Đoàn viên thanh niên câu lạc bộ "Giữ gìn văn hóa dân tộc" xã Chiềng Châu (Mai Châu) biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch.
Đồng chí Hoàng Xuân Giao, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc kết hợp với phát triển DLCĐ, Tỉnh Đoàn đã tích cực chỉ đạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn, Hội cấp cơ sở gắn với mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương, trong đó quan tâm chú trọng tới các nội dung tuyên truyền, định hướng ĐVTN giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc và phát triển DLCĐ, sinh thái.
Hiện, toàn tỉnh thành lập được 42 câu lạc bộ (CLB) giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, với 816 thành viên là ĐVTN tham gia. Đã có nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, sáng tạo trong kết hợp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với DLCĐ.
Đồng chí Hà Công Hợi, Bí thư Đoàn xã Chiềng Châu (Mai Châu), Chủ nhiệm CLB "Giữ gìn văn hóa dân tộc" xã Chiềng Châu cho biết: CLB hiện có 20 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, ngoài tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan, nghỉ dưỡng tại địa phương, các thành viên còn là những tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền trên các trang fanpage, facebook cá nhân và của Đoàn về các phong tục, tập quán đẹp, độc đáo của đồng bào dân tộc Thái; vận động, tuyên truyền, trao đổi, chia sẻ đến ĐVTN về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ đó nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của ĐVTN giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Cùng với đó, nhiều ĐVTN đã năng động, mạnh dạn phát triển mô hình du lịch homestay hiệu quả. Như đoàn viên Hà Công Toàn, Vì Văn Tú tại bản Lác, xã Chiềng Châu. Mỗi năm, các homestay của ĐVTN tại huyện đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước.
Hay như CLB "Giữ gìn văn hóa dân tộc” xã Hạ Bì (Kim Bôi). Các thành viên CLB thường xuyên luyện tập, biểu diễn những tiết mục văn nghệ đặc sắc của dân tộc Mường phục vụ các sự kiện của khu du lịch suối khoáng Kim Bôi. Mô hình thanh niên giữ gìn văn hóa dân tộc tại xã Liên Vũ (Lạc Sơn), xã Hiền Lương (Đà Bắc)… cũng là những mô hình tiêu biểu hiện đang hoạt động tích cực, hiệu quả.
Đồng chí Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết thêm: Bên cạnh việc xây dựng các CLB, tổ đội phục vụ DLCĐ, các cơ sở Đoàn còn chú trọng việc đẩy mạnh, duy trì đội văn nghệ tại các xóm, bản với nòng cốt là ĐVTN thường xuyên tập luyện, sẵn sàng phục vụ vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của địa phương. Thông qua các hoạt động này đã góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức về gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ trong tỉnh. Hàng năm, trong các chương trình văn nghệ, thể thao quần chúng do địa phương tổ chức luôn khuyến khích ĐVTN đưa các loại hình trò chơi dân gian, điệu múa, âm nhạc dân tộc… để biểu diễn, giao lưu.
Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tăng cường tuyên truyền tới ĐVTN về những giá trị, nét đẹp văn hóa của các dân tộc trong tỉnh để tuổi trẻ hiểu, quý trọng hơn những giá trị truyền thống, cùng với kết hợp các giá trị này để phát triển kinh tế tại địa phương theo những định hướng của tỉnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đoàn các cấp; phối hợp xây dựng, duy trì các CLB, tổ, đội, nhóm giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc tại địa phương, đơn vị, với lực lượng chủ yếu là ĐVTN; tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tỉnh Đoàn tiếp tục phối hợp các ngành có liên quan trong hỗ trợ ĐVTN xây dựng dự án DLCĐ, hỗ trợ kêu gọi các nguồn vốn vay ưu đãi cho thanh niên phát triển mô hình kinh tế DLCĐ, tập trung vào các huyện có thế mạnh như: Mai Châu, Kim Bôi, Đà Bắc.
Hồng Duyên