Bà con các dân tộc huyện Đà Bắc đi chợ phiên Mường Chiềng.
Tranh thủ kỳ nghỉ hè, nhóm sinh viên trường Đại học Y tế công cộng có chuyến phượt với lộ trình từ Thủ đô Hà Nội qua TP Hoà Bình và chọn Mường Chiềng là điểm dừng chân. Bạn Nghiêm Văn Nam, trưởng nhóm phượt chia sẻ: Rong ruổi trên tuyến đường tỉnh 433, chúng em vừa đi vừa ngắm cảnh, may mắn được trải nghiệm không khí chợ phiên xã Tân Minh đúng vào thời điểm đông vui nhất. Bà con giao lưu, gặp gỡ, mua sắm, trao đổi hàng hoá rộn ràng. Điều chúng em ấn tượng hơn cả là trong không gian phiên chợ dễ dàng bắt gặp các bà, các mẹ, các cô diện trang phục truyền thống của người Tày, người Mường. Mặc dù không hiểu nhưng nghe bà con trò chuyệnbằng tiếng dân tộc, chúng em thấy rất thú vị.
Sinh sống tập trung ở một số bản làng thuộc xã Vầy Nưa, Cao Sơn, Tân Pheo, Toàn Sơn, Tú Lý…, người dân tộc Dao trên địa bàn huyện cũng giữ được bản sắc riêng, nhất là về tiếng nói, trang phục. Tiêu biểu như xóm Sưng, xã Cao Sơn không chỉ có cảnh quan thiên nhiên mộc mạc, hoang sơ mà còn phát huy được những phong tục tập quán đẹp của người dân bản địa, biến thành lợi thế thu hút khách du lịch. Hiện nay, bản của đồng bào Dao xóm Sưng là một trong những điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất với khoảng 80% tổng lượng khách đến là du khách quốc tế. Người dân trong xóm vẫn bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, chữ viết, trang phục, ẩm thực…
Cùng với dân tộc Tày, Dao, đồng bào dân tộc Mường sinh sống chủ yếu ven vùng hồ sông Đà, như Tiền Phong, Hiền Lương, Vầy Nưa, Đồng Ruộng, Đoàn Kết, Nánh Nghê… đang chung sức xây dựng, giữ gìn những nét văn hoá độc đáo. Điển hình là xóm Ké của xã Hiền Lương, xóm Mó Hém, Đá Bia (nay là xóm Đức Phong) của xã Tiền Phong. Nhiều phong tục tập quán dân tộc Mường được người dân phát huy, như: Bảo tồn kiến trúc nhà sàn cổ, hội xuân, đánh cồng chiêng trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng, hay mô hình "quán tự giác” riêng có của người Mường Ao Tá…
Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Bên cạnh tiềm năng sinh thái, bản sắc văn hoá chính là lợi thế để khai thác, phát triển du lịch địa phương. Những năm qua, huyện chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Đồng thời, từng bước đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, khôi phục một số lễ hội truyền thống. Huyện cũng khuyến khích cơ sở tham gia bảo tồn bản sắc văn hoá gắn với phát triển KT-XH. Đến nay, trên địa bàn đã khôi phục 2 lễ hội quy mô cấp tỉnh được tổ chức hàng năm là lễ hội cầu Mường của dân tộc Tày (xã Mường Chiềng), lễ hội người Dao mừng xuân mới (xã Cao Sơn). Tổ chức được nhiều lớp truyền dạy chữ viết của dân tộc Tày, Dao cho con em dân tộc, cán bộ cơ sở. Với những nỗ lực của cấp uỷ Đảng, chính quyền cùng một phần hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, giá trị văn hoá các dân tộc được gìn giữ, phát huy, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Với đặc thù vùng cao khó khăn, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 29,8 triệu đồng/năm. Trên địa bàn xây dựng được các điểm đến du lịch cộng đồng thu hút du khách, như: Đá Bia, Mó Hém (xã Tiền Phong), Ké (xã Hiền Lương), Sưng (xã Cao Sơn). Gắn liền với phát triển du lịch, bản sắc văn hoá các dân tộc được giới thiệu, quảng bá rộng khắp ra toàn thế giới.
Bùi Minh