Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 trôi qua tròn 50 năm, nhưng cho đến nay, các thế hệ người dân xứ Mường Hòa Bình vẫn không quên những lá thư tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu được viết bằng máu của những bà mẹ, chàng trai đất Mường để góp sức cho miền Nam ruột thịt.


Lịch sử và truyền thống anh hùng luôn được thế hệ trẻ trên quê hương Hòa Bình phát huy và viết tiếp. Ảnh: Tân binh huyện Kim Bôi trước lúc lên đường nhập ngũ trong lễ giao nhận quân năm 2025.

Trong khuôn viên ngôi nhà yên bình và ấm cúng, rót chén nước chè đậm, Thiếu tướng Bùi Đình Phái, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trầm ngâm chia sẻ những điều ông đang nghĩ: Đã 50 năm trôi qua, nhưng hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Dinh Độc Lập khẳng định sự thất bại của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai vẫn còn nguyên trong tâm trí những người lính chúng tôi và các thế hệ người Việt Nam. Từ thời khắc lịch sử đó, hai miền Bắc - Nam sum họp một nhà, hoà bình, thống nhất đã trở thành sự thật trên toàn bộ đất nước Việt Nam. Trong thắng lợi chung của cả dân tộc, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình cũng có những đóng góp xứng đáng... 

Thiếu tướng Bùi Đình Phái kể lại: Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Không có gì quý hơn độc lập, tự do” với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã huy động cao nhất sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong đó có nhiều tấm gương tiêu biểu mà khi đi bộ đội, ra mặt trận chúng tôi được nghe kể lại. Như mế Bùi Thị Ngẫu ở huyện Lương Sơn có con thứ nhất đi chiến đấu bị thương, mất 1 cánh tay, nhưng mế vẫn làm đơn xin cho con thứ 2 nhập ngũ và tự nguyện ủng hộ bộ đội một con trâu. Mế Hoàng Thị Mai cũng ở huyện Lương Sơn, khi tiễn con lên đường đi chiến đấu, mế đã nói trước Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện: "Đi chiến đấu chống Mỹ cứu nước phải có sống, có chết, tôi sẵn sàng trao đứa con cho Đảng. Con tôi như một viên đạn, đề nghị Đảng sử dụng cho nó trúng đích”. Hay như ông Bùi Văn Thiện ở thị xã Hòa Bình trước đây dù bị mù cả hai mắt, chỉ có một con trai là lao động chính, nhưng ông vẫn vui vẻ tiễn con đi bộ đội... "Những hành động cao đẹp đó không chỉ là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy    khó khăn, gian khổ. Mà là niềm tự hào của mỗi người lính trên quê hương đất Mường chúng tôi. Đó chính là động lực để chúng tôi vượt qua mọi gian khổ hy sinh, kiên cường trong chiến đấu và chiến thắng”, Thiếu tướng Bùi Đình Phái xúc động. 

Theo thống kê, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn tỉnh Hòa Bình có 11.460 thanh niên lên đường nhập ngũ, 15.670 lượt thanh niên xung phong tham gia phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường. Trong đó có 1.440 gia đình có từ 2 con trở lên đi bộ đội. Điển hình như trường hợp của       bà Đinh Thị Mùi ở xã Xuất Hóa   (Lạc Sơn), dù đã có 3 con đi bộ đội, chiến đấu ngoài mặt trận, người con thứ 4 chưa đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự nhưng vẫn đăng ký và viết đơn tình nguyện bằng máu cho con tiếp tục được lên đường chiến đấu.

Cùng chia lửa với tuyền tuyến lớn miền Nam, trong suốt cuộc kháng chiến, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình đã chiến đấu và phối hợp chiến đấu 683 trận, bắn rơi 49 máy bay, bắt sống giặc lái và lập được nhiều chiến công xuất sắc. Những chiến công mang đậm tính sáng tạo, mưu trí của quân và dân Hòa Bình như: bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh của quân - dân Liên Hòa (Lạc Sơn), Mường Chiềng, Trung Thành (Đà Bắc), Mỹ Hòa (Tân Lạc), Mông Hóa (TP Hoà Bình), sự phối hợp hiệp đồng lập công vây bắt giặc lái, đánh trả lực lượng giải cứu ở Đồi Bù (Lương Sơn)... đã góp phần quan trọng cùng quân - dân cả nước đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. 

21 năm kháng chiến chống Mỹ vô cùng gian khổ, nhiều người không thể đi hết cuộc chiến, nhưng những đóng góp xương máu, thanh xuân và tuổi trẻ của những người con đất Mường vào chiến thắng ngày 30/4/1975 lịch sử ấy vẫn được khắc ghi...


 Mạnh Hùng

Các tin khác


Mức thanh toán cho tổ chức dịch vụ chi trả chính sách trợ giúp xã hội 

HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 507/2025/NQ-HĐND, ngày 3/4/2025 Quy định mức thanh toán cho tổ chức dịch vụ chi trả chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Phương án đặt tên xã mới sau khi Vĩnh Phúc bỏ tên theo số thứ tự

Sau khi đặt tên theo số thứ tự, tại huyện Tam Đảo có xảy ra tình huống: Trường trung học phổ thông Tam Đảo 2 nằm trên địa bàn xã Tam Đảo 1. Trên địa bàn xã Tam Đảo 1 có Dự án khu du lịch Tam Đảo 2 (sắp triển khai).

Ứng dụng Đề án 06/CP trong phát triển kinh tế - xã hội

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06/CP) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong hơn 3 năm qua đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh và bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số…

Tuổi trẻ Lương Sơn hăng hái tham gia phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Lương Sơn đã có nhiều hoạt động tích cực, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, vận động nguồn lực xã hội hóa, đóng góp kinh phí, ngày công lao động góp phần hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN) trên địa bàn.

Giấy tờ cũ có còn giá trị sau sáp nhập đơn vị hành chính?

Từ ngày 1/7 tới, hàng loạt quận, huyện, xã, phường sẽ được sáp nhập. Vậy giấy tờ hành chính hiện hành có cần làm lại? Người dân cần làm thủ tục ở đâu?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục