Nông dân xã Ngọc Lương (Yên Thủy) tận dụng mọi nguồn nước để chống hạn do nắng nóng kéo dài.
Trưởng Phòng NN&PTNN huyện Bùi Văn Mậu cho biết: Nắng nóng kéo dài đã làm khoảng 2.637,6 ha cây trồng trên địa bàn bị hạn hán, thiếu nước. Trong đó, có 731,2 ha bưởi; 999,3 ha lúa đã cấy; 907,1 ha cây rau màu như: bí xanh, ngô, lạc, rau các loại. Ngoài ra, có 1.298,6 ha không có nước để gieo trồng, gồm 764,1 ha lúa, 534,5 ha rau màu. Tại các xóm Đại Đồng, Kim Quan (xã Ngọc Lương), Ninh Hoà (xã Yên Trị), Đội 2 (xã Bảo Hiệu), xóm Cả (thị trấn Hàng Trạm)…, 731,2 ha bưởi bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều cây quả bị héo, rụng.
Ông Vũ Xuân Oanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Đồng (xã Ngọc Lương) trăn trở: Đã hàng chục năm, đây là đợt nắng hại gay gắt và gây thiệt hại nặng nề nhất. Nước giếng, ao, hồ hầu hết đã cạn kiệt. Gia đình tôi phải dò tìm trên 3 sào đất, đào 3 lần mới may mắn tìm được mạch nước ngầm để đào hố tích nước cứu diện tích bưởi đang khô héo. Để khắc phục tình trạng thiếu nước, nhiều hộ ở Ngọc Lương và nhiều xã khác phải thuê máy về khoan giếng, nhưng không ít tốp thợ đã chuyển máy khoan đến phải chuyển về vì không tìm được mạch nước ngầm. Nắng hạn kéo dài chắc chắn mùa bưởi năm nay sẽ thất thu.
Do các công trình hồ chứa đều ở dưới mực nước chết, không có nước để gieo cấy các loại cây trồng theo khung thời vụ, ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất các loại cây trồng vụ mùa, hè thu 2020 của huyện Yên Thủy. Không chỉ thiếu nước sản xuất, nhiều xóm thuộc xã Đoàn Kết, Ngọc Lương, Bảo Hiệu còn thiếu cả nước ăn, nước sinh hoạt hàng ngày.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Thị Kim Cúc cho biết: Trước tình trạng nắng hạn gay gắt kéo dài, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo sản xuất, ứng phó với tình trạng nắng nóng, hạn hán. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các giải pháp chống hạn như: nạo vét kênh mương, các công trình hồ, đập, khoan giếng khai thác nước ngầm, tận dụng nguồn nước tại các ao, hồ để bơm nước chống hạn… Bố trí kinh phí từ ngân sách xã để triển khai các giải pháp chống hạn. Chỉ đạo các tổ hợp tác dùng nước ở các xã tăng cường điều tiết nguồn nước, tưới tiết kiệm, hợp lý, hạn chế thấp nhất diện tích lúa bị hạn. Hướng dẫn nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa không chủ động nguồn nước sang trồng các loại cây rau màu như ngô, bí xanh. Đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân sử dụng nước tiết kiệm, áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm trên cây trồng như biện pháp nhỏ giọt, phun mưa. Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, tổ hợp tác dùng nước các xã tăng cường điều tiết nguồn nước đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý, hạn chế thấp nhất diện tích lúa bị hạn. UBND huyện cũng đề nghị Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND huyện cho chủ trương trích 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện để ứng phó khẩn cấp với tình trạng hạn hán hiện nay.
Thực tế cho thấy, mặc dù đã nắm chắc tình tình, chỉ đạo sát sao, nhưng việc chống nắng hạn huyện Yên Thủy đã, đang triển khai cũng chỉ là các giải pháp tình thế. Bên cạnh đó, ngân sách huyện còn hạn hẹp, không đủ để hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai. Thực trạng đó đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền, để người dân trong huyện có điều kiện khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, nhằm sớm ổn định sản xuất và đời sống.
Đức Phượng