Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc kết nối, tiêu thụ các nông sản, thủy, hải sản đến thời điểm thu hoạch của hai tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn.
Một điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản Hải Dương tại trụ sở Liên minh HTX thành phố Hà Nội (số 217 Trần Phú, Hà Đông).
Với tinh thần tương thân tương ái, TP Hà Nội đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân các tỉnh bạn tiêu thụ sản phẩm.
Mấy ngày qua, từ sáng sớm, những chiếc xe tải chở cà chua, bắp cải, súp lơ, ổi, gà... từ tỉnh Hải Dương tấp nập chuyển hàng xuống "Ðiểm bán hàng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn của các hợp tác xã (HTX) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" do Liên minh HTX thành phố Hà Nội phối hợp các đơn vị triển khai trên đường Cổ Linh (quận Long Biên, Hà Nội). Ðeo khẩu trang, găng tay kỹ càng, các tình nguyện viên hỗ trợ người mua chọn hàng, báo giá. Người mua cũng nhanh chóng chọn hàng, trả tiền mà không hề mặc cả, thậm chí có người còn trả cao hơn để ủng hộ cho nông dân. Bà Nguyễn Minh Châu (ở phố Tư Ðình, quận Long Biên) cho biết: "Thời gian này, giá rau ngoài chợ cũng khá rẻ, nhưng tôi vẫn ra đây mua ủng hộ bà con tỉnh Hải Dương. Gia đình không ăn hết thì chia cho hàng xóm, họ hàng. Tôi mong mọi người chung tay giúp người nông dân tỉnh bạn trong thời điểm khó khăn này".
Ðại diện Liên minh HTX thành phố Hà Nội cho biết: "Tất cả nông sản được hỗ trợ tiêu thụ đợt này đều là sản phẩm an toàn, được truy xuất nguồn gốc của các HTX và nông dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Các sản phẩm đều được phun khử khuẩn, lái xe được kiểm tra, xét nghiệm bảo đảm an toàn từ tỉnh Hải Dương chuyển về kho tổng của Sài Gòn Co.op (Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh) tại tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, đơn vị này sơ chế và vận chuyển đến các điểm bán hàng".
Những ngày này, tại các tuyến phố, cửa hàng, khu chợ ở Hà Nội, có rất nhiều băng-rôn mới được căng lên với nội dung hỗ trợ tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sáng 24-2, gian hàng "Cùng chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân các tỉnh bị ảnh hưởng dịch Covid-19" do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam mới chính thức mở bán, nhưng ngay khi biết thông tin, nhiều người đã đặt mua. Ðến cuối ngày 23-2, gần 500 túi hàng (mỗi túi gồm năm loại rau, củ khác nhau, giá 110 nghìn đồng/túi) đã được đặt mua. Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Ðỗ Hoàng Thạch cho biết, công ty đã liên kết, phối hợp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương thu mua nông sản và bán tại mười điểm ở Hà Nội. Dự kiến, chương trình bán hàng sẽ kéo dài trong mười ngày, tiêu thụ từ 70 tấn đến 80 tấn nông sản cho tỉnh Hải Dương.
Tương tự, Tổng công ty Du lịch Hà Nội phối hợp Ðoàn Thanh niên huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã thu gom nông sản và tổ chức bán "giải cứu" tại năm địa điểm của công ty trên địa bàn Thủ đô. Các điểm bán hàng đều trang bị đầy đủ khẩu trang, dung dịch khử khuẩn, đồng thời, có vạch đánh dấu khoảng cách giữa khách hàng để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Nhiều tổ chức, cá nhân cũng tình nguyện tổ chức thu gom, đưa nông sản tỉnh Hải Dương về Hà Nội tiêu thụ và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân Thủ đô.
Các hệ thống phân phối lớn ở Hà Nội cũng vào cuộc mạnh mẽ, tham gia tiêu thụ nông sản cho các tỉnh. Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội đã kết nối 32 doanh nghiệp thương mại, 34 chợ với 59 đơn vị sản xuất thu mua của Hải Dương. Những ngày qua, các đơn vị đã thu mua, tiêu thụ gần 400 tấn nông sản. Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Siêu thị đã bố trí khu vực thuận lợi để bày bán nông sản của Hải Dương. Ước tính đợt này, đơn vị sẽ bù chi phí để hỗ trợ tiêu thụ từ 200 tấn đến 300 tấn nông sản. Hệ thống trung tâm thương mại MM Mega Market đã đặt mua hơn 24 tấn rau quả/ngày và đang tiếp tục tăng sản lượng để phân phối cho các trung tâm tại miền trung và miền nam. Hệ thống bán lẻ BRG Retail cũng tổ chức tiêu thụ nông sản Hải Dương tại hệ thống siêu thị Hapro, số lượng từ 20 đến 30 tấn/tuần. Mỗi tuần, hệ thống GO! và Big C miền bắc tiêu thụ khoảng 70 tấn nông sản của tỉnh Hải Dương. Chương trình được kéo dài cho đến cuối mùa vụ, nhằm giúp người nông dân giảm bớt thiệt hại. Giá nông sản được các siêu thị bán không lợi nhuận. Cụ thể, su hào có giá khoảng 5.900 đồng/kg; bắp cải 3.900 đồng/kg, cà chua 4.900 đồng/kg... Không chỉ có rau, củ, nhiều thực phẩm tươi sống, thủy, hải sản cũng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Tỉnh Quảng Ninh đang tồn 500 tấn hải sản gồm cá song hổ, cá song đen, hàu… Tỉnh Hải Dương ngoài 90 nghìn tấn cà rốt, bắp cải, su hào, cà chua, ổi…, còn 550 tấn gà đồi Chí Linh; 550 tấn thủy sản các loại như cá trắm, cá lăng, cá diêu hồng… cần tiêu thụ.
Ngày 23-2, Sở Công thương Hà Nội đã có Văn bản số 743/SCT-QLTM yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy, hải sản của hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh. Các đơn vị lập danh sách xe chở hàng hóa giữa hai tỉnh để gửi Sở Giao thông vận tải, Công an TP Hà Nội hỗ trợ trong quá trình tham gia giao thông. Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội lưu ý: "Riêng với các điểm người dân tự tổ chức bán nông sản giúp nông dân Hải Dương, Sở đã có văn bản gửi các quận, huyện đề nghị rà soát, bố trí vị trí bán nông sản cho người dân bảo đảm an toàn giao thông, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Hàng hóa phải truy xuất được nguồn gốc, tránh đội lốt nông sản Hải Dương để trục lợi".
Theo Báo Nhân dân
Mặc dù được các thầy thuốc và gia đình, học trò cứu chữa, nhưng do tuổi cao sức yếu GS, TSKH Nguyễn Tài Thu đã tạ thế lúc 4 giờ 50 phút ngày 14-2-2021. Cả cuộc đời tận tâm cống hiến, GS, TSKH Nguyễn Tài Thu đã để lại một di sản lớn cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân bằng phương pháp châm cứu kết hợp sâu sắc hai nền y học cổ truyền và hiện đại. Ông là người thầy thuốc nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới trong lĩnh vực châm cứu chữa bệnh.
(HBĐT) - Đã hơn một năm trôi qua, ở khu tái định cư (TĐC) Đồng Xe thuộc xóm Đá, xã Yên Phú (Lạc Sơn) từng ngày đổi khác. Những ngôi nhà khang trang được quy hoạch xây dựng thành từng khu nhà sàn, nhà xây cao tầng mọc lên, người dân sắm sửa đồ dùng, trang thiết bị mới trong nhà. Tất cả cho thấy xuân đang về trong niềm vui cuộc sống mới của người dân nơi đây.
(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trong tháng 1, có 74 người nước ngoài đến du lịch, làm việc tại các địa phương trong toàn tỉnh.
(HBĐT) - Thực hiện Luật An toàn thực phẩm (ATTP) và Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước (QLNN) về ATTP, những năm qua, các cơ quan chức năng QLNN về ATTP trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Ban Chỉ đạo ATTP các cấp thực hiện tốt việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chương trình về ATTP. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành lĩnh vực ATTP được quan tâm. Qua đó phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh ATTP.
(HBĐT) - Là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh, song, những năm gần đây, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) đã có sự chuyển mình đáng kể trong phát triển KT-XH, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ nét. Có được kết quả này là do Đảng ủy, chính quyền xã đã lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đồng thời, xã thực hiện hiệu quả việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống Nhân dân và hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế.
(HBĐT) - Với nhiệt huyết tuổi trẻ, khát khao lập thân, lập nghiệp cùng những ý tưởng sáng tạo, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh đã mạnh dạn thử sức mình với các mô hình sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng hành cùng thanh niên (TN) trên con đường khởi nghiệp, Tỉnh Đoàn đã có nhiều giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện để TN phát huy năng lực trong phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương.