(HBĐT) - Đến thành phố biển Quy Nhơn (Bình Định) khi đất trời và biển nơi đây vẫn căng tràn hương vị xuân sắc. Bao điều vui, mới mẻ ùa về khiến lòng du khách lâng lâng, thư thái. Trên con đường từ sân bay Phù Cát về TP Quy Nhơn bắt gặp một thị xã An Nhơn trẻ trung, đầy sức sống với những khu nhà còn tươi nguyên màu sơn và những con đường mới mở. Những giàn hoa rực rỡ bên ngôi nhà ở khu đô thị ven sông. Rồi Tuy Phước, huyện giáp thành phố biển Quy Nhơn vàng rực những gốc mai, vườn mai bên đường. Cùng đồng hành về thành phố là những chuyến xe lữ hành vừa đáp xuống sân bay. TP Quy Nhơn chào đón bằng một ngày nắng ấm và sóng biển dạt dào, tung bọt trắng xóa…


Một góc bãi biển thành phố Quy Nhơn (Bình Định). 

Thành phố Quy Nhơn được biển bao bọc với những bãi biển dài hàng trăm km, với những nét đặc trưng riêng như núi và biển liền kề, đối xứng; sóng xanh êm dịu, nắng vàng, cát trắng  mịn… từng là cảm hứng, tứ thơ, tứ nhạc cho bao thi sĩ, nhạc sĩ. Mỗi khi nhắc đến tên các bãi tắm như: Kỳ Co - Eo gió, bãi tắm Hoàng Hậu, bãi Dại, bãi Bàng, bãi Xép, bãi Bàu Quy Nhơn, Cù Lao Xanh, hòn Sẹo, hòn Khô... du khách gần xa đều thấy háo hức, muốn được đến một lần trong đời. Nhưng có lẽ, bãi biển Quy Nhơn ở ngay trung tâm thành phố là một "đặc sản” biển của Bình Định nói riêng và các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung. Hiếm thành phố nào có bãi biển bao bọc hình "vầng trăng khuyết”, "vòng cung biển” ôm trọn thành phố với chiều dài 5 km chạy từ Mũi Tấn đến Ghềnh Ráng Tiên Sa, gắn với bao câu chuyện của các văn nhân, tài tử. Bãi biển mịn, thoai thoải, nước trong xanh quyến rũ.

Anh bạn đồng môn Phạm Hồng ở Hà Nội thảng thốt trước biển: "Biển Quy Nhơn đẹp, quyến rũ và hiền dịu như cô gái miền Trung mới lớn. Không quá xô bồ nhưng không quá rụt rè, đủ lực hút để du khách tìm đến”. Chẳng thế mà khi dịch Covid-19 tạm lắng, gia đình anh đã thưởng cho 2 cậu con trai tuổi teen có những ngày tắm biển Quy Nhơn thỏa thích. Anh còn cho rằng, đến đây cũng là dịp để các con tìm hiểu về miền "đất võ, trời văn” Bình Định cùng nhiều danh lam, di tích lịch sử như Tượng đài Cha con Bác Hồ trên quê hương Bình Định gắn với câu chuyện xúc động lòng người với cuộc chia tay lịch sử của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành và thân phụ của Người (cụ Nguyễn Sinh Sắc), trước khi Người vào Nam rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Hoặc thăm, tìm hiểu những tháp Chăm cổ - tháp Đôi Thạnh Hưng, hay tìm về các câu chuyện, nguồn tích của các bài thơ, nhạc sĩ nổi tiếng.

Trong chiều muộn, đi dọc bãi biển Quy Nhơn, nơi những hàng dừa xanh rì rào đón gió, nghe sóng biển rì rầm, thấy những phiến đá khắc ghi những câu thơ trong bài thơ Biển của thi sĩ Xuân Diệu: "Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng”. Ông sinh ra ở huyện Tuy Phước (Bình Định), từng đến Quy Nhơn học, vì vậy có lần ông chia sẻ, bài thơ Biển nổi danh được lấy từ nguồn cảm hứng từ vùng biển xanh, cát trắng Quy Nhơn với những kỷ niệm đẹp đẽ, thơ mộng của tuổi hoa niên nơi này. Chính những rung cảm trước biển, trước thiên nhiên và cuộc sống đã cho ông thi hứng để có những câu thơ tình da diết, sâu lắng và đẹp lạ lùng như vậy. Cũng vùng biển này, cũng là nơi ghi dấu những câu thơ của Hàn Mặc Tử, du khách còn được tản bộ đến khu mộ ông ở Ghềnh Ráng Tiên Sa để thắp nén hương thơm, nghe đâu đây những vần thơ đầy tâm tư của một thi nhân tài hoa, yểu mệnh: "Ai mua trăng tôi bán trăng cho/ Không bán đoàn viên, ước hẹn hò”… 

Đêm Quy Nhơn cùng các đồng nghiệp ra biển, gió và sóng hào phóng xô bờ. Mọi người cùng dừng thật lâu trước tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang suy tư, ôm đàn nhìn xa xăm ra biển, bên cạnh là bản nhạc nổi tiếng Biển nhớ. Những câu hát thiết tha đâu đó vọng về như từ sơn khê, như từ biển xa: "Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về/ Gọi hồn liễu rủ lê thê/ Gọi bờ cát trắng đêm khuya/ Ngày mai em đi/ Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ…”.

Một đồng nghiệp chia sẻ: "Nhạc sĩ từng học tại trường sư phạm Quy Nhơn những năm 1962 - 1964. Nơi đây in dấu một thời trai trẻ, đẹp nhất của ông. Cũng thành phố biển Quy Nhơn đã nuôi dưỡng nguồn cảm xúc để ông sáng tác nhiều bài hát để đời như: Cát bụi, Nắng thủy tinh, Biển nghìn thu để lại… Đặc biệt là bài Biển nhớ. Từ tháng 10/2020, du khách đến Quy Nhơn đã có thêm một địa chỉ văn hóa để check in chụp ảnh, lưu giữ những hình ảnh đẹp bên tượng nhạc sĩ, cùng cất lên trong lòng những câu hát đẹp, đắm say lòng người: "Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng/ Nửa bóng xuân qua ngập ngừng/ Nghe trời gió lộng mà thương…”.

Năm 2022, Quy Nhơn và Bình Định với lễ hội: "Quy Nhơn - thiên đường biển” đã đón 4,1 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 185% so với năm 2021. Năm 2023, Bình Định dự kiến đón 5 triệu lượt du khách, trong đó, TP Quy Nhơn vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn, lựa chọn số một của bao người.

 Bùi Huy

Các tin khác


Huyện Cao Phong đa dạng các sản phẩm du lịch vùng lòng hồ

Bên cạnh loại hình du lịch cộng đồng, các xã vùng lòng hồ thuộc huyện Cao Phong là Thung Nai, Bình Thanh có nhiều tiềm năng về địa lý, tự nhiên và môi trường phù hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Nơi đây còn có điểm du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh, nhất là vào dịp đầu năm.

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Điểm đến hấp dẫn

Cách Hà Nội khoảng 150km Khu du lịch quốc gia Mộc Châu vừa là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, vừa là cầu nối du lịch thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh vùng Tây Bắc, được đánh giá là một trong những khu du lịch quốc gia quan trọng nhất trên hành lang du lịch "Qua miền Tây Bắc” trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 6.

Đẩy nhanh tiến độ khu du lịch Robinson - cần hỗ trợ từ cơ quan chức năng

Thời gian qua, dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson được cho là chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thay đổi về quy mô dự án. Để dự án sớm đưa vào hoạt động rất cần sự vào cuộc hỗ trợ từ các cấp chính quyền cũng như sự tích cực hơn nữa của chủ đầu tư.

Xây dựng các điểm đến thu hút du khách trên vùng hồ Đà Bắc

Nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch (KDL) quốc gia hồ Hoà Bình, các xã vùng lòng hồ thuộc huyện vùng cao Đà Bắc giàu tiềm năng phát triển du lịch, điểm nhấn là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng (DLCĐ).

Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục