Những ngày cuối tháng 4 tại thành phố Hòa Bình, không khí dân chủ lan tỏa khi chính quyền địa phương triển khai việc lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, cấp xã. Đây là bước đi quan trọng, thể hiện sự cầu thị và coi trọng tiếng nói của Nhân dân đối với một chủ trương lớn, tác động sâu sắc đến tương lai phát triển của địa phương.
Đồng chí Trưởng Ban Công tác mặt trận tổ 6, phường Phương Lâm, TP Hòa Bình đến từng hộ lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Sáng 22/4, các tổ dân phố trên địa bàn TP Hòa Bình đồng loạt tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã. Hình thức chủ yếu là phát phiếu đến từng hộ gia đình. Tại một điểm lấy ý kiến ở tổ 6, phường Phương Lâm, ông Lương Tuấn Khanh, cán bộ hưu trí chia sẻ: Thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về sắp xếp ĐVHC, tôi thấy tinh gọn bộ máy để việc lãnh đạo, chỉ đạo được sâu sát, gần dân hơn. Theo phương án sắp xếp, phường Phương Lâm và 6 phường khác sau sáp nhập có tên mới là phường Hòa Bình. Thật xúc động và tự hào khi tôi tiếp tục được gắn bó với cái tên thân thương này. Đây là chủ trương lớn, tôi tin tưởng và đồng lòng.
Để lấy ý kiến người dân, các xã, phường trên địa bàn thành phố đã thành lập tổ lấy ý kiến Nhân dân theo từng xóm, tổ dân phố đến nhà các hộ để phát phiếu và hướng dẫn ghi phiếu rõ ràng, chu đáo. Trước đó, để đảm bảo việc lấy ý kiến được thực hiện bài bản, minh bạch, dân chủ, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể. 6 tổ công tác liên ngành với 43 thành viên đã được thành lập để theo dõi, chỉ đạo, đảm bảo mọi khâu triển khai đúng quy trình, hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Tâm, Bí thư chi bộ tổ 6, phường Dân Chủ cho biết: Việc lấy ý kiến của cử tri ở tổ dân phố đã diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. 100% cử tri đại diện cho trên 150 gia đình tham gia đầy đủ và đồng thuận cao. Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự hưởng ứng tích cực của người dân.
Theo dự thảo phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Hòa Bình, tỉnh giảm 69,5% ĐVHC (từ 151 xã, phường, thị trấn được sắp xếp còn 46 xã, phường). Đây được xem là phương án tối ưu trên cơ sở cân nhắc, tính toán một cách khoa học, vừa bảo đảm phù hợp với bối cảnh, xu hướng phát triển chung, vừa đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương. Trong đó, TP Hòa Bình sắp xếp từ 19 xã, phường thành 5 ĐVHC mới gồm 4 phường, 1 xã, được cơ cấu thành vùng trung tâm và các vùng ven đô thị.
Cụ thể, thành lập phường Thống Nhất trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số của 3 phường Thái Bình, Dân Chủ, Thống Nhất và xóm Nưa, xã Vầy Nưa (Đà Bắc). Phường Kỳ Sơn được thành lập trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số của 3 phường, xã gồm: Phường Kỳ Sơn, xã Mông Hóa, xã Độc Lập. Thành lập phường Hòa Bình trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số của 7 phường gồm: Trung Minh, Đồng Tiến, Phương Lâm, Quỳnh Lâm, Tân Thịnh, Hữu Nghị, Thịnh Lang. Phường Tân Hòa thành lập trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số 3 phường, xã gồm: phường Tân Hòa, xã Hòa Bình, xã Yên Mông. Thành lập xã Thịnh Minh trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số của 3 xã Thịnh Minh, Hợp Thành, Quang Tiến.
Việc lấy ý kiến Nhân dân được tiến hành trong một ngày duy nhất 22/4, nhưng những gì đọng lại là sự lắng nghe, chia sẻ và niềm tin vào những chuyển mình tích cực. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, người dân cũng bày tỏ những mong muốn rất thực tế. Bà Bùi Thị Dung, phường Quỳnh Lâm bày tỏ: Mong rằng sau khi quá trình sắp xếp hoàn tất ở các cấp, bộ máy hành chính mới sẽ vận hành hiệu quả hơn, các lĩnh vực đều đi lên, góp phần thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện. Đặc biệt là bảo đảm chế độ chính sách của người dân sau sáp nhập.
Theo đồng chí Phạm Anh Quý, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình, quá trình sắp xếp ĐVHC không chỉ là thay đổi địa giới hành chính đơn thuần, mà còn là quá trình chuyển đổi về tư duy quản lý, cách thức tổ chức phục vụ Nhân dân. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần cầu thị, tin rằng quá trình này sẽ thành công tốt đẹp, tạo tiền đề vững chắc để HĐND các cấp xem xét, thông qua đề án, đáp ứng khát vọng phát triển. Xác định rõ sự đồng thuận của người dân là nền tảng quan trọng nhất, quá trình lấy ý kiến cử tri được thực hiện nghiêm túc, dân chủ, minh bạch.
Hải Đăng
Từ ngày 1/7 tới, hàng loạt quận, huyện, xã, phường sẽ được sáp nhập. Vậy giấy tờ hành chính hiện hành có cần làm lại? Người dân cần làm thủ tục ở đâu?
Theo báo cáo nhanh của UBND xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, vào hồi 14h30' ngày 22/4, UBND xã nhận được tin báo về việc phát hiện một người tử vong tại khu vực xóm Kho.
Ngay sau khi xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng do Bùi Văn Chin (SN 1968), trú tại xóm Cốc, xã Quý Hòa - người có biểu hiện mắc bệnh tâm thần gây ra, các cơ quan chức năng và chính quyền xã Vũ Bình (Lạc Sơn) đã khẩn trương rà soát, nắm tình hình người tâm thần ngoài cộng đồng trên địa bàn xã để kịp thời tuyên truyền cho gia đình tiếp tục quan tâm chăm sóc, động viên và duy trì, giám sát việc điều trị bệnh cho họ.
Những điểm trường vùng cao có thêm phòng học kiên cố, con đường đất được thảm bê tông… Vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình đang chuyển mình. Thực hiện Đề án 03, ngày 9/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hòa Bình về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021- 2025, hơn 1.350 tỷ đồng đã được lồng ghép từ nhiều nguồn lực để đầu tư cho vùng cao của tỉnh. Không chỉ là con số ngân sách, từ đây đã tạo nên những chuyển động tích cực, bền vững ở nơi vẫn được xem là "lõi nghèo” của tỉnh.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn gặp nhiều rào cản, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa - nơi người dân hạn chế về điều kiện tiếp cận thông tin. Trước thực tế đó, hình thức truyền thông theo nhóm nhỏ đã, đang cho thấy là phương pháp hiệu quả, thiết thực, tính tương tác cao.