Bài 3 - Thúc đẩy phát triển khu du lịch tầm cỡ quốc gia 
Hiện nay, khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình đạt 3/5 điều kiện đối với KDL quốc gia. Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ đến năm 2025, KDL cơ bản đạt được các tiêu chí; đến năm 2030 trở thành KDL quốc gia. Cùng với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, KDL hồ Hòa Bình hứa hẹn trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, 1 trong 12 KDL trọng tâm của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ.


Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong triển khai Dự án Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình của Công ty CP Lạc Hồng.  


Điểm du lịch cồng đồng bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) giới thiệu đến du khách  nghề truyền thống của đồng bào Dao Tiền qua câu chuyện sản phẩm du lịch.

Bám sát các dự án đầu tư trọng điểm trên khu du lịch 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, KDL hồ Hòa Bình hiện có 16 dự án đầu tư dịch vụ, văn hóa và du lịch được cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.444ha, tổng nguồn vốn đầu tư trên 3.300 tỷ đồng. Các dự án có mục tiêu đáp ứng nhu cầu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, kết hợp trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn bản sắc văn hóa, du lịch tâm linh, chợ ẩm thực, nhà hàng, bến thuyền, bãi tắm...

Có thực tế là mặc dù thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch có quy mô lớn nhưng nhìn chung tiến độ triển khai chậm, không đảm bảo theo cam kết. Hoạt động du lịch trên KDL vẫn thiếu các cơ sở lưu trú, sản phẩm vui chơi giải trí cao cấp, hấp dẫn, có tính cạnh tranh để kéo dài thời gian khám phá, trải nghiệm cũng như tăng mức độ chi tiêu của du khách.

Mới đây, nhằm gỡ khó cho các dự án đầu tư du lịch trọng điểm đang triển khai, thực hiện trong KDL hồ Hòa Bình, lãnh đạo UBND tỉnh cùng một số sở, ngành đã tiến hành kiểm tra, nắm bắt tình hình tại 3 dự án đầu tư quy mô lớn, gồm dự án KDL nghỉ dưỡng sinh thái Bình Thanh của Công ty CP Mora Group (Cao Phong); dự án KDL sinh thái Ngòi Hoa của Công ty CP đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn và dự án Khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái hồ Hòa Bình của Công ty CP đầu tư Lạc Hồng (Tân Lạc). Qua đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội bày tỏ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, chủ yếu về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan hỗ trợ tối đa về thủ tục để các dự án triển khai, thực hiện đảm bảo tiến độ. Các địa phương có dự án phối hợp với nhà đầu tư làm "dân vận khéo” để "điểm nghẽn” trong công tác giải phóng mặt bằng được tháo gỡ, tạo thuận lợi cho thi công.

Theo tiến độ, dự án KDL sinh thái Ngòi Hoa của Công ty CP đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn sẽ đi vào vận hành, khai thác giai đoạn 1 trong quý III/2024 với quy mô tầm cỡ và trở thành điểm đến lý tưởng 4 mùa, có bản sắc riêng, chất lượng dịch vụ thượng hạng. Một số dự án trọng điểm khác trong quần thể KDL dự kiến sẽ khởi công trong năm nay, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm đẳng cấp với sự xuất hiện của những resort tiêu chuẩn 4 - 5 sao cùng nhiều tiện ích: du thuyền, lướt ván diều, dù lượn, ván buồm, công viên nước với đường trượt tốc độ cao, hệ thống tiện ích nội khu (trung tâm thương mại, bể bơi ngoài trời, quảng trường, sân thể thao, nhà hàng, spa chăm sóc sắc đẹp...).

Trên lộ trình trở thành KDL cấp quốc gia, tiêu chí khó đạt được nhất đối với tỉnh là kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch. Bên cạnh công tác thu hút đầu tư, tỉnh tập trung giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án trên KDL, đồng thời huy động các nguồn lực hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, cảng du lịch, bến thuyền, thông tin liên lạc... để tạo đà cho hệ thống lưu trú, sản phẩm du lịch phát triển nhanh, đóng góp vào tăng trưởng khách.  

Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao

Kết quả khảo sát ở các địa phương trong KDL hồ Hòa Bình đang triển khai một số loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh riêng, như: du lịch cộng đồng (DLCĐ) mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; du lịch nghỉ dưỡng trên hồ Hòa Bình; du lịch thể thao dù lượn, chạy marathon, lướt sóng, câu cá, du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm, làng nghề OCOP. Bên cạnh đó, mô hình phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với trải nghiệm thực tế thu hút sự quan tâm của giới trẻ, khách nước ngoài: camping, tắm thác, suối... 

Vượt qua những tác động của đại dịch Covid-19, các sản phẩm du lịch vùng ven hồ, như: tuyến đi bộ, đạp xe quanh hồ, trải nghiệm DLCĐ, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch tâm linh được khôi phục và các hoạt động tại khu, điểm du lịch, điểm di tích  được duy trì tốt. Nhiều ngành nghề truyền thống: làm giấy dó, vẽ sáp ong, dệt thổ cẩm được bảo tồn, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm và cung cấp cho thị trường khách. Một số sản phẩm du lịch trên hồ Hòa Bình đã góp phần tạo kết nối tuyến du lịch đường bộ, đường thủy. Đặc biệt từ tháng 10/2023, TP Hòa Bình đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ cuối tuần tạo nên sản phẩm du lịch mới, thu hút người dân và du khách. Việc phát triển sản phẩm trên KDL được tập trung cho loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, một số dự án du lịch vui chơi, giải trí chất lượng cao, góp phần đa dạng hóa sản phẩm. 

Thay lời kết

Song song với thực hiện Chương trình hành động số 15-Ctr/TU, ngày 22/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hòa Bình thực hiện quyết tâm cao xây dựng thành công thương hiệu quốc gia cho KDL hồ Hòa Bình. Sản phẩm đặc trưng của KDL là tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ Hòa Bình. Dự báo những năm tới, KDL đón trên 500 nghìn lượt khách/năm, đáp ứng tiêu chí về số khách đến của KDL quốc gia. 

Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị: Các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 14-NQ/TU đề ra. Các ban, ngành, địa phương tích cực phối hợp tham mưu triển khai nhiệm vụ được giao, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên và lồng ghép nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là về giao thông, bến cảng, bến thuyền kết nối các điểm du lịch, thu hút các nguồn vốn hỗ trợ chính thức nước ngoài, tổ chức phi chính phủ và nguồn xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch đạt chuẩn từ 3 sao trở lên với các dịch vụ vui chơi giải trí nghỉ dưỡng chất lượng cao, phát triển mạnh loại hình DLCĐ và tạo nhiều sản phẩm dịch vụ bổ trợ cho khách, giúp tạo việc làm, mang lại nguồn thu cho người dân địa phương. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển du lịch, tạo điều kiện hỗ trợ nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát, lập dự án; hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa trong đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hình ảnh, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, ngành, toàn xã hội về vai trò, vị trí của ngành du lịch trong phát triển KT-XH; tuyên truyền, vận động người dân và cộng đồng giữ gìn phong tục, tập quán, bảo vệ tài nguyên môi trường, hỗ trợ người dân tham gia hoạt động du lịch, DLCĐ góp phần thúc đẩy du lịch phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa. 



Bùi Minh

Các tin khác


Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

VITM Hà Nội 2024 thu hút gần 80.000 lượt khách tham quan, mua tour kích cầu dịp hè

Chiều ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổng kết, bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Hội chợ thu hút gần 80.000 khách đến thăm quan, mua sắm tour kích cầu dịp 30/4-1/5 và dịp hè.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục