(HBĐT) - Những ngày này, cũng như trên đất nước Việt Nam và một số quốc gia ở châu á, người dân Singapore hối hả hoàn tất mọi việc nơi công sở, hoạt động buôn bán, kinh doanh và không quên dành thời gian dọn dẹp, trang trí nhà cửa với quan niệm sạch sẽ luôn mang lại những điều may mắn trong năm mới. Nói vậy cũng có nghĩa đất nước Singapore đang tất bật, háo hức đón Tết Nguyên đán - tiễn năm Đinh Dậu, đón năm Mậu Tuất.


Con Sư tử biển trở thành biểu tượng nổi tiếng và niềm kiêu hãnh của đất nước Singapore.

Chúng tôi may mắn từng được khám phá, trải nghiệm không khí mùa xuân trên Quốc đảo này để rồi vỡ òa cảm xúc về một đất nước nhỏ xinh nhưng giàu có, hiện đại vào hạng nhất thế giới mà vẫn lưu giữ những nét văn hóa và phong tục tập quán hết sức đặc trưng. Chẳng thế mà các nhà làm tua du lịch trong nước nói rằng, những năm gần đây, Singapore luôn là điểm hẹn số 1 của khách du lịch Việt Nam mỗi dịp nghỉ lễ, tết.

Trong những ngày Tết, khắp các con đường, dãy phố ở Singapore được trang hoàng lộng lẫy, điểm nhấn là hệ thống đèn điện, ánh sáng led, đèn lồng đỏ rực tạo khung cảnh lung linh, huyền ảo nhưng không kém phần sôi động bởi thanh âm của các bản nhạc truyền thống. Tại những con đường đông đúc, khu du lịch được dựng hình tượng ông Công, ông Táo hay con vật khổng lồ trong 12 con giáp - biểu tượng của năm. Nơi đây cũng có lễ hội đường phố đặc sắc và không thể thiếu những màn múa lân, múa sư tử náo nhiệt.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thích thú được biết, cũng như ở Việt Nam, hàng năm, ngày 23 tháng chạp là ngày người dân Singapore làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời. Khác là người ta bôi nhiều đồ ngọt như mật ong, đường và cả rượu ngọt lên những bộ hình nhân ông Táo với ý nghĩa để ông chỉ báo cáo những điều tốt đẹp với Ngọc Hoàng.

Trong những ngày Tết, người dân Singapore thường đi thăm hỏi, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp trong năm mới và tặng nhau những trái quýt căng mọng, là biểu tượng của sự may mắn. Tuy nhiên, khi biếu, người ta kiêng số lẻ mà biếu theo cặp, nhưng tuyệt đối tránh số 4 (tứ) có phát âm giống "tử”. Còn làm quà lì xì thì thường là một cặp, bỏ trong túi giấy đỏ cùng vài thứ khác như socola hình đồng tiền bọc giấy kẽm vàng.

ở Singapore cũng có những bữa cơm đoàn viên trước giao thừa. Ai đi đâu, ở nơi nào hay đang làm việc gì đều cố gắng về nhà cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng hoặc nhà ông bà nội để dự bữa cơm thiêng liêng nhất trong năm. Sau bữa ăn, trẻ em và đặc biệt cả những người chưa lập gia đình dù tuổi có cao cũng được mừng tuổi với bao lì xì đỏ. Trẻ nhỏ được khuyến khích thức qua giao thừa để mang lại tuổi thọ cho ông bà, cha mẹ.

Chúng tôi được anh Tiến Minh, hướng dẫn viên Công ty du lịch Travel giới thiệu: Những ngày Tết ở Singapore có Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật là: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao (Lễ hội lì xì) và Lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa khác. Những lễ hội này luôn có sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch muôn phương khi được hòa mình vào các hoạt động hấp dẫn, đặc trưng.

Thật thiếu sót khi khám phá Quốc đảo Sư tử mà không biết đến sự độc đáo về địa hình và nguồn gốc của tên gọi này. Năm 1965, Singapore tuyên bố độc lập trên cơ sở tách ra từ đất nước Malayxia. Lúc đó, đất nước này diện tích chỉ có 690 km2 với vài chục hòn đảo. Sau 50 năm, Singapore lấn ra biển được 25 km. Một cơ sở quan trọng giúp Quốc đảo này lấn được ra biển là họ khai thác hệ thống tàu điện ngầm và các hoạt động kinh doanh dịch vụ, khu vui chơi nằm sâu dưới lòng đất với 6 tầng, mỗi tầng cao từ 9 - 11m. Hệ thống tầu điện ngầm ở đây hiện đại vào bậc nhất thế giới. Một phần đất đào sâu để khai thác tàu điện ngầm được trộn lẫn với cát mua từ Inđônêxia đã giúp họ lấp biển. Hiện nay, họ vẫn tiếp tục lấn ra biển nhưng có phần khó khăn hơn.

Đến Singapore, một địa điểm du khách không thể bỏ qua đó là Công viên Merlion (Sư tử biển với hình tượng đầu sư tử, mình cá). Anh Tiến Minh kể rằng: Sư tử biển bắt nguồn từ một truyền thuyết. Vào thế kỷ thứ XIV, có vị hoàng tử ở trên đảo Sumatra của Inđônêxia, trong một lần đi săn, vị hoàng tử này leo lên một ngọn núi, nhìn xa xa thấy hòn đảo nho nhỏ là Singapore ngày nay. Lúc đó, Singapore còn là làng chài. Về nhà, hoàng tử đã xin vua cha cho đến khai hóa hòn đảo này. Trải qua nhiều ngày trên biển, vị hoàng tử cùng đoàn tùy tùng đã cập bến. Đón hoàng tử là một con sư tử rất lớn từ trong rừng lao ra. Vị hoàng tử đã gỡ vương miện trên đầu ném về phía con sư tử. Sư tử ngoạn lấy và quay đầu đi vào rừng. Hoàng tử cho rằng đây là vùng đất may mắn nên đã quyết định xây dựng một thành phố ở đây đặt tên là Singapura. Theo tiếng Mã lai có nghĩa là thành phố sư tử. Dưới thời thuộc địa của Vương quốc Anh, người Anh mới đổi thành Singapore.

Sư tử mình cá là con vật không có trong thực tế. Đầu sư tử tượng trưng cho lòng dũng cảm, sức mạnh và sự khởi đầu theo truyền thuyết. Mình cá là biểu tượng cho thời sơ khai Singapore là một làng chài. Con sư tử biển đã trở thành biểu tượng nổi tiếng khắp thế giới của đất nước Singapore. Nó được cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cắt băng khánh thành vào ngày 17/9/1972, cao 8,6m, nặng 70 tấn đặt trong công viên rộng hơn 2.500 m2.

Là đất nước nhỏ bé nhưng sự phát triển về kinh tế, hiện đại về cơ sở hạ tầng, văn minh trong nếp sống và xanh - sạch về môi trường của Singapore khiến thế giới ngưỡng mộ. Đi trên các tuyến đường sạch sẽ, xanh mát hầu như chỉ có ô tô. Bạn rất hiếm gặp các phương tiện giao thông lộn xộn khác và đặc biệt là không có người đi bộ. Bởi phần lớn người dân di chuyển bằng hệ thống tầu điện ngầm siêu tốc mà thuận lợi.

Một đất nước hiện đại với hệ thống nhà cao tầng, công trình kiến trúc, khu vui chơi mọc lên san sát, nhưng du khách không có cảm giác ồn ào, ngột ngạt mà không khí ở đây trong lành đến lạ. Để có được không gian tuyệt vời này là bởi nơi đây đặc biệt coi trọng trồng, bảo vệ cây xanh và các loại hoa. Tuy diện tích nhỏ hẹp, nhưng bất cứ chỗ nào có thể đều được trồng cây. Cho dù đi trên những con đường nhiều tầng người ta cũng thiết kế có được hệ thống cây xanh dọc 2 bên. Chính phủ Singapore đã thành lập những công viên dưới dạng khu bảo tồn thiên nhiên hay vườn thực vật quốc gia. Trong đó nổi bật là khu Vườn năng lượng rộng nhất với diện tích 101 ha. Khu vườn này có 2 chức năng. Một là nơi ươm các loại cây để trồng trên lãnh thổ. Hai là nó thu nước mưa ở trong toàn bộ khu vườn để đưa xuống 17 hồ chứa nước nhân tạo trên đất nước. Và 1 trong 17 hồ chứa đó chính là dòng sông nhân tạo uốn lượn - một điểm du lịch lý thú của Singapore by nigth (Singapore về đêm).

Một đất nước giàu có trong tốp đầu thế giới. Thu nhập của cán bộ, quan chức thường được nói với cụm từ "Không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng”, thế nhưng, trừ dịp lễ, tết, còn lại người dân Singapore có ý thức tiết kiệm rất cao. Điều này thể hiện rõ nét trong phong cách ăn uống. Họ rất ít uống rượu, bia trong bữa ăn, tiệc tùng, càng không bao giờ có sự ăn uống thừa mứa. Du khách đến nhà hàng tự chọn có thể ăn bao nhiêu cũng được nhưng nhất thiết phải ăn hết. Nếu bạn lấy đồ nhiều, bỏ thừa rất có thể sẽ bị nhà hàng phạt dù là thứ bạn đã trả tiền. Đây có lẽ cũng là nét văn hóa trong cuộc sống mang đặc trưng Singapore khiến du khách ấn tượng và suy ngẫm. Bạn hãy đến và cảm nhận.

 


Lễ hội đường phố Chingay là 1 trong 3 sự kiện Lễ hội mùa xuân nổi bật ở Singapore.


Là một đất nước hiện đại nhưng Singapore có không khí trong lành do đường phố luôn sạch đẹp và xanh mát nhờ cây xanh.

 

 

                                                                      Bình Giang

Các tin khác


Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục