Bài 1 - Tiềm năng du lịch vùng hồ được "đánh thức” 

Được hình thành từ đắp đập, ngăn sông, chinh phục thiên nhiên, con sông Đà hung dữ xưa kia nay trở thành hồ nhân tạo lớn và là khu du lịch (KDL) hấp dẫn. Cùng với thực hiện mục tiêu đưa du lịch Hòa Bình trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh đã và đang tập trung phát triển hồ Hòa Bình trở thành KDL quốc gia.


Những chuyến tàu du lịch ngược, xuôi điểm xuyết cho cảnh quan thiên nhiên vùng hồ Hòa Bình thêm tươi đẹp, hùng vĩ.


Người dân bản Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) lưu giữ nét đẹp văn hóa Mường Ao Tá qua mô hình quán tự giác, khơi gợi cho du khách sự thích thú, tò mò.  

Có diện tích trên 52.000 ha trải dài trên địa bàn các huyện: Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Đà Bắc và TP Hoà Bình, khu vực lòng hồ giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Những năm gần đây, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự quan tâm, hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, những tiềm năng, lợi thế về du lịch vùng hồ đã và đang được phát huy, khai thác.

Sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú 

Cảnh quan tự nhiên "sơn thuỷ hữu tình” trên khu vực  hồ Hoà Bình được tạo bởi thế núi, thế sông. Nhiều du khách trong nước, quốc tế trên hành trình "du sơn, ngoạn thủy” hồ Hòa Bình đã không khỏi trầm trồ bởi vẻ đẹp hùng vĩ của núi non trùng điệp, hàng trăm hòn đảo lớn, đảo nhỏ nhấp nhô giữa làn nước xanh màu ngọc bích gợi sự liên tưởng đến một "Vịnh Hạ Long trên núi”.      

Trên hồ còn có hệ thống hang động với vô vàn khối nhũ đá mang nhiều dáng vẻ, màu sắc huyền ảo. Những vịnh nước nhỏ, trong xanh suốt bốn mùa. Hai bên bờ là những cánh rừng bạt ngàn cùng hệ động, thực vật đa dạng xen lẫn những bản làng đồng bào dân tộc còn nguyên bản sắc. Tất cả tạo nên một "bức tranh” tuyệt mỹ với vẻ đẹp hoang sơ, bình yên trên vùng sông nước mênh mang.

Bên cạnh đó, hồ Hoà Bình có nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh. Điểm đến nổi tiếng thu hút nhiều du khách tham quan, hành hương, vãn cảnh là khu du lịch tâm linh đền Chúa Thác Bờ thuộc huyện Cao Phong, Đà Bắc; động Thác Bờ thuộc huyện Tân Lạc; chùa Hoà Bình Phật Quang (TP Hoà Bình); các danh thắng vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên, KDL sinh thái đảo Ngọc, đảo Dừa và nhiều bản làng của đồng bào các dân tộc Mường, Dao vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống. Đây chính là nguồn tài nguyên văn hóa, tài nguyên nhân văn phong phú, đặc sắc thích hợp để phát triển du lịch.

Hình thành những điểm đến du lịch cộng đồng

Cách đây 10 năm, tổ chức phi chính phủ Action on Poverty (AOP) của Austraylia tại Việt Nam đã góp sức cùng chính quyền huyện Đà Bắc triển khai Dự án Du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại  Đà Bắc, trong đó bản Đá Bia, xã Tiền Phong là điểm đầu tiên được lựa chọn thực hiện mô hình. Bà Đinh Thị Yệu, một trong những hộ tham gia dự án chia sẻ: Cuộc sống của người dân trong bản trước kia phụ thuộc vào nghề trồng rừng và đánh bắt thủy sản trên hồ. Điều kiện kinh tế của hầu hết các gia đình khó khăn, việc giao lưu, giao thương không thuận tiện. "Gia tài” giá trị nhất mà chúng tôi có được là bản sắc văn hóa của dân tộc Mường Ao Tá với phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt được lưu giữ từ rất lâu đời. Với sự hỗ trợ về tài chính, nâng cao năng lực của dự án và Nhà nước, các hộ đã cải tạo, xây dựng lại nhà sàn theo kiến trúc nguyên bản để làm homestay đón khách, quan tâm gìn giữ môi trường. Nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch bắt đầu được hình thành, kết nối cung cấp đến du khách. Đồng thời, hộ dân được hướng dẫn kiến thức làm du lịch thông qua các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa được bảo tồn, hoạt động nông nghiệp, ngành nghề truyền thống được khôi phục. 

Đến nay, Đá Bia trở thành điểm đến DLCĐ nổi tiếng. Đặc biệt, bản là 1 trong 3 điểm DLCĐ trên toàn quốc vinh dự nhận giải thưởng DLCĐ ASEAN trao tại Diễn đàn du lịch Châu Á - ATF Hồng Kông, Trung Quốc năm 2019. Sức hấp dẫn của bản DLCĐ Đá Bia đối với khách du lịch ngày càng lớn. Chị Phạm Thu Hoài, du khách Hà Nội chia sẻ: Đá Bia để lại cho tôi ấn tượng đậm nét về văn hóa qua tập quán sinh hoạt, câu chuyện về mô hình quán tự giác có phần kỳ bí và tỏa ra nét đẹp riêng của người dân nơi đây chân chất, thật thà. Tôi cũng khá hài lòng về không gian sinh hoạt ở các homestay đón khách, dịch vụ trải nghiệm tại đây.

Cũng thông qua sự hỗ trợ nâng cao năng lực, các điểm đến DLCĐ khác trên vùng hồ được hình thành, đi vào hoạt động, gồm: Mó Hém - xã Tiền Phong, Ké - xã Hiền Lương, Sưng - xã Cao Sơn (Đà Bắc); Ngòi - xã Suối Hoa (Tân Lạc); Tiện - xã Thung Nai (Cao Phong); Bích Trụ - xã Hòa Bình (TP Hòa Bình).

Hấp dẫn những khu, điểm sinh thái trên hồ

Với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, điểm đến lý tưởng, vùng hồ Hòa Bình từ lâu đã được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp "ngắm” trúng, mục đích xây dựng tour du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên vùng hồ kỳ thú mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ.

Điểm đến nổi bật là Mai Châu Hideaway Resort thuộc xã Sơn Thủy (Mai Châu). Được ví như một vịnh biển nhỏ bao quanh bởi những dãy núi xanh rì nằm giữa lòng hồ, đây là khu nghỉ dưỡng đẳng cấp đầu tiên được xây dựng trên KDL. Nhờ vị trí đắc địa, không gian, cảnh sắc yên bình, dịch vụ hoàn hảo nên ngay khi đi vào hoạt động, Mai Châu Hideway đã trở thành điểm đến "hot” được du khách yêu thích, nhất là khách quốc tế. Trên KDL còn xuất hiện ngày càng nhiều khu, điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như: Ba Khan Village Resort - xã Sơn Thủy (Mai Châu); Xoan Retreat - xã Hiền Lương, Maida Lodge - xã Tiền Phong (Đà Bắc)... Cùng với đó, chương trình nghỉ dưỡng cuối tuần, chương trình trải nghiệm trên KDL hồ Hòa Bình từng bước được quan tâm khai thác. 

Theo đồng chí Đặng Tuấn Hùng, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc hình thành các bản làng DLCĐ và sự xuất hiện của các khu, điểm nghỉ dưỡng đã mang đến cho vùng hồ diện mạo, sức sống mới. Mỗi điểm đến đều có nét riêng, du khách có thể lựa chọn đa dạng về sản phẩm: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm cùng tham gia các hoạt động và sinh hoạt của người dân, chèo thuyền, bơi trên hồ hay trecking qua các khu rừng nguyên sinh, hòa mình vào những vũ điệu sôi động của các chàng trai, cô gái Mường, Dao thân thiện, mến khách. Tại một số điểm còn xây dựng chương trình giải trí dưới nước hấp dẫn, tham quan một số hang động mới, như thắng cảnh quốc gia động Hoa Tiên (Tân Lạc); hang Hổ Vàng, hang Sông, hang Sưng (Đà Bắc)...  
KDL hồ Hòa Bình cũng từng bước mở rộng phạm vi kết nối với các khu, điểm khác trong tỉnh và tuyến đường thủy di chuyển bằng tàu trên sông Đà qua các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Năm 2019, KDL đón 550.000 lượt khách, chiếm 17,7% tổng số khách toàn tỉnh, trong đó có 26.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ du lịch đạt 160 tỷ đồng. Người dân các xã vùng hồ có nhiều chuyển biến về nhận thức, tư duy phát triển kinh tế du lịch; các khu, điểm du lịch góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương...            
(Còn nữa)


Bùi Minh


Các tin khác


Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

VITM Hà Nội 2024 thu hút gần 80.000 lượt khách tham quan, mua tour kích cầu dịp hè

Chiều ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổng kết, bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Hội chợ thu hút gần 80.000 khách đến thăm quan, mua sắm tour kích cầu dịp 30/4-1/5 và dịp hè.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục