Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.
Các trò chơi dân gian được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội đình Rậm, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy), mang đến không khí tươi vui, thu hút người dân và du khách tham gia.
Từ lâu, đình Rậm cùng nét đẹp văn hoá truyền thống Tết cơm Đe ở xã Lạc Thịnh đã trở thành "đặc sản” hấp dẫn đối với người dân và du khách. Hàng năm, vào ngày 25 - 26/10 âm lịch, người Mường nơi đây tưng bừng tổ chức lễ hội trong không gian đình Rậm linh thiêng. Khách về dự thường rất đông. Con em dù ở xa cũng trở về đoàn tụ, vui đón hội đình. Sau khi hoàn tất nghi lễ, các gia đình có phong tục mời khách về nhà cùng ăn Tết. Bên cạnh phần lễ, lễ hội đình Rậm và Tết cơm Đe còn cuốn hút du khách với phần hội. Vào những ngày này, xã tổ chức giao lưu văn nghệ, hội thi ẩm thực, thi đấu bóng chuyền và nhiều hoạt động bảo tồn những tập quán đẹp, các trò chơi dân gian lành mạnh như: kéo co, đi cà kheo…
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Yên Thủy có 3 di tích cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh. Các điểm di tích được đầu tư, trùng tu, tôn tạo đáp ứng nhu cầu văn hoá, tinh thần của nhân dân, phục vụ phát triển du lịch. Cùng với đó, các lễ hội gắn với di tích lịch sử - văn hoá đình, chùa được phục dựng, duy trì tổ chức, như: lễ hội chùa Hang - hang Chùa, đình Thượng, đình Trung, xã Yên Trị; đình Phủ Vệ, xã Đoàn Kết; đình Xàm, xã Phú Lai… Nhằm phát huy giá trị của di tích, huyện quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn việc chuẩn bị và tổ chức đảm bảo chu đáo, kỹ lưỡng, đúng nghi thức văn hoá truyền thống. Trong đó, phần lễ gồm các nghi thức: diễu hành, rước kiệu, dâng hoa, dâng hương, dâng lễ vật được diễn ra trang trọng, mang ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc đối với cội nguồn.
Để du khách được trải nghiệm, hiểu hơn về nét đẹp văn hoá gắn liền với di tích, các lễ hội chú trọng tổ chức hoạt động phần hội sôi nổi, giàu bản sắc thông qua các chương trình văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian… Mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024, lễ hội hang Chùa - chùa Hang, đình Thượng, đình Trung, xã Yên Trị đã tổ chức 3 đêm giao lưu văn nghệ; nội dung bóng chuyền nam, nữ; bóng đá nam; giải bắn nỏ mở rộng; lễ hội ẩm thực tại xóm Lòng; trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP. Trong khuôn khổ lễ hội đình Xàm, xã Phú Lai tổ chức 3 nội dung bóng chuyền, trong đó có nội dung bóng chuyền hơi, 2 nội dung bóng chuyền da nam, nữ; nội dung bắn nỏ - kéo co - đẩy gậy, chương trình giao lưu văn nghệ. Lễ hội đình Liêu, xã Ngọc Lương tổ chức giao lưu 2 nội dung bóng chuyền hơi nam, nữ; 2 chương trình giao lưu văn nghệ. Lễ hội đình Phủ Vệ, xã Đoàn Kết tổ chức 2 nội dung bóng chuyền hơi nam, nữ; 2 chương trình giao lưu văn nghệ…
Đồng chí Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Yên Thủy cho biết: Để khai thác tốt hơn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, công tác truyền thông điểm đến du lịch lễ hội, du lịch tâm linh được huyện tăng cường. Tại các điểm di tích đều được số hoá, quét mã QR code phục vụ nhu cầu tìm hiểu của nhân dân và du khách thập phương. Việc quản lý, tổ chức lễ hội phù hợp với từng di tích, nghiêm túc theo quy định, an toàn, tiết kiệm, đảm bảo thuần phong mỹ tục. Các đơn vị tổ chức lễ hội chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thu gom, để rác đúng nơi quy định, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường… Qua đó góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch văn hoá, du lịch tâm linh hấp dẫn đến du khách; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc tổ chức và quản lý di tích, hoạt động lễ hội.
Bùi Minh
Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.
Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.
Ngày 5/4, tại thành phố Hoà Bình, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình và Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến liên kết hợp tác và phát triển du lịch. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Được ví như đảo thiên đường của đại ngàn Tây Bắc, khu du lịch (KDL) Mộc Châu Island thuộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm, khám phá. Sản phẩm hấp dẫn của KDL là các công trình nhân tạo đồ sộ, mô hình lưu trú độc đáo cùng nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mới lạ.
Bài 3 - Thúc đẩy phát triển khu du lịch tầm cỡ quốc gia
Hiện nay, khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình đạt 3/5 điều kiện đối với KDL quốc gia. Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ đến năm 2025, KDL cơ bản đạt được các tiêu chí; đến năm 2030 trở thành KDL quốc gia. Cùng với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, KDL hồ Hòa Bình hứa hẹn trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, 1 trong 12 KDL trọng tâm của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ.
Bài 2 - Lực đẩy để du lịch vùng hồ chuyển động
Khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình sẽ chẳng thể trở thành điểm đến hấp dẫn nếu không loại bỏ được những "rào cản” về cơ chế, chính sách, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, chất lượng nguồn nhân lực... Cùng với đường hướng đã được chỉ rõ tại Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KDL hồ Hòa Bình thành KDL quốc gia, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển du lịch vùng hồ bền vững.