(HBĐT) - Với tầm quan trọng của việc kích cầu tiêu dùng hàng Việt, ngày 10/4/2015, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 107-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ). Sau khi Kết luận được ban hành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành 8 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Công tác tuyên truyền về CVĐ được thực hiện bằng nhiều hình thức đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân, doanh nghiệp. Các đoàn thể CT-XH vận động hội viên thực hiện các phong trào, CVĐ như: "Thanh niên tỉnh Hòa Bình đồng hành cùng hàng Việt Nam”, "Phụ nữ tích cực thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng"...
Các sở, ngành chức năng tham mưu sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, tổ chức các kênh phân phối đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, xa. Tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn mua sắm hàng Việt, đặc biệt sản phẩm được sản xuất trong tỉnh. Thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, giá cả phục vụ Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Các doanh nghiệp, cơ sở phân phối hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng CVĐ. Các siêu thị: Vì Hòa Bình, Vinmart, Vinmart+, Hoàng Sơn... đều có từ 80% trở lên hàng Việt. Đối với Công ty CPTM Định Nhuận, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình), 100% hàng hóa phân phối tới hơn 1.000 cửa hàng tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh là hàng Việt.
Các ngành chức năng 5 năm qua đã phối hợp tổ chức 34 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện. Xây dựng 4 điểm bán hàng Việt cố định tại các xã vùng cao, vùng xa của các huyện. Tiếp nhận gần 15.000 chương trình khuyến mại; các doanh nghiệp đều đăng ký tại Sở Công Thương. Tham mưu, phối hợp tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại tại tỉnh và tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong tỉnh ở ngoài tỉnh. Thông qua đó, một số sản phẩm tiêu biểu được tham gia kết nối cung cầu như: rượu Mường Đình, cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, măng Kim Bôi, cao xạ đen, trà giảo cổ lam, chè Shan tuyết, hạt Sachi...
Bên cạnh đó, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm về chất lượng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, phòng chống dịch bệnh. Ngăn chặn, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường.
Các cơ quan, đơn vị kiểm soát chặt chẽ việc ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm công. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hoàng Văn Chính: Sở thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại. Chủ động nắm bắt tình hình giá cả hàng hóa, ổn định thị trường, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, thực hiện mua sắm công theo tinh thần CVĐ. 5 năm qua, 6 dự án, công trình do Sở làm chủ đầu tư đều do các doanh nghiệp trong nước cung cấp, với tổng kinh phí 373 tỷ đồng. Kinh phí mua sắm nhỏ, khoán hành chính sử dụng hàng Việt được trích từ nguồn NSNN 2,56 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh, Phó Ban TT Ban chỉ đạo CVĐ Trần Đức Trường đánh giá: CVĐ tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, huy động được các cấp, ngành, tổ chức CT-XH, doanh nghiệp vào cuộc, tạo sự chuyển biến sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, góp phần khơi dậy tự tôn dân tộc; phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, hàng Việt trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, nhất là tình trạng hàng giả, kém chất lượng, nhái thương hiệu Việt lưu thông bất hợp pháp trên thị trường, đặc biệt ở vùng nông thôn, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Để CVĐ đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, các ngành thành viên cần phát huy vai trò chủ động, tích cực trên cơ sở phối hợp nhịp nhàng cùng thực hiện mục tiêu chung.
Cẩm Lệ