(HBĐT) - Mỗi con búp bê Kuman Thong được cho là nơi trú ngụ linh hồn của một đứa trẻ đã chết. Kuman Thong được đặt trong nhà và "nuôi” như một đứa trẻ bằng cách cho uống nước lọc, uống sữa... Kuman Thong được đồn thổi là có quyền năng siêu phàm như: tăng ích, kính ái, tức tai, hàng phục, câu triệu… Đây là một hiện tượng mang nặng tính mê tín dị đoan, không phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Đáng tiếc là trên địa bàn tỉnh ta đã phát hiện 1 trường hợp nuôi búp bê Kuman Thong, hiện tượng "búp bê Kuman Thong” cũng đang được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội. Thực tế này đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương để ngăn chặn sự xâm nhập của búp bê Kuman Thong vào tỉnh ta.






Là một món hàng siêu lợi nhuận, xác búp bê Kuman Thong cũng được thu muacông khai trên mạng xã hội. 

Búp bê Kuman Thong là gì?


Ngày 1/4/2019, Sở Nội Vụ đã có Công văn số 770/SNV-TG về việc "hiện tượng búp bê Kuman Thong”. Trong đó nêu rõ, Kuman Thong là một loại thần giám hộ huyền bí theo tín ngưỡng dân gian Thái Lan. Trong tiếng Thái, "Kuman” có nghĩa là "cậu bé thanh tịnh” (hay "Kumara” là "cô bé thanh tịnh”), "Thong” nghĩa là "vàng”, "Kuman Thong” nghĩa là "cậu bé vàng” hay còn được gọi là "quỷ linh nhi”. Theo các tu sỹ Phật giáo Thái Lan, ban đầu, búp bê Kuman Thong được tạo ra với mục đích giúp đỡ những linh hồn hài nhi bị chết oan hoặc không có nơi nương tựa được siêu thoát. Các nhà sư cho rằng, khi đứa trẻ chết đi, thân xác phân hủy, nhưng linh hồn của chúng còn tồn tại và cần nơi trú ngụ. Do vậy, các nhà sư hoặc pháp sư sẽ lấy một bộ phận trên xác chết hài nhi (tóc, móng tay chân, xương…) để tạo thành bùa, sau đó yểm vào một vật cụ thể như búp bê. Con búp bê sẽ là nơi trú ngụ linh hồn của đứa trẻ bị chết, được đặt trong nhà và được chăm sóc như một đứa trẻ, được nghe kinh Phật để tạo nghiệp lành, xóa bỏ nghiệp dữ trong quá khứ, qua đó, chúng sẽ được tái sinh vào nơi tốt hơn.

Búp bê Kuman Thong không được coi là một phần trong Phật giáo chính thống, nhưng nó phổ biến ở Thái Lan từ thời cổ đại. Cùng với sự tuyên truyền về khả năng siêu nhiên của búp bê, các pháp sư, đạo sỹ đã "biến tướng” và sử dụng nguyên một thai nhi mang sấy khô rồi tạo ra "búp bê Kuman Thong” nhằm làm tăng giá trị cũng như tính thần bí của loại búp bê này.

  Búp bê Kuman Thong được đồn thổi là có những quyền năng siêu phàm khiến nó vẫn là một thứ hàng phi pháp đắt giá tùy vào chất liệu, hình dáng và "năng lực” của mỗi loại. Người nuôi, thờ búp bê Kuman Thong chủ yếu là giới kinh doanh, buôn bán với nhiều mục đích như: tăng ích (chiêu tài, câu khách, buôn may bán đắt); kính ái (tạo tình cảm); tức tai (bảo hộ thân chủ trong những trường hợp gặp nguy hiểm, mách bảo trước những chuyện nguy hiểm…); hàng phục (phá phách đối thủ); câu triệu (gọi người đi xa)… Tại Việt Nam, việc nuôi và thờ cúng "búp bê Kuman Thong” đã xuất hiện tại một số địa phương, chủ yếu là ở một bộ phận doanh nhân, người buôn bán, thậm chí có cả những đối tượng là trộm cướp, lừa đảo… Việc mua, bán búp bê Kuman Thong không khó khăn khi có hàng chục hội, nhóm kín được lập ra trên mạng xã hội chuyên mua bán và trao đổi kinh nghiệm chăm sóc búp bê Kuman Thong. Tại tỉnh ta, vào tháng 12/2018 đã phát hiện trường hợp nuôi búp bê Kuman Thong đầu tiên là một sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình.

Xung quanh việc phát hiện trường hợp đầu tiên nuôi búp bê Kuman Thong tại tỉnh ta

Tháng 12/2018, trong quá trình kiểm tra thường xuyên việc thực hiện nề nếp, nội quy đối với sinh viên nội trú và ngoại trú, Phòng Chính trị - Công tác Học sinh sinh viên và Ban quản lý ký túc xá (KTX) trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình đã phát hiện 1 sinh viên năm thứ nhất (K27) nuôi 3 con búp bê Kuman Thong (gọi những con búp bê này là "con”, xưng "mẹ”) tại phòng ở trong KTX. Ngoài ra, sinh viên này còn chia sẻ những thông tin, hình ảnh về khả năng siêu nhiên của búp bê Kuman Thong trên trang facebook cá nhân.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ Hường, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình cho biết: Ngay sau khi phát hiện sự việc, xét thấy việc em sinh viên nuôi búp bê Kuman Thong và những vấn đề liên quan sẽ ảnh hưởng đến nền nếp KTX, tình hình ANTT cũng như tạo dư luận tiêu cực và tâm lý hoang mang đối với sinh viên. Do đó, nhà trường đã trực tiếp làm việc với em sinh viên, tìm hiểu tâm tư, suy nghĩ và vận động, giáo dục, nhắc nhở, đồng thời yêu cầu em ký cam kết không lợi dụng tự do tín ngưỡng để thực hiện những hành vi mê tín dị đoan, không tuyên truyền tín ngưỡng trái pháp luật và không vi phạm các nội quy của KTX. Nhà trường cũng đã thông báo với gia đình, báo cáo tình hình với Công an phường Chăm Mát (TP Hòa Bình), Phòng PA 03 (Công an tỉnh), Sở GD&ĐT. 

Nhằm giải quyết rốt ráo sự việc, ngày 1/4/2019, tập thể lớp em sinh viên này đang theo học đã họp lớp, kiểm điểm do em có một số lời nói chưa đúng mực với thầy, cô giáo và vi phạm nội quy KTX (đã từng nuôi búp bê Kuman Thong), đề nghị hình thức kỷ luật là khiển trách. Tiếp đó, ngày 2/4/2019, nhà trường đã có buổi làm việc với gia đình và sinh viên nuôi búp bê Kuman Thong, yêu cầu gia đình phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục con em; yêu cầu sinh viên phải thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế của nhà trường.

Đồng chí Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết thêm: Thời điểm hiện tại, trong phòng ở của sinh viên đã từng nuôi Kuman Thong tại KTX không còn nuôi búp bê Kuman Thong, em cũng không có hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan liên quan đến hiện tượng này, trên trang facebook cá nhân của em đã xóa hết những thông tin, hình ảnh liên quan đến búp bê Kuman Thong. Tuy nhiên, nhà trường vẫn yêu cầu các bộ phận liên quan thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giáo dục, nhắc nhở sinh viên này để nhận thức rõ sai trái trong việc làm của mình, không tái phạm. Nhà trường cũng tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên về hiện tượng "Búp bê Kuman Thong”; kiên quyết xử lý và có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những trường hợp vi phạm.

Ngăn chặn búp bê Kuman Thong xâm nhập vào tỉnh ta 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, lợi dụng mạng xã hội, các nhóm kín về nuôi Kuman Thong, các trang bán và hướng dẫn nuôi Kuman Thong xuất hiện dày đặc, cùng với đó là việc đăng tải tràn lan những bài viết về quyền năng siêu phàm khiến một số người dân, trong đó có các bạn trẻ dễ bị dụ dỗ, lôi kéo tin và nghe theo. Có thể kể đến các nhóm trên facebook như: "Nhóm nuôi và chăm sóc kumanthong”, "Nhóm nuôi kumanthong và lukthep”, "Hội kumanthong”, "Bùa thiêng phong thuỷ”… Ở đó, hàng ngày, các thành viên thường chia sẻ cách chăm sóc búp bê, cho ăn, dạy dỗ khi "con” hư. Thậm chí, một số bạn trẻ còn tổ chức các buổi giao lưu bên ngoài, đem theo "các con”, trao đổi quần áo, kinh nghiệm làm "các con” vui… Có thành viên còn chụp và đăng ảnh "bế con” đi uống cà phê, đi chợ, cắm ống hút vào chai nước hoặc hộp sữa cho Kuman Thong uống… Ngoài yếu tố mê tín dị đoan, việc nuôi Kuman Thong đang dần lan rộng, hình thành một trào lưu "quái đản” trong giới trẻ, dễ dẫn dụ giới trẻ tham gia. Đặc biệt, giá các búp bê Kuman Thong cũng không hề rẻ nếu không muốn nói là "siêu lợi nhuận” nên các đối tượng xấu, người bán Kuman Thong cố ý thổi phồng sự thật về quyền năng của Kuman Thong để lừa gạt những người cả tin.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Duy Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Thực tế, hiện tượng nuôi búp bê Kuman Thong cho thấy cần thống nhất nhận thức và đồng bộ trong công tác đấu tranh đối với hiện tượng này trên cơ sở nhận diện, xác định rõ đây là một hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với truyền thống văn hóa và pháp luật của Việt Nam. Cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân thấy rõ bản chất mê tín, vi phạm pháp luật của hiện tượng này, từ đó không tham gia sản xuất, mua bán, sử dụng búp bê Kuman Thong. Các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội, UBND các huyện, thành phố cũng cần tuyên truyền để các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và nhân dân thực hành niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn, không lệch chuẩn với các giá trị đạo đức xã hội tốt đẹp. Kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi cực đoan, vi phạm pháp luật trong việc tuyên truyền, hành nghề mê tín dị đoan, đặc biệt với tội phạm buôn bán thi thể người. Nắm chắc tình hình tại địa bàn cơ sở, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân mua bán, sử dụng búp bê Kuman Thong và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Hiện tượng nuôi, mua bán búp bê Kuman Thong có thể bị xử lý theo văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như:
1. Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có: Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác; mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác; lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại” (Điều 11).
2. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, trong đó quy định xử phạt về hành vi yểm bùa, phù chú để trục lợi; hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam.
3. Luật Đầu tư năm 2014 quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, gồm: mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người, trẻ em bào thai.
4. Bộ luật Hình sự năm 2015 có Điều 154 quy định về "tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người”; Điều 320 quy định về "Tội hành nghề mê tín, dị đoan”.
5. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 có Điều 5 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có: "Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự của người khác”; "Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.


                                                                                          Nhóm PV phòng VHXH


Nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội

Hiện tượng "Búp bê Kuman Thong” là một hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc và vi phạm những quy định của pháp luật Việt Nam. Làm tổn hại về kinh tế, nảy sinh tâm lý hoang mang, ỷ lại, trông chờ vào vận may, bùa phép ở những người tin theo và xâm hại đời sống tinh thần của nhân dân. Nếu việc sản xuất, mua bán, sử dụng hiện tượng này không được ngăn chặn kịp thời, để trở nên phổ biến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân và dẫn đến những nguy cơ xấu đối với xã hội như: gia tăng các hoạt động mua, bán thi thể thai nhi, các hình thức lừa đảo để trục lợi phi pháp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Do đó, người dân cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với hiện tượng mê tín dị đoan này. Các gia đình cũng cần quan tâm, quản lý con em sát sao, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng các cháu để kịp thời uốn nắn những sai lệch trong nhận thức, việc làm.

Nguyễn Thế Duõng
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình

   
 * Phụ huynh cần theo sát hoạt động của con trên mạng xã hội

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, việc nhập hồn cho búp bê để nuôi, để cầu tài lộc chỉ là một sự đắp vẽ, mê hoặc quần chúng, nhằm vào những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, mơ hồ để trục lợi là chính. Điều đáng lo ngại là việc nuôi búp bê Kuman Thong lại đang rầm rộ trong giới trẻ.

Trào lưu nuôi búp bê Kuman Thong là một minh chứng cho những tác động tiêu cực, mặt trái của mạng xã hội. Các con thích cái mới, lạ, hay a dua theo trào lưu mà nhiều khi cũng chưa hiểu hết vấn đề cũng như những tác hại, hậu quả của việc mình làm. Chính vì thế rất dễ dẫn đến việc "thấy trên mạng họ nuôi”, "thấy bạn mình nuôi”… nên cũng nuôi theo để thể hiện cái "tôi”, thậm chí cho rằng đó là sành điệu, hợp thời. Cá nhân tôi nghĩ, việc nuôi búp bê Kuman Thong sẽ khiến cho giới trẻ trở nên mê tín, cuồng tín; có những suy nghĩ và quan điểm sống lệch lạc, ảnh hưởng đến việc hình thành đạo đức, nhân cách các con sau này. Điều này đòi hỏi phụ huynh cần có những thay đổi trong suy nghĩ cũng như nuôi dạy, quản lý con em, không nên chủ quan với những biểu hiện khác thường của con. Không xâm phạm vào cuộc sống riêng của các con, nhưng phụ huynh cần biết về  mối quan hệ bạn bè, mối quan tâm của con, đặc biệt cần theo sát các hoạt động của con trên mạng xã hội để kịp thời ngăn chặn những biểu hiện bất thường, hành vi lệch lạc.

Nguyễn Ngọc Hà
                                                  Tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình)                                                                                                     



Các tin khác


Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các Tổ liên gia an toàn PCCC huyện Cao Phong

Huyện Cao Phong vừa tổ chức Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn.

Khánh thành bể bơi phòng tránh đuối nước Trường TH&THCS xã Chiềng Châu

Sáng 22/4, tại Trường TH&THCS xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu đã diễn ra lễ khánh thành bể bơi phòng tránh đuối nước trường TH&THCS xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu. Tới dự và cắt băng khánh thành có các đồng chí: Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch danh dự Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai; Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai; Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Quỹ Thiện tâm; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và huyện Mai Châu.

Agribank Chi nhánh huyện Kim Bôi trao tặng xã Vĩnh Đồng 50 thùng đựng rác 

Hưởng ứng các hoạt động "Vì tương lai xanh năm 2024”, Agribank Chi nhánh huyện Kim Bôi vừa phối hợp UBND xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) tổ chức trao tặng công trình bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới năm 2024 tại xã.

Ban Tiếp công dân tỉnh: Tiếp nhận 76 đơn thư các loại

Từ ngày 14/3 - 12/4, Ban Tiếp công dân tỉnh đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 76 đơn thư (trong đó: khiếu nại 11 đơn; tố cáo 8 đơn; kiến nghị, phản ánh 57 đơn); nội dung đơn liên quan đến lĩnh vực đất đai 58 đơn, lĩnh vực khác 18 đơn. Các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Quy định mới về Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý hoạt động đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Họp Ban Chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển tỉnh năm 2024

Ngày 17/4, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác dân số và phát triển tỉnh đã chủ trì cuộc họp của BCĐ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục