơ không cha, không mẹ. Sau các đám cưới tảo hôn, không ít bố mẹ và các gia
đình "trẻ con” phải còng lưng trả nợ, có nhà phải bán ruộng rồi kéo nhau đi làm
thuê, làm mướn...
Tháng 9 vừa qua, Hội LHPN tỉnh phối hợp với ban,
ngành liên quan tổ chức giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo
triển khai thi hành Luật HN&GĐ năm 2014; công tác tổ chức thực hiện đăng ký
kết hôn của cơ quan có thẩm quyền cấp xã, phường, thị trấn; công tác tuyên
truyền, phổ biến pháp luật về Luật HN&GĐ tại 3 huyện Cao Phong, Mai Châu và
Lạc Sơn. Theo số liệu báo cáo, tổng hợp, trong 8 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh
có 267 trường hợp tảo hôn, chiếm 10,7%, tập trung độ tuổi từ 15 trở lên và nữ
giới chiếm tỷ lệ cao hơn so với nam giới (nữ 171, nam 96). Một số huyện chiếm
tỷ lệ cao như: Mai Châu 81cặp, Lạc Sơn 37 cặp, Cao Phong 22 cặp. Tuy nhiên theo
báo cáo cũng như khảo sát trực tiếp chỉ có 1 trường hợp bị ép buộc kết hôn là
bé gái 13 tuổi ở xã Hang Kia (Mai Châu).
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hoàng Thị Duyên đánh giá:
Kết quả giám sát cho thấy, nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
và toàn xã hội trong việc thực hiện Luật HN&GĐ đã được nâng lên rõ rệt.
Trường hợp tảo hôn trong toàn tỉnh có xu hướng giảm, năm 2015 có 664 trường hợp,
8 tháng năm 2017 giảm xuống còn 267
trường hợp. Từ khi Luật HN&GĐ năm 2014 có hiệu lực, các cặp chưa đủ tuổi
kết hôn đều không được chính quyền xã cấp giấy đăng ký kết hôn. Qua đó, xác
định nguyên nhân chính của tình trạng
tảo hôn là do những quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu, muốn thêm có
lao động cho gia đình; Quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối
với các trường hợp tảo hôn mức xử phạt chưa đủ sức dăn đe; sự can thiệp từ phía
chính quyền địa phương đối với các
trường hợp tảo hôn chưa mạnh mẽ, thiếu quyết liệt, còn nể nang. Công tác tuyên
truyền một số cơ sở chưa sâu sát. Giới trẻ thiếu hiểu biết về SKSS-KHHGĐ và các
dịch vụ CSSKSS, tình dục; do tác động của một số trang mạng xã hội không lành
mạnh...
Từ những hệ lụy của nạn tảo hôn, bà Ngô Thị
Phượng, Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh khuyến nghị: "Cần tạo môi trường thân
thiện cho vị thành niên, thanh niên trong việc tiếp cận các dịch vụ về CSSKSS ở
những vùng tảo hôn. Quan tâm ưu tiên thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và chống
phân biệt đối xử nam nữ. Chú trọng cải thiện sự tiếp cận với thông tin, trao
cho các em cơ hội được đi học, được cung cấp kiến thức về kỹ năng sống, sức
khỏe tình dục và sinh sản; cho các em có không gian sống an toàn, cải thiện
sinh kế và an sinh xã hội. Về lâu dài cần đầu tư nhiều hơn nữa về kinh tế, giáo
dục, y tế... nhằm nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc
thiểu số, đặc biệt là thế hệ trẻ để vượt qua áp lực của tập tục lạc hậu, từ đó
có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân. Cần bảo đảm các em gái ngay cả khi đã kết
hôn vẫn có nhiều lựa chọn và cơ hội tốt cho tương lai”.
Vấn nạn
tảo hôn vẫn là thực trạng khá nhức nhối ở một số địa phương trong tỉnh. Điều
này không những vi phạm pháp luật mà còn để lại những hệ luỵ khó lường đối với
cuộc sống của các cặp vợ chồng trẻ. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, các địa
phương cần nhận thức rõ nguyên nhân của nạn tảo hôn để chủ động xây dựng kế
hoạch, kinh phí và lồng ghép với các chương trình, chính sách đang triển khai
nhằmngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn, nhất là ở các địa
bàn trọng điểm có tỉ lệ tảo hôn cao”.
Đức Phượng